Tại sao nhiều người trẻ dễ cảm thấy vô định?

So sánh bản thân với người khác, nghĩ nhiều hơn làm và không dám bước ra vùng an toàn khiến nhiều người trẻ sống không mục tiêu.

Khi phải đối mặt với hai từ “trưởng thành”, người trẻ của chúng ta thường cảm thấy áp lực. Vậy áp lực từ đâu mà có? Từ ngoại sinh hay nội sinh? Hay thậm chí là cả hai.

Cái khiến chúng ta áp lực đó chính là mỗi người chúng ta định nghĩa hai từ “trưởng thành” quá khác nhau. Người có điều kiện kinh tế sẵn thì cho rằng “trưởng thành là phải độc lập trong sinh hoạt, không phải dựa dẫm vào sự giúp đỡ của cha mẹ”. Người chưa có điều kiện tài chính thì cho rằng “trưởng thành là phải kiếm đủ tiền nuôi sống cho bản thân và gia đình”.

Và còn rất nhiều những nhận định khác nhau về cái được gọi là “trưởng thành”. Thế rồi, vô hình trung, nhiều người tự kháo nhau rằng trưởng thành là một việc gì đó vô cùng phức tạp và nặng nề.

1. Sự vô định bắt nguồn từ việc so sánh

Chúng ta so sánh mỗi ngày, thậm chí là mỗi giờ. Chúng ta so sánh bản thân với con nhỏ bạn học cùng lớp cấp ba, so sánh với thằng cha hàng xóm kế bên nhà, so sánh bản thân của hôm nay với bản thân của hôm qua, dư thì giờ hơn nữa thì chúng ta so sánh bản thân của hiện tại với bản thân của tương lai.

Một ngày hai mươi tư tiếng, chúng ta đã sử dụng bao nhiêu thời gian để so sánh bản thân mình với hàng vạn thứ trong cuộc đời này? Thay vì làm tốt việc của mình, chúng ta dành nhiều thời gian để tự ti, để trách cứ chính mình với những câu nói: “Cùng tuổi mình mà người ta đã có nhà, có xe, có người yêu tốt, còn mình…”.

>> Người trẻ chọn nghề và ‘mâm cơm dọn sẵn’ của cha mẹ

Xuất phát điểm của mỗi người là khác nhau, nhìn vào cái nhà, cái xe của người khác mà không biết rằng có thể cái nhà, chiếc xe đó là do ba mẹ người ta mua cho. Vì một điều không thể biết chắc mà tự đày đọa bản thân mình thì cũng thật là khổ.

Nhìn người ta khởi nghiệp thành công xong rồi tự thấy bản thân mình vô định, vô định vì chưa thể làm được gì ra trò, bắt đầu suy nghĩ miên man, bây giờ phải làm gì để thành công như người ta đây. Nhưng nghĩ hoài cũng không nghĩ ra thế là bế tắc, bế tắc xong lại đâm ra chênh vênh và vô định.

2. Chúng ta dành quá nhiều thời gian để nghĩ thay vì để làm

“Tớ muốn làm điều gì đó để khác đi nhưng tớ không biết phải làm gì?”, “Tao mà siêng lên thì chắc tao làm được nhiều thứ lắm, đáng tiếc là tao lười…”. “Tớ tính thử làm cái đó mà chưa biết sao nữa…”. Tôi nghe những câu nói như thế hàng trăm lần từ những người bạn đang cảm thấy vô định của mình.

Đúng là thay vì chìm đắm trong sự vô định không có lối thoát thì những người bạn ấy cũng đang muốn thoát ra khỏi nó và tìm kiếm một điều gì đó mới mẻ, tốt đẹp hơn nhưng thay vì tìm cách thì họ lại trăn trở quá nhiều.

Ngày trước, tôi không hề nghĩ là mình thích viết lách, cũng chưa từng có ý định nghiêm túc với công việc này. Tôi cũng đã từng cảm thấy vô định vì không biết nên lựa chọn con đường như thế nào để đi. Nhưng thay vì cứ tự đặt câu hỏi và cố tìm câu trả lời thì mình quyết định làm, quyết định thử.

>>‘Sếp nhắc nhở thì nhân viên tự ái, nói chạy xe ôm dễ kiếm tiền hơn’

Không cách nào giải quyết tốt hơn ngoài dấn thân. Phải thử thì mới biết, phải làm mới biết cái gì phù hợp và không phù hợp. Tuy sẽ mất nhiều thời gian nhưng rất đáng để thử. Tôi bắt đầu làm những việc bản thân thích trước, thích xem phim và đọc truyện. Những lúc như thế, trí tưởng tượng và sáng tạo được phát huy tối đa.

Thế là tôi nghĩ, sao mình không thử tự sáng tạo ra một bộ phim, một câu chuyện của riêng mình? Và những bộ truyện đầu tiên của tôi ra đời tại trang wattpad, tuy không hay, thậm chí có thể là dở tệ nhưng tôi đã thực sự đúng khi bắt đầu làm nó.

Mọi thứ được nuôi dưỡng tận mấy năm trời để giờ đây viết vời là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mình. Có ai mà ngờ, một con bé say mê đọc truyện ngôn tình và điên cuồng vì phim thần tượng lại có thể tìm ra được lý tưởng cho cuộc đời mình.

Vậy nên, việc chúng ta cần làm là bắt đầu mọi thứ từ những điều nhỏ nhất chứ không phải một phát bước lên tận trời mây. Bạn thích điều gì hãy làm điều đó tốt nhất, rồi một mai điều bạn thích sẽ trở thành lý tưởng của riêng bạn.

3. Không dám bước ra khỏi vùng an toàn

Nhiều bạn đã tâm sự với tôi rằng các bạn ấy rất thích được bày tỏ quan điểm thông qua những bài viết nhưng các bạn ấy sợ người khác đánh giá thế là các bạn ấy tự viết xong rồi tự đọc. Thật khó để có thể nói rằng một người trước nay sống khép kín và ít nói đột nhiên lại muốn bày tỏ quan điểm cá nhân trên mạng xã hội đúng không nào?

Nhưng nếu như nỗi sợ bước ra khỏi những điều cũ kỹ cần đổi mới lớn hơn mong muốn được làm những việc khác đi thì phải thật lòng chia buồn với bạn, không ai có thể giúp được bạn ngoại trừ chính bản thân bạn.

>> Cha mẹ Việt nên đẩy con ‘ra đường’ làm thêm từ lúc còn đi học

Chúng ta lúc nào cũng mặc định bản thân là một khối kim loại không thể bóp méo hay xê dịch rồi tự hạn chế bản thân mình đủ điều trong chính cái khuôn khổ đó. Một khối kim loại phải được đập nát, nung chảy và nhào nặn đủ đường thì mới có thể biến thành một món đồ xinh đẹp.

Điều đó là một sự thật bất biến. Và mọi người xung quanh cũng không có quá nhiều thì giờ để đánh giá cuộc sống của bạn mãi đâu, chỉ có bản thân bạn là có cực kỳ nhiều thì giờ để đánh giá và phán xét bản thân mình.

Thế nên, nếu thực sự muốn thay đổi và theo đuổi một điều gì đó, bạn phải tự bước ra khỏi vùng an toàn của chính bản thân mình. Chúng ta có thể sai nhưng không có cái sai nào là vô nghĩa cả, cái sai sẽ đưa bạn tới nhiều lựa chọn và chân trời rộng lớn hơn.

Thiên Thanh

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *