Tái nghèo nếu chỉ lo kiếm tiền và hưởng thụ

Nếu biết vừa tiết kiệm, vừa kiếm tiền, sẽ giống như chiếc xe đạp vừa có bàn đạp để tiến lên, vừa có phanh khi muốn dừng lại.

Đọc bài viết “Tuổi trẻ hãy kiếm tiền, đừng lo tiết kiệm“, tôi thấy nhiều người chỉ nhìn thấy việc người khác sở hữu hai chiếc ôtô rồi ghen tỵ, nhưng đâu biết đằng sau đó là áp lực trả nợ. Theo tôi, có hai chiếc ôtô cũng sẽ không đủ tiền để khám bệnh về sau này. Vì làm việc cật lực 14-15 tiếng mỗi ngày để có được tài sản đó, rất dễ sinh bệnh. Làm việc chỉ để trả nợ lại càng gây ra áp lực cao hơn bình thường.

Có câu: “Lo trước nỗi lo của thiên hạ, vui sau niềm vui của thiên hạ, ấy mới là bậc quân tử, là một trang kiệt”. Người bình thường chỉ lo khi cần lo, muốn vui trước mắt. Còn nếu bạn muốn sống không chỉ cho mình mà còn cho con cháu đời sau thì cũng phải biết chấp nhận hy sinh để làm “trang quân tử”.

Muốn giàu, bạn phải lo “kiếm tiền”; muốn không nghèo, bạn chỉ cần lo “tiết kiệm”. Thế nhưng, nhiều người đang gặp rắc rối và nhầm lẫn ở chỗ cho rằng “tiết kiệm” sẽ khiến bạn trở nên giàu có. Thực ra, tiết kiệm chỉ ngăn bạn không nghèo đi, không bị đẩy vào cảnh bần cùng… Trong khi, để giàu có, phải tập trung kiếm tiền nhiều nhất có thể.

Một người có thể kiếm nhiều tiền để giàu có, dư dả một chút, nhưng lại không biết tiết kiệm (bỏ tiền vào vào hai chiếc ôtô trong khi chẳng cần phải dùng tới nó nhiều, làm việc cật lực để trả nợ – làm “nô lệ” cho đồng tiền) thì sớm muộn cũng sinh bệnh tật với cường độ lao động 14-15 giờ một ngày, áp lực cao. Lâu dần, người đó cũng nghèo đi khi về già vì sức khỏe lúc đó không còn đủ để bạn kiếm thêm được, trong khi tiền tiết kiệm lại chẳng có.

Người ta làm giàu, làm việc cật lực để “bắt tiền làm việc cho mình” (đầu tư), sau đó được an nhàn, chứ không phải làm việc cho đồng tiền. Tư tưởng chỉ biết kiếm tiền và chỉ biết tiết kiệm đều là sai lầm. Một đằng chỉ biết kiếm tiền, không lo tiết kiệm, đằng khác lại lo tiết kiệm, không biết kiếm tiền. Nếu biết dung hòa, vừa tiết kiệm, vừa kiếm tiền, sẽ giống như chiếc xe đạp vừa có bàn đạp để tiến lên, vừa có cái phanh để dùng khi muốn dừng lại, đó mới là hoàn hảo.

“Thái quá lợi bất cập hại”. Trong việc chi tiêu, những người dạy về tài chính thường chia sẻ cách phân thu nhập ra thành sáu túi tài chính, và mức đóng góp cho các túi ấy. Còn về lối sống, tôi thấy những ai sống có trách nhiệm với bản thân, biết chăm lo cho tương lai của mình, của con cháu, biết giữ gìn sinh kế, phát huy sinh cơ cho mình và đời sau, ắt sẽ thành công. Ngược lại, những ai sống vô lo, vô nghĩ, theo kiểu “trời sinh voi, sinh cỏ” thì sớm muộn sinh cơ cũng hết, tài sản cũng đi. Hiện tại, họ có thể giàu có do tài sản của tổ tiên, cha mẹ để lại, nhưng sau khoảng vài bà thế hệ lông bông, sinh cơ, sinh kế sẽ hết, lúc đó con cháu họ sẽ “đời cha ăn mặn, đời con khát nước”.

Cứ tìm hiểu cuộc đời của những người thành công sẽ thấy, tuổi trẻ của họ là thời gian tích lũy tài sản, sinh cơ, bước đầu rất gian khổ và khắc nghiệt… Cái giá là họ hy sinh tuổi trẻ rất nhiều. Những cũng nhờ biết cố gắng thời trẻ mà khi về già họ có cơ may hưởng thụ. Ngược lại, nếu lúc trẻ chơi bời, tiêu pha, khi về già chắc chắn sẽ phải lo lắng kế sinh nhai.

Lực Tuệ

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *