Tìm việc cần trình độ, xin việc trọng thái độ

Người có trình độ cao nên tìm việc ở những doanh nghiệp lớn, còn người trình độ thấp nên xin việc ở những công ty nhỏ coi trọng thái độ.

Không điều gì thoát khỏi quy luật cung – cầu, nên việc mua bán sức lao động cũng vậy. Nói cụ thể, như việc thiếu tới 70% người làm trong lĩnh vực “cloud computing” khiến những sinh viên học ngành này chỉ cần có nền tảng vững một chút, thì chưa cần ra trường, các công ty đã săn đón ngay với đầy đủ chế độ lương, thưởng, du lịch, nghỉ dưỡng, hoa hồng… mà chẳng bao giờ cần phải đi “xin việc”.

Thậm chí, ngay cả với những sinh viên đi ứng tuyển vị trí CEO trong một công ty vừa và nhỏ rồi bị từ chối vì lý do “thái độ”, họ cũng chẳng cần đến vài tuần chờ đợi, công việc cũng sẽ tự tìm đến. Thế nên, người lao động trong lĩnh vực này, tính đến thời điểm hiện tại, chưa bao giờ biết đến mùi đi “xin việc”, ngược lại nhưng đơn vị khai thác bàn tay và bộ não của họ, phải vắt hết óc tìm cách “đào” càng nhiều thứ càng tốt từ các “kho vàng sống” này.

Vậy với những ngành khác, không có những “kho vàng sống” hay sao? Tất nhiên là có, nhưng nhìn chung, thói quen tuyển dụng nhân sự ở nước ta vẫn chưa bao giờ bắt kịp thời đại cả. Chẳng vậy mà nhân tài đều đổ dồn vào các công ty nước ngoài. Hãn hữu lắm mới có một vài doanh nghiệp lớn trong nước thu hút được người tài, nhưng tất cả trong số đó đều phải có văn hóa doanh nghiệp rất khác biệt với phần còn lại – anh làm nhiều sẽ được hưởng nhiều, làm ít hưởng ít…

Những công ty thuộc dạng vừa và nhỏ ở ta chiếm số lượng rất nhiều, nhưng đa phần luôn có cái thói quen “ban ơn” cho người lao động. Nói dễ hiểu, tức là họ cọi trọng “thái độ hơn trình độ”. Nhưng thực ra, ở nhưng nơi như thế, nhân tài sẽ “chạy hết” ngay từ lần ứng tuyển đầu tiên, hoặc bị đánh trượt vì lỗi “hành vi”, hoặc chính họ cũng sẽ tẩu thoát vì không thấy tương lai. Thử hỏi xem, khi thấy một người có trình độ thấp hơn, tư duy kém hơn, nhưng chỉ cần hợp tác một chút là sẽ được chấp nhận vào được guồng quay của công ty, vậy những người thông minh sẽ tự hiểu được rằng đây không phải môi trường lý tưởng của họ.

Ở những nơi này, họ chỉ cần người phù hợp với cái vị trí cố định chứ không cần tiềm năng của bạn làm gì cả. Lẽ dĩ nhiên, khi vào những công ty như thế, bạn sẽ toàn thấy những thành phần trình độ kém hơn một chút, đa phần làm hết phận sự của mình và không có ý kiến hay đổi mới gì. Những thành phần như vậy gắn bó và giữ chân nhau thì bạn “có là thiên nga cũng không bay được”.

>> Tôi tìm việc, không phải xin việc

Nói đến quy luật cung – cầu, tại sao nhìn vào văn hóa tuyển nhân sự, ta lại có thể đánh giá tiềm năng của một công ty? Vì ở đó, người ta thấy được nhu cầu của công ty, biết được họ cần “bánh răng” hay “bánh xe”? Vị trí “bánh răng” có rất nhiều người có thể làm được, người ta có thể thoải mái tuyển lựa, nên sẽ quan trọng thái độ hơn trình độ. Họ cần nhân viên theo khuôn mẫu và phải đúng cái khuôn ấy, đồng nghĩa với việc là bạn sẽ cứ xoay quanh một chỗ mãi. Còn vị trí “bánh xe” lại khác, cần nhiều loại đi trên nhiều cung đường khác nhau, nên trình độ rất quan trọng, công ty sẽ có hẳn một bộ phận làm “dầu bôi trơn” thay cho thái độ.

Ở nước ta, không gian phát triển hẹp, nên các công ty trong nước khi đề cập đến tuyển nhân sự là nói đến người đi xin việc, nhu cầu của họ là thái độ. Ngược lại, đa phần công ty nước ngoài và các công ty lớn đều cần trình độ, vì họ có tư duy đổi mới và nhu cầu bắt kịp thời đại bức thiết. Nhìn chung, người tài không nên làm ở nơi khó phát triển; còn doanh nghiệp tầm không cao cũng không cần người trình độ quá cao, nên ở những nơi như vậy, thói quen tuyển nhân sự của họ cũng phù hợp với logic xã hội mà thôi. Lớp trẻ được đào tạo tốt và bài bản, lao động trình độ cao tất nhiên cũng sẽ không ở những nơi không cần họ.

“Thuận mua vừa bán”, chẳng ai cho không ai cái gì cả, người phù hợp với vị trí nào thì sẽ ở vị trí ấy, người trình độ cao đừng nên ứng tuyển những nơi có nhu cầu thấp, rồi lại đòi hỏi phúc lợi cao. Kẻ trình độ thấp cũng đừng đến những nơi có nhu cầu cao, rồi lại nghĩ rằng sẽ được “từ thiện” cho một công việc tốt. Tầm nhìn quyết định sự phát triển bền vững, quy luật cung – cầu luôn hiện hữu tại mọi mặt của xã hội là như vậy.

Tuân Hầm

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *