Giải toả tâm lý cho người ‘ba chưa’ tuổi 30

Một lần ngồi cà phê sáng, cậu em đồng nghiệp 30 tuổi chợt nói bâng quơ: “Anh, chưa bao giờ có ai hỏi em dạo này sống có vui không”.

Tôi ngạc nhiên hỏi có chuyện gì thế?

Cậu ấy nói tiếp: “Gần một năm rồi em chưa về nhà, mỗi lần về là bố mẹ hối chuyện vợ con, rồi lấy em ra so sánh với bạn bè cùng lứa đã kết hôn, chuẩn bị xây nhà. Em còn lông bông quá, cũng hơi stress nhưng không biết tâm sự với ai. Bố mẹ anh chị thì khó nói, bạn bè thì chỉ tìm đến lúc vui thôi”.

Một đứa em khác, gặp tôi thì than ngoài 30 rồi mà chưa lên quản lý dù đã có nhiều cố gắng trong công việc. Tôi tạm gọi những người trẻ trên dưới 30 tuổi này là những người “ba chưa”: chưa mua nhà, chưa kết hôn, chưa địa vị.

Có phải trong thời gian dài sống trong thiếu thốn (thời bao cấp), luôn nghĩ đến cái ăn, cái mặc và tìm một công việc ổn định là một ám ảnh nên nhiều người quan tâm bằng cách đưa cho người khác bằng những câu hỏi mang tính vật chất: “Dạo này làm ăn khá không?”, “Đi làm ở đâu, lương cao không?”, “Thưởng Tết nhiều không”, “Mua nhà chưa, chừng nào mua”, “Lấy chồng/ vợ chưa”…

Ngẫm lại lời than thở của cậu em đồng nghiệp rằng chưa ai hỏi cậu ấy “sống có vui không” mới thấy nhiều người chúng ta chưa đi sâu, quan tâm đến tâm lý của bạn bè, người thân.

Thời buổi internet, mạng xã hội bám sát con người từ lúc làm việc đến khi lên giường ngủ thì kéo theo nhiều biến chứng về tâm lý. Tiêu cực hơn cả là việc nhìn người khác, bạn bè khoe khoang sự thành công, tiền bạc, mua nhà, mua xe rồi khoe vợ, khoe chồng, khoe con làm cho nhiều người “ba chưa” tuổi 30 dễ rơi vào trạng thái ù lỳ, tự ti và dễ dẫn đến trầm cảm.

Thứ năng lượng tiêu cực ấy tích tụ ngày này qua ngày khác rất cần một người thấu hiểu để chia sẻ, nếu không sẽ ăn mòn tinh thần lần hồi. Đa số người Việt bệnh thật nặng thì mới đi bệnh viện gặp bác sĩ thì chuyện chủ động gặp bác sĩ tâm lý khi stress là chuyện khá xa vời.

Đã có những vụ nhảy lầu chung cư, nhảy cầu tự tử. Rất có thể những người này bị stress trong thời gian dài mà không tìm được sự chia sẻ nào.

Bởi thế tôi nghĩ rằng người thân, bạn bè cần có sự quan tâm và nâng đỡ tâm lý lẫn nhau. Một câu hỏi “Dạo này sống thế nào, có vui không, có gặp khó khăn gì không” rất có thể sẽ giải toả được áp lực cho nhiều người trẻ. Đừng để lúc một khúc mắc về tâm lý tạo ra bi kịch.

Lê Trung Bảo

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *