Công ty chuyên nghiệp trọng trình độ hơn thái độ

Khi bạn thể hiện đúng tính chuyên nghiệp của mình thì công ty chuyên nghiệp cũng sẽ không quan tâm tâm đến thái độ ứng tuyển.

Nói đến chuyện tuyển dụng, tại sao tôi lại nêu quan điểm “Tìm việc cần trình độ, xin việc trọng thái độ“? Tất cả chỉ khác biệt ở một thứ: tính chuyên nghiệp. Bàn về chuyện nghiệp, có thể thấy chuyên nghiệp gồm kiến thức chuyên ngành, tài năng, liêm chính, tôn trọng, có trách nhiệm, tự kiểm soát và hình ảnh, phong cách. Nói đến khái niệm “chuyên nghiệp”, từ điển nước ngoài viết: “Tính chuyên nghiệp bao gồm những việc làm, hạnh kiểm, mục tiêu và phẩm chất làm nên một chuyên gia”. Khi một xã hội chuyên nghiệp, mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng định nghĩa. Những ở xã hội ta, tính chuyên nghiệp vẫn còn kém, nên các khái niệm thường bị rối tung.

Quay lại vấn đề cần nói, ứng viên phỏng vấn việc làm sẽ không xin việc nếu họ chuyên nghiệp, vì mọi thứ đều là quan hệ mua – bán: tôi muốn bán với giá nào và anh muốn mua với giá nào? Tôi phải chứng minh và anh kiểm chứng khả năng của tôi ra sao? – tất cả đều là ngang hàng. Nói đơn giản hơn, tôi xin anh có cho không? Tất nhiên là không. Vì thế các ứng viên trong xã hội chuyên nghiệp chỉ tìm việc, chứ không xin việc. Họ biết rằng chẳng ai cho không ai cái gì và họ phải bán sức lao động thì mới có tiền, đó là quan hệ sòng phẳng, trừ trường hợp những người không đủ tiêu chuẩn làm việc mà vẫn muốn ứng tuyển, thì thật đúng là họ đi “xin” việc.

Một điều khác biệt là ở nơi chuyên nghiệp, đánh giá thực tế về khả năng của bản thân khá hoàn thiện và không bị ảo tưởng như ta. Văn hóa đào tạo chuyên nghiệp của họ là: tôi cung cấp kiến thức, còn anh có gì là chuyện của anh, mọi thứ đều rất rõ ràng. Trong khi đó, ở ta, với quan niệm thụ động rằng “đại học phải làm gì để có một sinh viên tốt?” khiến người ra trường cầm bằng giỏi sẽ nghĩ là mình hơn người, gây ra bong bóng giá trị. Ở chiều ngược lại, công ty chuyên nghiệp không tuyển nhân viên đi xin việc, họ sẽ không tuyển những ứng viên không đủ khả năng làm việc cho họ.

Tranh cãi thái độ hay trình độ không có ý nghĩa gì trong môi trường chuyên nghiệp. Trình độ là mức độ về sự hiểu biết, về kỹ năng được xác định hoặc đánh giá theo tiêu chuẩn nhất định nào đó. Thái độ là cách để lộ ý nghĩ của bản thân về một vấn đề nào đó, hoặc ý thức đối với việc làm. Trong khái niệm về chuyên nghiệp, ta thấy rằng, ngoài kiến thức và tài năng là tiêu chuẩn hàng đầu, ý thức về công việc như liêm chính (giữ chữ tín), tôn trọng và có trách nhiệm và tự kiểm soát… là những thứ tiếp theo được chú ý đến. Người chuyên nghiệp thực ra cơ bản là đáp ứng được cả yêu cầu về các kỹ năng, hiểu biết, trình độ và ý thức trong công việc (thái độ).

>> Tôi tìm việc, không phải xin việc

Từ các phân tích về các định nghĩa được xác định rõ ràng, ta thấy được rằng, việc thể hiện ý nghĩ của bản thân về một vấn đề (thái độ trực tiếp) thực ra chẳng quan trọng gì trong môi trường chuyên nghiệp. Khi bạn nhận nhiệm vụ, tự chịu trách nhiệm, tự kiểm soát (không để tình cảm ảnh hưởng đến công việc) và hoàn thành nhiệm vụ thì công ty chuyên nghiệp sẽ không quan tâm bạn nghĩ gì về công việc này. Việc của họ là nhận sản phẩm và trả tiền.

Việc ứng tuyển cũng vậy, khi bạn thể hiện đúng tính chuyên nghiệp của mình thì công ty chuyên nghiệp cũng sẽ không quan tâm tâm đến thái độ ứng tuyển của bạn, họ chỉ nhìn vào cái mà bạn cho họ thấy. Nhưng ở ta, việc nhân viên hay ứng viên có thái độ (cụ thể là ý nghĩ của nhân viên với sếp hay quan điểm ứng tuyển) rất quan trọng, vì môi trường ở ta chưa chuyên nghiệp.

Trước hết, nói đến thái độ của nhân sự (thái độ quan trọng hơn trình độ), liệu những người không có chuyên môn gì đi ứng tuyển có được nhận không? Tất nhiên là không. Vì thế, luôn phải có một tiêu chuẩn nhất định về trình độ chuyên môn thì công ty mới xem xét người ứng tuyển, tiếp đến mới là thái độ làm việc – tính chuyên nghiệp được kiểm tra, còn việc thái độ gì với người trực tiếp tuyển dụng thực ra không quá quan trọng với công ty. Nếu quá chú tâm đến vấn đề này sẽ là dấu hiệu của việc không chuyên nghiệp.

Sau cùng là văn hóa đút lót và không công chính, khiến kẻ biết nịnh bợ được cân nhắc, còn người có tài năng lại không thể phát triển. Môi trường không chuyên nghiệp khiến người tài bỏ chạy và kẻ yếu kém bỏ tiền để được giúp, thế nên cũng chẳng trách chuyện “chảy máu chất xám” hay “xin việc”. Những người tìm việc chính đáng, họ đã đến những nơi chuyên nghiệp để làm hết rồi.

Tuân Hầm

>> Theo bạn, trình độ hay thái độ quan trọng hơn? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *