Khi người đời đánh giá nhau bằng tiền bạc, địa vị

Nhiều người tôi quen bán cả nhà, đất, bỏ tiền vào tài khoản ngân hàng chỉ để đi khoe con số đó cho thiên hạ thấy giá trị của họ.

Con người là sự thống nhất giữa mặt sinh vật và mặt xã hội, là một thực thể sinh vật – xã hội và là tổng hòa của các mối quan hệ xã hội. Về mặt sinh vật, con người là bộ phận của tự nhiên, sản phẩm của quá trình phát triển lâu dài trong tự nhiên; chịu sự tác động của các quy luật sinh học tự nhiên. Về mặt xã hội, con người chỉ tồn tại với tính cách là con người khi được sống trong môi trường xã hội; chịu sự tác động của các quy luật xã hội, các quy luật tâm lý. Hai động lực giúp con người thể hiện rõ bản chất hay muốn nâng cao giá trị của mình là: động lực giới tính và động lực tỏ ra quan trọng (với ai/vật nào).

Dưới tác động của hai loại động lực này, con người có mấy khía cạnh để so sánh dưới đây:

1. Tiền (vật chất)

Các bạn sẽ không lạ khi người này, người kia luôn hỏi bạn những câu hỏi như: “bạn làm lương tháng bao nhiêu?”, “thu nhập của bạn thế nào?”, “bạn mặc áo hiệu gì?”, “đi giày hãng nào?”… Các ngôi sao truyền thông, các bạn trẻ… thường xuất hiện với những bộ quần áo hàng hiệu siêu đắt, những chiếc xế hộp siêu sang… Thậm chí, việc bạn tới từ quốc gia nào cũng sẽ bị ảnh hưởng đến tâm lý của người khác dành cho bạn. Nếu tới từ các quốc gia văn minh, giàu có thì chính bạn thường được tôn trọng, đánh giá cao. Ngược lại, nếu bạn tới từ các quốc gia nghèo, thái độ của họ cũng rất khác.

Các cá nhân thường có xu hướng khoe khoang cuộc sống vật chất, tiền bạc của họ để chứng minh một điều duy nhất là “bản thân họ” quan trọng hơn những người khác, giỏi kiếm tiền hơn người khác. Nhưng có một điều các bạn thường nhận ra rằng những người mà họ muốn chứng minh phần lớn chỉ là người dưng. Họ có thể dâng lên một chút ngưỡng mộ, ghen tỵ, đố kỵ…, còn phía sau bạn là những vất vả của bản thân hoặc cha mẹ, người thân đang phải “cày ải” để trả nợ những hóa đơn siêu đắt do bạn mang ra để đổi lấy một chút “hư danh trong lòng người lạ”.

Nếu bạn có điều kiện, bạn giàu… không sao cả, những vẫn còn đó những kẻ thích hư danh để rồi bán nhà, bán công ty… để đổi lấy một chút “dopamin” của người lạ. Tôi biết những cá nhân bán cả nhà, đất bỏ tiền vào tài khoản ngân hàng để đi khoe con số đó cho thiên hạ thấy, cái ra oai lúc này với họ là tất cả, nhưng tương lai là sự mất giá của đồng tiền, sự trượt giá của con số trong tài khoản, sự lừa đảo… rồi con cái họ sẽ vô gia cư.

Dùng tiền và các khái niệm vật chất để đánh giá một con người là một “biểu hiện tâm lý” xã hội của con người vốn không thể phủ nhận. Nó đã, đang và sẽ tồn tại như một chuẩn mực, một thước đo, một cách nhìn người.

2. Vẻ bề ngoài (vẻ đẹp bên ngoài, hữu hình)

Dù muốn hay không thì vẻ đẹp bên ngoài của một vật/người cũng sẽ có những tác động tâm lý, thái độ với người/vật khác. Đặc biệt là một sinh vật có tập tính xã hội và tương tác cao như con người. Những sinh vật, cây cỏ có vẻ đẹp sẽ thu hút nhiều bướm hoa, ong mật… Con người cũng vậy, nếu bạn có cho mình một vẻ đẹp bề ngoài tốt thì đó là một lợi thế. Nó không phải là tất cả nhưng là một lợi thế rất lớn. Những ngành nghề cần tới vẻ đẹp ngoại hình rất nhiều, và thậm chí có giá trị cao như quảng cáo, đại diện thương hiệu, KOL…

Sự thật, chúng ta có xu hướng ít tin rằng người có vẻ đẹp, ăn mặc sang trọng… lại phạm tội. Ngược lại, các cá nhân có vẻ bề ngoài xấu, khó nhìn lại thường là nạn nhân của các vụ “bắt nhầm tội phạm” hoặc bị gán ghép, tình nghi cao hơn… Không những thế các cá nhân có vẻ bề ngoài đẹp đẽ khi phạm tội cũng nhận được sự thông cảm cao hơn, dễ dàng tha thứ hơn. Trong khi các cá nhân có vẻ đẹp không dễ nhìn, khuyết tập thường bị trù dập. Đó gọi là “hiệu ứng vầng hào quang” từ chính vẻ bề ngoài.

3. Các mối quan hệ xã hội

Có lẽ các bạn cũng không lạ với những người thích khoe khoang về các mối quan hệ với các nhân vật quan trọng nào đó trong xã hội. Họ khoe có mối quan hệ với ngôi sao hạng A, với ông B là giám đốc, với bà C là cán bộ… Có thể chỉ vì muốn tỏ ra quan trọng hơn một chút trước mặt người dưng, người lạ để họ ghen tỵ, rất nhiều người đã bỏ ra nhiều tiền, của cải, vật chất… của mình hoặc của người thân.. để lấy một ít “dopamin” mà chẳng biết nó cần tới đâu cho cơ thể của họ.

Sự thật, các mối quan hệ xã hội cũng có nhiều giá trị nếu biết khai thác để tạo ra lợi nhuận, việc làm… như các mối quan hệ về kinh tế, làm ăn… Nhưng nếu chỉ để đổi lấy chút sĩ diện, che giấu sự bất tài, là biểu hiện của sự yếu đuối trong tâm hồn và tính cách của họ.

>> Khi bà bán xôi kiếm 50 triệu đồng mỗi tháng

4. Nghề nghiệp

Các bạn cũng sẽ không lạ khi người ta luôn khoe rằng: họ làm bác sĩ, làm cán bộ, làm giám đốc… chứ ít nghe ai đó khoe như: tôi làm công nhân, làm vệ sinh môi trường, làm lao công… Dưới cái bảng tên có vị trí nghề nghiệp làm ra tiền, có hội tụ đủ nhiều yếu tố như học thức, địa vị kinh tế… sẽ làm cho bản thân bạn có cảm giác được người khác nhìn nhận rằng mình có giá trị cao hơn, quan trọng hơn.

Khi bạn bị ngã trên đường nhưng với tư cách là một vị giám đốc ăn mặc đẹp đẽ thì sác xuất bạn được nâng đỡ dậy là rất lớn.Trong khi đó, một người thất nghiệp, vô gia cư… sẽ không được quan tâm bằng. Đây cũng là một dạng thái độ, tâm lý xã hội đáng để bạn phải quan tâm. Vấn đề ở chỗ, bạn đã phải trả giá bao nhiêu, cái giá của sự thành công là lớn thế nào và sự nhận lại đó từ người dưng có đáng để bạn phải làm như vậy không thôi.

5. Học vị

Học vị và các loại bằng cấp cũng gây ảnh hưởng tâm lý rất lớn tới thái độ của người khác dành cho bạn. Khi bạn đạt được những học vị có giá trị cao, điều đó chứng minh rằng bạn có khả năng hoàn thành các mục tiêu học tập, các chương trình học tập dài hơi, khó khăn mà không phải ai trong xã hội cũng làm được. Nhưng bạn cũng phải trả giá rất nhiều về thời gian, công sức, tiền bạc cho các loại học vị, văn bằng đó.

Vấn đề là sau khi có được các học vị đó bạn sẽ dùng nó vào việc gì? Nó phục vụ cho công việc của bạn thế nào? Hay chỉ là thoả mãn đam mê hiểu biết?… Thậm chí, có nhiều người chỉ dùng nó để “lấy le” với người dưng. Mục đích đó là không sai, nhưng liệu bạn có muốn “mất cả đống chi phí học tập, thời gian” để đổi lấy một chút sự ghen tỵ, thèm thuồng của người dưng với mình hay không?

Trên quan điểm giá trị của vật/người, chúng ta phải so sánh tầm quan trọng của vật/người đó với vật/người khác (vật/người A sẽ có giá trị với vật/người B nhưng có thể không có giá trị với vật/người C). Như vậy, chúng ta có mấy giá trị cơ bản sau đây:

Giá trị cộng đồng

Tức là giá trị của bản thân người đó/vật đó với cộng đồng họ đang tồn tại. Người/vật đóng góp nhiều cho cộng đồng sẽ có giá trị cao hơn người đóng góp ít. Sự thật sẽ luôn luôn là vậy, trong cộng đồng luôn tồn tại địa vị xã hội, mà địa vị này do tầm quan trọng của họ để lại. Cộng đồng càng lớn thì tầm ảnh hưởng, tác động của cá nhân càng to lớn.

Do đó, dưới góc nhìn này ta sẽ thấy một vị giáo sư lương tháng 12 triệu sẽ đáng kính và có giá trị với các bạn sinh viên, người làm trong công tác nghiên cứu, giảng dạy, các công ty công nghệ… Còn bà bán xôi vẫn có giá trị nhưng là với cộng đồng người “ăn xôi” của bà thôi. Do hai cộng đồng khác nhau nên không thể so sánh giá trị của bà bán xôi với giáo sư được. Tương tự, bố mẹ của bạn là vô giá với bạn nhưng với người khác có thể là không nhiều giá trị như bạn nghĩ.

Giá trị bản thân

Bao gồm các giá trị cung cấp cho các hoạt động sinh học của cơ thể người và các hoạt động tâm lý xã hội của người đó. Cũng như năng lực muốn phấn đấu trở thành có giá trị với ai, tổ chức nào đó.

Giá trị nghề nghiệp

Các bạn thường nghe thấy ngôi sao hạng A nào đó có giá trị thị trường, nghề nghiệp nghìn tỷ, trăm tỷ… rồi chứ? Đó là giá trị khi được lượng hóa bằng tiền. Nhưng vẫn có những giá trị nghề nghiệp không thể lượng hóa bằng tiền như sự cống hiến với tổ chức, cộng đồng… Ví dụ, bác sĩ đâu chỉ khám bệnh lấy tiền mà còn cứu người, ban phát tình thương, nghĩa vụ phát triển cộng đồng; công an, quân nhân… còn có các giá trị bảo vệ cộng đồng, lãnh thổ…

>> ‘Giá trị của bà bán xôi kiếm 50 triệu mỗi tháng’

Giá trị thị trường

Bản thân sức khỏe về thể chất là trí lực là một dạng hàng hóa và nó sẽ có giá trị trao đổi, buôn bán trên thị trường lao động điều này tạo ra giá trị thị trường của bạn. Bạn có giá, điều đó không có nghĩa là bạn sẽ luôn luôn bán được giá đó mà còn phụ thuộc bạn bán cho ai, ai mua của bạn, ai có trong danh mục khách hàng của bạn…

Giá trị công dân

Đối với một công dân tồn tại dưới một đất nước có pháp quyền thì tư cách công dân luôn luôn được mang ra để so sánh. Có những công dân được đánh giá cao, có những công dân được đánh giá thấp. Có những giá trị mà bạn phục vụ dưới nghĩa vụ là một công dân mà người khác không thể thấy trực tiếp được. Các anh hùng, nghĩa sĩ, danh nhân… đều đã cống hiến giá trị công dân rất cao, không chỉ phục vụ cho quốc gia mà còn góp phần xây dựng lên các giá trị mới, các chuẩn mực mới, các cách sống, lối sống của cả một quốc gia, một dân tộc.

Giá trị đạo đức

Đạo đức của con người là một trong những thước đo giá trị của con người không thể bỏ qua. Có nhiều các nhân không thực sự thành đạt, giàu có… nhưng họ lại có những giá trị khiến người khác, cộng đồng của họ sống tốt hơn, có ích hơn, noi gương…

Tóm lại, giá trị của con người nằm ở hai biểu hiện: bản thân mình cảm thấy có giá trị gì và xã hội/cộng đồng nghĩ người đó có giá trị gì? Và con người luôn luôn có giá trị thực sự chứ không phải được gắn với cụm từ “vô giá trị” để rồi không dám so sánh, không dám nhìn nhận theo cơ chế phòng vệ phản thân.

Thánh Tuệ

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bà bán xôi giỏi hơn cử nhân đại học?

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *