Mở spa ba năm, hai lần lao đao vì Covid-19

Nhiều người hỏi tiền tích lũy, tiền lãi để đâu mà giờ cửa hàng lại lao đao.

Thực lòng khi ngồi viết những dòng này trong lòng tôi ngổn ngang tâm trạng. Khi dịch bệnh được kiểm soát, tôi cũng đã cơ cấu xong khoản mục kinh doanh của mình, cố gắng dàn xếp cắt giảm chi phí tới mức có thể, không mở rộng đầu tư để chuẩn bị cho năm 2021.

Niềm vui chưa được bao lâu, thì dịch bệnh bùng phát như sét ngang tai. Không phải là Covid 19 mà là biến chủng quá nhanh quá nguy hiểm “so fast so furious”. Khi chúng ta còn chưa kịp hồi phục sau khi ốm dậy, thì nCoV biến chủng như nhát dao đâm tiếp vào tim. Có nhiều bạn hỏi là thế bao năm tích lũy lãi bao nhiêu năm thì để đâu?

>> Cùng tác giả: Tôi chấp nhận đóng cửa vì cộng đồng

Tôi xin hỏi lại các bạn khi các bạn làm ăn thuận lợi các bạn không phải tái đầu tư sao, không phải thu hồi vốn sao. Trừ những ngành siêu lợi nhuận còn hầu hết kinh doanh nhỏ lẻ như tôi, làm ăn bằng sức lao động làm sao mà thu lợi nhuận siêu ngạch để rồi ung dung được? Huống hồ quy mô của tôi chỉ là cửa hàng nhỏ lẻ, khởi nghiệp được 3 năm, chưa kịp hoàn vốn tích lũy thì đã lao đao.

Với một quy mô nhỏ vừa, thử hỏi tích lũy lợi nhuận không cao, vay ngân hàng không được, kênh tiếp cận vốn không dễ, sức mua của người dùng giảm, càng bỏ chi phí marketing càng như muối bỏ bể. Chưa kể hàng loạt các chính sách thuật toán mới của Facebook thay đổi dẫn đến ngành hàng chăm sóc sức khỏe bị khóa tài khoản quảng cáo.

Tôi làm dịch vụ spa, làm mi, móng, khách hàng cần đến nơi để trải nghiệm dịch vụ. Nhiều người khuyên tôi nên chuyển sang mô hình phục vụ tại nhà, nhưng các bạn có biết phục vụ tại nhà đồng nghĩa với kiểm soát chất lượng dịch vụ, tay nghề nhân viên, máy móc đi kèm mang đến nhà và cả chi phí, thêm cả rủi ro là mất khách hàng vào tay nhân viên.

Trong khi đó cũng không thể tăng giá để bù đắp được chi phí bỏ ra, vì các sản phẩm dịch vụ cạnh tranh hoàn hảo, thị trường dễ bị phá giá. Tôi có cô bạn cũng kinh doanh trong lĩnh vực spa, nhưng do quy mô cô ấy làm theo chuỗi và mở to nên đầu năm cô đã phải bán cái nhà để trang trải lĩnh vực kinh doanh mà cô ấy theo đuổi. Đến giờ, cô chuẩn bị đi xin việc để kiếm thêm thu nhập nuôi quân qua cơn khủng hoảng. Mặc dù bán hàng khá tốt, nhưng cũng không dễ bù đắp được chi phí vốn lưu động.

Nhiều người bảo làm spa giàu lắm, nhưng từ ngày tôi khởi nghiệp lĩnh vực này tôi thấy mình nghèo đi trông thấy. Đúng là có rất nhiều bạn trẻ khởi nghiệp thành công xây dựng chuỗi các spa, mở một,.hai cái rồi sau đó bán thương quyền nhân bản ra nhiều nơi.

Có những bạn trẻ thì liều lĩnh làm thêm mảng tiêm truyền cắt mí tiêm filler sau khi đi học mấy khóa ngắn hạn không có chứng chỉ bằng cấp về y khoa. Có những bạn xây dựng hệ thống đại lý mỹ phẩm đa cấp phân phối rộng cả nước và thành công. Có những bạn làm spa không hề tốt nghiệp cấp ba, mua máy laser bắn nám tàn nhang, trộm vía có duyên với nghề làm khách hàng khỏi, bạn ấy bán hàng tốt tự dung thành đại gia mua xe, mua nhà, xài hàng hiệu, mở đến 10, 15 cơ sở.

>>‘Đang ở đâu ăn Tết tại đó’

Có những spa lập lên lung linh hoành tráng mục đích không phải kinh doanh spa mà là để huy động vốn từ các cổ đông giàu có. Có những spa lập lên để chủ spa đi đào tạo cho có tên tuổi. Mỗi người có một hướng đi riêng, không ai giống ai. Cá nhân tôi vẫn trung thành với mô hình chăm sóc sức khỏe lâu dài vẫn dò dẫm từng bước đi theo cách của mình và không ai giống ai.

Nhưng có lẽ sự xuất hiện Covid-19 lần này giúp tôi hiểu ra rất rõ rằng thế giới đã thay đổi, chúng ta buộc phải thay đổi để thích nghi.

Không có dịch sẽ có yếu tố rủi ro khác không lường trước được. Năm mới, tôi chúc cho anh chị em ngành du lịch, hàng không, khách sạn, giáo dục, bán lẻ những người bị ảnh hưởng trực tiếp nhất có đủ sức khỏe, trí tuệ và bản lĩnh để tìm con đường mới, cách thức mới trong môi trường mới.

Peacock Phạm

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *