‘Chúc đàn ông ngày càng sợ vợ’

Nam giới không nên treo bình đẳng giới trên miệng, tỉ như kỳ kèo tiền ăn với bạn gái ngay lần hẹn hò đầu tiên.

Khái niệm bình đẳng giới ngụ ý rằng nam giới và nữ giới cần nhận được những đối xử bình đẳng trong tất cả các khía cạnh của đời sống kinh tế – xã hội và quyền con người như: giáo dục, y tế, văn hóa, hôn nhân, gia đình, việc làm, các chính sách phúc lợi…

Tất nhiên thì có một việc khó mà bình đẳng được, đó là việc sinh đẻ, mặc dù tử cung nhân tạo đã có những phát triển vượt bậc.

Cá nhân tôi thấy nhiều người đang hiểu lầm về khái niệm bình đẳng giới, xin có một vài chia sẻ.

Mọi thứ đều có thể được khắc phục, trừ việc nhà

Theo khảo sát của ILO năm 2019, trong gần 20 năm qua, thời gian làm việc nhà của đàn ông chỉ tăng lên… 8 phút, trong khi của nữ là không giảm. Trên toàn cầu, nữ giới dành trung bình 4h 25 phút mỗi ngày để thực hiện công việc chăm sóc không được trả lương, so với 1h 23 phút của nam giới, cũng theo báo cáo.

Trong khi ở Việt Nam, theo một khảo sát, con số này là xấp xỉ 5h với nữ giới, gấp khoảng 2,5-3 lần nam giới.

Loại bỏ các công việc như chăm sóc người già và trẻ em, thì tại Việt Nam, nữ giới cũng làm việc nhà nhiều hơn 2h mỗi ngày so với nam giới.

Một khảo sát vui được thực hiện trên 808 người đàn ông nông thôn, khoảng 202 người không bao giờ rửa bát và 4 người luôn rửa bát, số còn lại thỉnh thoảng rửa. Ngạc nhiên là 4 người đàn ông rửa bát thường xuyên là có thu nhập cao hơn hẳn (khoảng 57 triệu đồng một tháng).

>> Bình đẳng ở đâu khi phụ nữ luôn đòi đàn ông nhường nhịn?

Thẩm mỹ dị biệt của chị em cũng được thể hiện qua khảo sát bên trên, họ cho rằng đàn ông hấp dẫn nhất khi… rửa bát, và được thỏa mãn nhất khi đàn ông đứng chờ họ mua sắm.

Bất bình đẳng giới cơ bản được thể hiện qua thời lượng làm việc không lương, một ngày, nữ giới mất đi hơn 1/8 cuộc đời so với nam giới, đồng nghĩa thời gian phát triển bản thân ít hơn.

Mang thai và chăm sóc con cái

Tỉ lệ sinh ở Việt Nam là khoảng 2,04 trẻ trên một người nữ, tức là trung bình, nữ giới mất hơn một năm rưỡi để mang thai, nhiều người so sánh việc này với việc thực hiện nghĩa vụ quân sự, nhưng không tính đến hằng năm chỉ có khoảng 25% nam thanh niên nhập ngũ khi đủ điều kiện nhập ngũ, số đủ điều kiện nhập ngũ lại chỉ bằng ít hơn một nửa so với số đủ số tuổi.

Một sự khách quan là nữ giới bị “giảm tiền lương khi làm mẹ”, tỉ lệ việc làm chênh lệch của một người không con và có con nhỏ dưới 6 tuổi là rất cao, khoảng 38%, theo ILO. Trong khi nữ giới không có gia đình có mức lương cao hơn 20% so với người có gia đình.

Ảnh hưởng sức khỏe trong quá trình mang thai là không thể tránh khỏi, và đàn ông thì tuyệt nhiên không bao giờ chịu cơn đau với áp lực 50-55mmHg khi đẻ và các cơn đau rải rác nhẹ hơn trong vài giờ trước sinh.

Chưa kể trong thời gian 3 năm sau sinh, cơ thể của người nữ thay đổi các cơ chế hoạt động vốn có để chăm sóc con tốt hơn, như các biểu hiện hay quên hay sự suy giảm trí tuệ. Nghĩa là trung bình một người mẹ mất khoảng 4 năm nhiều hơn đàn ông để tập trung cho một đứa trẻ. Đó là không kể đến nhưng nguy cơ y tế tiềm tàng khi mang thai và sinh con.

Bạo lực gia đình

Như đã trình bày ở bài trước, cứ ba người nữ thì có hai người bị chồng bạo lực gia đình, một trong hai đó đang bị bạo lực gia đình.

Phân biệt từ trong trứng: Tỉ lệ chênh lệch giới tính khi sinh ở Việt Nam cao thứ ba thế giới. Theo số liệu từ báo cáo của tổ chức UNICEF, số giờ làm việc nhà của bé gái nhiều hơn so với bé trai là 160 triệu giờ/ngày.

>> Đàn bà sướng hay khổ không vì tấm chồng

Nguyên nhân là bé gái dành nhiều hơn 40% thời gian so với bé trai để làm những công việc không tên này. Ở Việt Nam, cũng khá tương tự. Sự phân biệt về định hướng khi còn nhỏ là vấn đề gốc rễ của mọi vấn đề. Các bé gái thường được “dạy dỗ” phải ngoan hơn, chăm chỉ hơn, nghe lời hơn so với bé trai, thậm chí được dạy “vợ phải nghe lời chồng hay nhà chồng”, nữ yếu kém hơn nam hoặc những thứ tương tự khi còn rất nhỏ.

Các em được xã hội chiếu vào những định kiến phù hợp với những nghề “nhàn” như văn phòng hay ít phải động não, không “vất vả”, vô hình trung tước đi quyền được “lớn” của các em.

Khác biệt thể chất tạo nên rào cản

Đàn ông luôn khỏe sức hơn nữ, dù nữ sức khỏe hơn nam. Khác biệt thể chất khiến nữ giới bị đưa vào thế yếu khi tranh chấp hay khi lao động chân tay, một tháng có từ 4-7 ngày “đèn đỏ” khiến thể chất ở nữ vốn đã ở thế yếu hơn lại càng thất thường, thể hiện rõ nhất ở nhưng cơn đau và khả năng chống chịu bệnh tật giảm rõ rệt.

Văn hóa khắc nghiệt, điều này là không thể phủ nhận, những ai nói nó không hoặc tồn tại ít chỉ là ngụy biện mà thôi. Đó là sự phá hoại từ bên trong: Tuy đứng trên cương vị của một người ủng hộ bình đẳng giới, nhưng tôi đánh giá rằng rất nhiều cô gái đạp lên những cô gái khác để mang điều lợi về cho mình, hay cố tình trù dập giới tính của bản thân, tiêu biểu là những người ở thế hệ trước.

Nhiều người quá yếu đuối để chống trả định kiến xã hội nhưng rất chuyên gia khi định kiến người khác. Nữ giới nhiều khi quá nhút nhát khi trở thành một cá thể độc lập.

Những hệ luỵ

Tỉ lệ sinh và kết hôn giảm khi nữ giới ý thức được họ mất đi quá nhiều khi kết hôn và sinh con, thực tế thì sự bất bình đẳng giới đa phần được thể hiện trong hôn nhân và gia đình.

Nam giới cũng bị áp lực phải “mạnh hơn”, trong khi nhiều người không đủ khả năng làm điều này. Quyền làm cha của họ ít được pháp luật và xã hội đảm bảo khi tranh chấp với mẹ của nhưng đứa trẻ.

>> Tôi không hạ ‘tiêu chuẩn’ để lấy được chồng

Sự ngộ nhận về khả năng kiểm soát tình dục hay bạo lực ở nam giới là thấp dẫn đến tỉ lệ tội phạm là nam cao vượt bậc. Trong khi khoa học đã chứng minh ước số của cả nam và nữ là giống nhau. Nam giới không được đào tạo bài bản về khả năng tự kiểm soát, dẫn đến các vấn đề như rượu bia hay cờ bạc, các tệ nạn xã hội là áp đảo nữ giới

Quan điểm cá nhân

Nam giới có thể coi nữ là phái yếu vì thực tại khách quan trên cơ sở thể lực, nhưng nữ thì không nên. Việc mặc nhiên “yếu” hơn nam giới khiến nữ giới nhiều khi quá đòi hỏi nhưng lại không muốn chi ra, tiêu xài tuổi trẻ để lấy chồng với thu nhập thấp dẫn đến tiếng nói với xã hội mất đi trọng lượng.

Thiếu tự trọng và lụy tình là không nên, và cũng không thể tha thứ với mệnh đề “nữ giới vốn yếu đuối”. Những người như thế không nên được thương cảm, họ quá kém cỏi để đạt được chia sẻ từ người khác.

Kể từ bây giờ, nữ giới đừng nói nhiều nữa và nên làm nhiều hơn, kiếm nhiều tiền hơn, đi lên vị trí cao hơn trong xã hội chứ đừng nói suông về bình đẳng giới mà không làm gì.

Lời khuyên cho trai “ế”

Số lượng đàn ông gia nhập cạnh tranh trong tương lai với các bạn là rất nhiều, thể hiện với bạn đời tương lai là chuyện của bạn, nhưng theo lời khuyên của tôi là không nên treo bình đẳng giới trên miệng, tỉ như kỳ kèo tiền ăn với bạn gái ngay lần hẹn hò đầu tiên, vì tính trung bình thì thu nhập cá nhân của nam vẫn cao hơn nữ.

>> ‘Nếu được chọn lại, tôi sẽ không lấy chồng ngoại quốc’

Có trách nhiệm để thể hiện với xã hội vai trò của đàn ông trong gia đình, lấy lại quyền lợi chăm sóc con cái, khẳng định quyền của bản thân trước nữ giới trong lĩnh vực pháp luật như cố gắng lấy được quyền chăm sóc con cái dưới 3 tuổi từ tay nữ giới, thể hiện rõ nhất trong văn bản luật rằng chỉ có nữ có con dưới 3 tuổi mới được miễn tù.

Đấu tranh cho quyền được pháp luật bảo vệ, tỉ như trường hợp bị lừa bán hay xâm hại tình dục của bạn không được pháp luật đảm bảo. Chúc đàn ông ngày càng sợ vợ.

Tuân Hầm

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *