Nước mắt sau mỗi mùa hoa Tết

Không ít người bán hoa đã có một mùa Tết mặn chát vì họ khóc khi phá bỏ những chậu hoa trước giờ giao thừa.

Phải chăng những gì đang diễn ra chỉ là kết quả đương nhiên mà con người chúng ta phải chấp nhận trong nền kinh tế thị trường? Theo cảm nhận của nhiều người, hiện nay, Tết cổ truyền đang dần rơi vào tình trạng đời thường hóa, bình thường hóa. Phải chăng nếp văn hóa truyền thống này đã bị mất thiêng vì lòng người càng trở nên thực dụng?

Tôi nghĩ rằng muốn cảm nhận rõ nét không khí của Tết thì chợ hoa chính là sự lựa chọn hoàn hảo. Vì thế tôi thích đi chợ hoa mấy ngày giáp Tết, mấy ngày đó chợ nhộn nhịp như trẩy hội, người người chen chúc, tươi cười hớn hở.

Tôi thích dạo bước lướt qua những chậu hoa xinh đẹp ấy để cảm nhận trọn đầy không khí ngày Tết, tôi nhìn mọi người chọn hoa cùng với nụ cười lẫn lời chúc tết tốt đẹp của người bán để mang về nhà. Không khí Tết cứ thế mà theo chân từng người lan tỏa về khắp mọi nẻo đường, về với mọi nhà.

Bây giờ Tết cũng đã thay đổi, với quá trình thế tục hóa toàn bộ đời sống tâm linh và sự tiến bộ của điều kiện vật chất, vai trò của Tết chủ yếu biểu lộ trên bình diện tinh thần trong quá khứ, thì giờ đây con người hiện đại trở nên duy lí hơn.

Nhưng tôi nghĩ cuộc sống con người vẫn luôn cần đức tin, cộng đồng, nguồn cội. Nghịch lí của cuộc sống hiện đại là cá nhân trở nên cô đơn, lạc lõng và có nguy cơ tha hóa giữa một xã hội ngày càng tối tân nhưng cũng đầy rủi ro, bất trắc.

>> ‘Tết khó gọn nhẹ với người có gia đình’

Tết là dịp để con người hướng về tổ tiên, cội nguồn. Tết là sự kiện để con người làm mới và gia cố các quan hệ cộng đồng trước khi trở lại với chu kỳ vận hành quen thuộc. Tết còn là thời điểm để con người giao hòa với vũ trụ trong bước chuyển mình hứa hẹn những điều mới mẻ…

Năm nay dịch bệnh qua những phương tiện thông tin đại chúng, được biết những người trồng hoa đang rất lo lắng vì chưa có thương lái đến ngỏ lời như mọi năm. Những người trồng hoa chắc cũng như tôi, lớn lên từ những ngôi làng miền quê, có ba má một nắng hai sương lo cho bữa cơm ấm nhà. Họ cũng có những đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn và chắc cũng có những khát vọng giống như tôi, những người nông dân khi trông chờ chỉ vào mùa hoa dịp cuối năm.

Vậy mà bao người luôn có tâm lí chờ hết ngày để mua hoa rẻ mà chẳng cảm thông trước nỗi niềm sâu kín thăm thẳm của người trồng hoa. Ta yên tâm khao khát cuộc sống an lành, lại có thể phớt lờ khao khát an lành của người khác?

Vài năm trở lại đây điều này cứ lặp đi lặp lại, làm cuộc sống trở nên bấp bênh rất nhiều. Theo một tâm sự thì việc bán hoa ngày Tết đã trở thành cái nghiệp, dù không lời nhưng cũng không bỏ nghề được, đó là cái nợ đời của những người yêu cây cảnh làm đẹp cho đời.

“Có câu có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Cũng có thể có thật mà cũng có thể không, đó là con người tìm cách giao cảm với các lực lượng siêu nhiên, đặng kiếm tìm một sự bảo trợ cho đời sống thế tục, và hoa là một trong những lễ vật để con người thể hiện điều đó như một thói quen.

>> Người bán hoa ‘đẩy giá cao rồi giảm ngày 30 Tết’ không phải ích kỷ

Chuyện đó không cũ không mới nhưng đó là lòng biết ơn với đất trời, với tổ tiên, biết ơn với những gì đã từng gắn bó với cuộc đời làm cho người ta sống thanh thản hơn vì con người sống phải biết có trước có sau.

Đó là ngày xuân trong nhà có thêm sắc vàng, sắc đỏ thì cả năm sẽ gặp nhiều may mắn thấy hoa là thấy cuộc sống nở hoa, vì thế ai ai cũng mong nhà mình có được một vài chậu hoa khoe sắc trong những ngày xuân trang trí nhà cửa, ai cũng mong có một cái Tết vạn sự như ý và may mắn trọn vẹn.

Mong rằng mùa xuân năm nay người dân sẽ mua được những chậu hoa ưng ý, còn người bán không còn phải chạnh lòng vì bị ép giá rồi bán đổ bán tháo, đã khiến không ít người có một cái tết mặn chát như những giọt nước mắt. Chẳng có ai ăn tết mà chỉ biết vui cho mình, đóa hoa cũng như lòng trắc ẩn khiến cho người ta sống trở nên tử tế và chân thành hơn.

Huỳnh Long

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *