Kỳ thị khiến 20% F0 Covid-19 không hợp tác khai báo

Có đến 20% các F0 không hợp tác trong quá trình khai báo, có người còn tắt điện thoại, chặn số từ Bộ Y tế hoặc tổ truy vết.

Đoạn thông báo trên từ đại diện Tổ Thông tin Đáp ứng nhanh phòng, chống Covid-19 được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng ngày 31/1, khiến tôi không khỏi trăn trở.

Tôi tự hỏi, tại sao khi tình hình dịch bệnh bùng phát lần này nghiêm trọng hơn những lần trước rất nhiều, nguy cơ lây lan biến chủng mới tăng cao. Vậy nhưng nhiều người lại thờ ơ, trốn trách, không hợp tác khai báo y tế như vậy? Chẳng lẽ họ không sợ bản thân và gia đình, người thân nhiễm virus?

Thoạt nghe thông tin này, có lẽ nhiều người cũng bất ngờ và phẫn nộ giống như tôi. Chúng ta bức xúc vì những con người vô ý thức, thiếu trách nhiệm với cộng đồng; chúng ta bất bình khi nhiều người xem thường bao công sức, nỗ lực của Chính phủ và các cơ quan chức năng trong việc ngăn chặn Covid lây lan. Thế nhưng, đằng sau tất cả những hành động đáng trách ấy, tôi nghĩ rằng cũng có nguyên nhân của nó.

Hãy thử hình dung và đặt mình vào trong trường hợp là một F0, F1, F2, bạn sẽ thấy thế nào? Giả sử bạn đi dự một đám cưới người thân, họ hàng, bạn bè… Mấy ngày sau, người ta thông báo đám cưới đó có một người dương tính với nCoV, bạn vô tình trở thành F1, F2. Biết tin, bạn lập tức liên hệ, khai báo với cơ quan y tế. Việc chủ động cung cấp thông tin của bạn giúp cơ quan chức năng nhanh chóng khoanh vùng và tiến hành xét nghiệm. Điều không may xảy ra, bạn dương tính với nCoV và bị đánh số hiệu, công khai thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Cả nước sẽ biết đến bạn là một bệnh nhân Covid.

Nhưng nếu mọi chuyện chỉ dừng lại như vậy thì rất đỗi bình thường. Câu hỏi là thực tế chuyện gì sẽ xảy ra sau đó? Khi bạn bị dán nhãn “bệnh nhân thứ X”, người ta sẽ nhìn bạn với một ánh mắt hoàn toàn khác. Bạn hoàn toàn chẳng hề trốn cách ly, khai báo gian dối hay che giấu lịch sử di chuyển; bạn cũng chẳng hề mong muốn mình bị nhiễm bệnh, tất cả chỉ là sự không may khi dịch bệnh búng phát bất ngờ; tất cả những gì theo khuyến cáo của nhà nước bạn đều đã thực hiện nghiêm túc, nhưng đổi lại được gì?

>> Phòng dịch tiêu cực từ việc kỳ thị khách Tây

Trong khi bị cách ly, được chăm sóc y tế, bạn tình cờ mở mạng xã hội ra và thấy tên mình ở khắp mọi nơi, được mọi người nhắc đến, bàn tán với những danh từ nhân xưng như “đứa bệnh nhân này”, “thằng bệnh nhân kia”, “mụ Covid ở đám cưới”… hay bị gán ghép với những câu như “nó bị xích đi rồi”, “y tế mới hốt nó đi chiều qua”, “nó ở ngay khu tao sống mới đau chứ”… Vậy bạn sẽ thấy thế nào khi trong phút chốc, bạn từ một bệnh nhân bỗng hóa thành kẻ phạm tội đi gieo rắc mầm bệnh ra xã hội?

Thế đó, khi mà nhiều người trong xã hội vẫn kỳ thị, nhìn cách bệnh nhân Covid như một giống loài gây hại, như “kẻ mắc dịch”, luôn tìm cách xa lánh, hắt hủi, dè bỉu bạn mọi lúc, mọi nơi, tôi tin bạn sẽ chẳng bao giờ muốn bị thành F. Và câu chuyện trốn tránh bắt đầu. Vì không muốn bị người đời kỳ thị, không muốn người thân, gia đình mình bị vạ lây, bạn tìm cách trốn chạy cơ quan chức năng, chặn số ý tế… Đó là mầm mống của thực trạng vượt biên, khai báo gian dối, và trốn cách ly hiện nay.

Quay trở lại câu chuyện nhiều F0, F1, F2 không hợp tác khai báo y tế, chặn số cơ quan chức năng, tôi không hề bao che hay bào chữa cho những người này. Đó thực sự là một hành vi không đúng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an nguy của xã hội, và rất đáng bị lên án. Nhưng muốn hạn chế số người này, chúng ta không chỉ cần những chế tài xử phạt nghiêm khắc, mà còn cần những thay đổi từ cái nhìn của xã hội với họ – nhưng người không may trở thành F.

Cuộc chiến chống Covid là một cuộc chiến trường kỳ, kèo dài rất nhiều năm, cho tới khi con người tìm ra vaccine. Từ giờ tới lúc đó, mỗi người dân cần tự nâng cao ý thức phòng dịch và tinh thần vì cộng đồng, vì đất nước và đồng loại. Bằng không, chẳng cần tới khi Covid gõ cửa từng nhà, chúng ta đã tự “cắn xé” lẫn nhau bằng những ngôn từ, cái nhìn độc ác.

Nguyễn Lữ

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Tôi sợ ho

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *