‘Điện ảnh Việt èo uột vì văn học không phát triển’

Tôi đọc nhiều sách báo nhưng chỉ ấn tượng với những tác phẩm văn học đã được sáng tác hàng chục năm trước của Nam Cao, Ngô Tất Tố…

Trong thời gian cận Tết, bộ phim Trạng Tí chuẩn bị ra rạp vấp phải làn sóng tẩy chay dữ dội của các khán giả vì các vấn đề liên quan đến tác quyền của nhân vật chính trong bộ truyện tranh Thần Đồng Đất Việt nổi danh một thời.

Các nhà văn, các tác giả thông thường sẽ rất vui mừng khi các nhân vật do mình sáng tạo các câu truyện được viết lên bằng trí tưởng tượng của mình được sống lại một cách sinh động trong các tác phẩm điện ảnh, nhưng trong trường hợp của Trạng Tí một bộ phim được (cho là) đầu tư rất công phu lại vấp phải các tranh cãi về tác quyền gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức hút của bộ phim cũng như uy tín của nhà sản xuất.

>> Phim Việt dở do khán giả dễ dãi?

Tại các quốc gia có nền điện ảnh phát triển như Mỹ, Pháp, Anh hay cả Trung Quốc, Nhật Bản các bộ phim hay, các tác phẩm điện ảnh hay thường có kịch bản phim được xây dựng dựa trên các tác phẩm văn học đặc sắc, những sự kiện lịch sử đặc biệt được ghi chép lại bởi các nhà văn, nhà báo.

Rất nhiều nhân vật thậm chí được xuất hiện nhiều lần trong các chuỗi (series) phim chiếu rạp hay cả phim truyền hình. Các nhân vật điển hình của điện ảnh Âu Mỹ như Harry Porter (J.K Rowling), Superman (Jerry Seigel & Joe Shuster) Spiderman (Stan Lee & Steve Ditko) luôn rất hấp dẫn khán giả mỗi khi ra rạp, những nhân vật này chính là những nhân vật trong văn học trước khi được chuyển thể thành các tập phim đặc sắc.

Tại Châu Á, các bộ phim Hoa ngữ được chuyển thể từ các tác phẩm văn học hay như Tam Quốc Diễn Nghĩa (La Quán Trung), Tây Du Ký (Ngô Thừa Ân) hay Thần Điêu Đại Hiệp (Kim Dung)… thu hút rất nhiều thế hệ say mê theo dõi mỗi khi phim được công chiếu. Các nhân vật truyện tranh hoạt hình của Nhật Bản như Doreamon (Fujuko Fujio), Conan (Aoyama Gosho)… khi được chuyển thể thành phim hoạt hình và cả phim chiếu rạp cũng được rất nhiều khán giả (không chỉ là khán giả nhỏ tuổi) nhiệt tình hưởng ứng.

Bằng những dẫn chứng từ các quốc gia có nền điện ảnh phát triển chúng ta mới thấy được tầm quan trọng của văn học đối với sự phát triển của điện ảnh. Không có tác phẩm văn học hay thì khó có thể có phim hay. Một bộ phim mà thiếu những nhân vật sinh động trong một cốt truyện hấp dẫn thì phim đó chỉ lôi kéo khán giả đến rạp bằng một kịch bản hải nhạt nhẽo, dàn diễn viên xinh đẹp nóng bỏng hay còn tệ hơn là những drama và cảnh nóng trong phim rồi sau đó nhanh chóng bị lãng quên chứ khó có thể sống mãi được trong lòng khán giả, điều mà điện ảnh Việt đang ít nhiều mắc phải.

>> ‘Xem phim Việt ức chế vô cùng’

Cuối năm 2020, khi đọc được các thông tin về cuộc họp của hội nhà văn Việt Nam, tôi rất bất ngờ khi biết hội nhà văn có tới cả ngàn nhà văn nhà thơ là hội viên. Số lượng nhà văn nhà thơ rất đông đảo tuy nhiên có lẽ đã lâu văn học Việt Nam không có được tác phẩm nào đáng chú ý.

Tôi là người đọc sách báo cũng không ít nhưng có lẽ những tác phẩm văn học mà tôi biết đến là những tác phẩm của những nhà văn nhà thơ đã viết hàng chục, hàng trăm năm trước như Nguyễn Du, Nam Cao, Ngô Tất Tố… chứ không hề có ấn tượng với bất kỳ tác phẩm văn học đương đại nào.

Tại trường học, học sinh các cấp hiện nay vẫn chỉ được đọc, được học và phân tích các tác phẩm văn học xưa cũ chứ không hề có những tác phẩm văn học đương đại nào. Những cây viết của nền văn học Việt Nam đương thời vẫn chưa ghi được những dấu ấn trong lòng độc giả và góp phần vào sự phát triển của điện ảnh với những câu truyện sâu sắc, những nhân vật độc đáo.

Văn hoá nghệ thuật chính là tấm gương phản chiếu đời sống tinh thần và trình độ phát triển của xã hội của một quốc gia mà trong đó thơ văn góp phần không nhỏ vào sự phát triển này. Rõ ràng là đất nước chúng ta rất cần nhiều những tác phẩm văn thơ hay để làm đa dạng hơn đời sống tinh thần của người Việt, để kéo người trẻ đến với sách báo đến với văn hóa đọc.

Đừng để người trẻ từ thành thị đến nông thôn chỉ suốt ngày đắm chìm trong những tuồng hài thô tục nhảm nhí hiện diện nhan nhản trên internet và cả sóng truyền hình, hay là những cuộc quây quần ăn nhậu bên chiếc loa kẹo kéo đang gây ra không ít bi kịch cho xã hội.

Henry Nguyễn

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *