‘Vay ngân hàng còn hơn chung tiền anh em mua đất’

Chung tiền xây nhà chung móng, chung nóc với anh trai, giờ vợ chồng tôi bán không được, ở cũng không xong, dột từ nóc mà anh không cho sửa.

Có nên mua chung đất với em chồng?“, nhiều độc giả VnExpress cho rằng việc chung tiền mua đất sẽ có nguy cơ gây nhiều tranh chấp không đáng có sau này:

Gia đình, họ hàng, chỉ đẹp trên ảnh. Dính tới tiền bạc, lợi ích thì phải rõ ràng. Tốt nhất “thân ai nấy lo”, nếu buộc phải chung cũng phải rõ ràng. Nếu cả hai cùng có thể đứng tên thì chẳng lý gì một người đứng tên hết. Ai đòi một mình đứng tên, thậm chí chỉ mới đề nghị nhẹ nhàng, cũng đủ thấy rõ ý của người ta thế nào? Dứt khoát không chơi kiểu mập mờ. Hoặc hai anh em cùng đứng tên hoặc không, thậm chí không có kiểu bố mẹ đứng tên hộ. Chuyện bố mẹ đứng tên hộ nhà cửa, giữ vàng hộ con dâu, giữ lương hộ con trai, vì sợ chúng không biết giữ, tất cả chỉ là ngụy biện. Vàng mình giữ, lương mình giữ, giấy tờ nhà đất tên mình.

Hung

Không nên mua chung. Nhà tôi và anh chồng mua chung đất. Vì không có tiền nên chúng tôi xây hai nhà nhưng chung móng, chung nóc. Đến khi vợ chồng tôi muốn bán vì không ở đến thì anh chồng lại không đồng ý vì sợ ảnh hưởng tới mình. Có người trả chúng tôi 2,2 tỷ cho hai căn nhà. Chúng tôi khuyên anh bán đi, chúng tôi chỉ lấy 900 triệu, còn lại để cho anh hết. Số tiền đó anh có thể mua được đất, xây được nhà khác nhưng vẫn quyết không chịu bán. Giờ mảnh đất mới mà vợ chồng tôi muốn mua đã lên đến mấy tỷ mà tiền không có để mua. Mỗi lần nghĩ đến là chúng tôi lại buốt hết ruột. Nhà tôi bị dột từ nóc, muốn sửa lại để cho thuê nhưng anh chồng cũng không cho vì bảo động nhà anh ấy. Thế là nhà tôi đành bỏ không. Kể lại chuyện bản thân như vậy để các bạn thấy sự phức tạp của sự chung đụng.

Quế phm an

Đất đai là nguồn gốc và là căn nguyên cho sự bất hoà trong gia đình , tốt nhất là không nên hùn tiền mua đất chung với ai, dù đó có là anh em ruột thịt với mình. Anh em nào cũng có gia đình riêng, nên đất đai luôn là nguyên nhân mất đoàn kết, thậm chí nhiều người còn không nhìn mặt nhau nữa. Nếu người thân muốn mua mà không đủ tiền, bạn có thể làm giấy cho vay nợ, có công chứng hoặc có người làm chứng, quan trọng nhất là thời gian hoàn trả, cách thức hoàn trả. Còn nếu bạn muốn mua thì ngược lại, hãy chủ động tiền bạc, đủ thì mua, không hùn hạp với ai hết.

Hunh Qui

>> Chị em họ có nên mua nhà sống chung?

“Mất lòng trước được lòng sau”, cái gì cũng phải rõ ràng. Bây giờ có thể anh em không tranh chấp. Nhưng con của hai anh em thì chưa chắc. Đứng tên chung là hợp lý, nhưng còn tình cảm anh em thì sao? Sau này ai gặp khó, muốn giúp đỡ thì cho lại cũng không muộn. Cái gì chủ động được thì nên chủ động, đừng tự đưa mình vào thế bị động rồi không kiểm soát được, có khi mất cả tiền, mất cả tình cảm.

Cuong pham

Tốt nhất không nên chung chạ. Vì tiền, người thân cũng sẽ lật mặt nhau ngay thôi. Một là bạn mua luôn, thiếu 150 triệu có thể vay ngân hàng, hai là chỉ mua một nửa mảnh đó, tách sổ riêng cho mình. Còn nhà của bố mẹ thì không nên quan tâm làm gì, nó có lên giá bao nhiêu, bố mẹ cho ai người đó hưởng.

Tranthingocthuyglobal

Cái chính là mua bán chung phải dứt khoát, rõ ràng từ đầu. Cả hai bên phải cùng đứng tên, cùng chung góp tiền bạc sòng phẳng như thỏa thuận. Bởi vì khởi đầu thì ai cũng dễ dãi, thoải mái lắm. Nhưng khi góp xong tiền rồi, đất không đứng tên mình thì tha hồ tranh chấp, vừa mất tiền, vừa mất tình nghĩa.

Kathy

Tình cảm gia đình có thể chia sẻ chung. Nhưng tuyệt đối dính đến tiền bạc thì không nên chung chạ, dù là với người thân. Sẽ có nhiều hệ lụy mà các bạn không thể lường trước được. Phần lớn, khi việc chung chạ không thuận buồm xuôi gió, việc sứt mẻ tình cảm gia đình vì tài sản lớn là điều khó tránh khỏi.

Nguyen QBinh

Thành Lê tổng hợp

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *