‘Đi đâu cũng thấy tiếng Anh’

Biển hiệu, trang web, sáng tác nhạc, nghệ danh, giao tiếp hàng ngày… toàn bằng tiếng Anh, người Việt dường như đang lạm dụng ngoại ngữ.

Trong thời đại toàn cầu hóa, việc người Việt sử dụng nhiều ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, cũng là điều dễ hiểu. Khi tiếng Anh được xem là ngôn ngữ toàn cầu, người Việt cũng hiểu tầm quan trọng của việc học ngoại ngữ, từ trong chương trình giáo dục phổ thông tới các trung tâm tiếng Anh mọc lên nhan nhản khắp nơi. Điều đó đương nhiên có lợi cho sự phát triển của bản thân mỗi người và cho cả đất nước trong quá trình hội nhập thế giới.

Tuy nhiên, việc quá đề cao ngoại ngữ hiện nay lại kéo theo nhiều mặt trái. Bước chân ra đường bây giờ, chúng ta không khó để bắt gặp những biển hiệu quảng cáo được đặt tên bằng tiếng Anh từ quán ăn, nhà hàng… đến siêu thị, từ nông thôn ra thành phố. Lướt quá các website của các khách sạn trong nước, tôi cũng gặp tình trạng nhiều khách sạn, resort có trang đặt phòng lại hiển thị hoàn toàn bằng tiếng Anh hoặc nhiều ngôn ngữ khác, thay vì tiếng Việt.

Không chỉ ngoài xã hội, tiếng Anh còn đang bị lạm dụng quá đà trong các lĩnh vực giải trí, nghệ thuật. Điển hình là việc hàng loạt ca khúc mới được sáng tác thường xuyên sử dụng tiếng Anh chêm vào trong lời nhạc, thậm chí đặt tiêu đề bằng tiếng Anh. Không ít ca sĩ trẻ cũng dùng nghệ danh quốc tế thay vì dùng tên thuần Việt. Điều đó có thể lý giải do muốn hội nhập với thế giới, tăng khả năng quảng bá sản phẩm, nhưng việc sử dụng quá nhiều, tới mức thành trào lưu, vô tình làm giảm giá trị của ngôn ngữ Việt trong đời sống nghệ thuật nước nhà.

Cũng từ đó, người ta đưa cả tiếng Anh vào trong ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày. Nhiều bạn trẻ ngày nay thường xuyên đệm vài từ tiếng Anh vào để nghe có vẻ “sang” hơn. Tôi tưng rất khó chịu khi nói chuyện với một số bạn nhân viên trẻ bởi cứ chốc chốc lại “no problem, comment, take care, oh my god, what…”. Thậm chí, nếu ai không hiểu, còn bị họ cho là lạc hậu, không bắt kịp xu thế. Vẫn biết học phải đi đôi với hành, thường xuyên trau dồi ngoại ngữ mới nâng cao được trình độ của mình, nhưng cái gì cũng phải đúng nơi, đúng lúc, đúng đối tượng, chứ không thể lai căng, tạp nham như vậy được.

Học và sử dụng tiếng Anh là điều cần thiết với mọi người, nhất là trong thời buổi toàn cầu hóa như hiện nay. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta cứ mặc sức lạm dụng tiếng Anh thái quá, để rồi đánh mất, làm mai một ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ ngay trên quê hương của mình. Tôi hy vọng người Việt sẽ nhìn nhận lại nghiêm túc vấn đề này và có điều chỉnh hợp lý nhất, trả lại giá trị và sự trong sáng cho tiếng Việt, “hòa nhập chứ đừng hòa tan”.

Trần Xuân Long

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *