Dạy và học online – xin đừng ‘cô hỏi, trò giơ tay’

Tôi thấy thật buồn cười khi chứng kiến cảnh giáo viên Việt dạy học online theo kiểu cô hỏi xong trò giơ tay trả lời.

Đánh giá về hiệu quả của hình thức học online hiện nay ở Việt Nam, độc giả Ngochoavankhe đưa ra so sánh với những trải nghiệm giáo dục ở Anh: “Tôi không phải là giáo viên, chỉ đơn thuần là phụ huynh có con đang học lớp 1 ở London (Anh). Tôi xem qua clip về việc học online tại Việt Nam và nhận ra vấn đề lớn nhất không phải đến từ người học mà là từ người dạy.

Nếu muốn thay đổi cách học online thì chúng ta phải thay đổi cách truyền đạt của giáo viên. Con tôi cũng đang học online tại nhà. Hằng ngày, hai bố con ngồi cùng bàn nhưng ai làm việc nấy, chẳng mấy khi cháu bỏ bài. Tôi cũng không cần phải liên tục để ý đến con. Học online phải tập trung vào tương tác chứ không thể giữ kiểu giáo viên nói một hồi rồi mới hỏi học sinh được. Học thế đừng nói đến trẻ, ngay cả người lớn ngồi nghe cũng buồn ngủ.

Tôi thấy con mình tương tác với màn hình rất nhiều như chọn đáp án A, B, C, D; hay vẽ hình; chọn loại hoa quả; chọn chữ cái và phát âm… Những thao tác ấy rất đơn giản với màn hình máy tính bảng, laptop hay máy tính để bàn. Bài giảng của giáo viên do vậy phải rất linh động, họ thao tác tạo nhóm cho các cháu trao đổi, sau đó lại quay lại làm cùng cả lớp. Các câu hỏi đưa ra có lựa chọn trên màn hình để các em tương tác. Cách học này khiến cho trẻ không thể rời mắt khỏi màn hình.

Tôi đồng ý là giáo viên Việt chưa thiết kế được kiểu bài giảng như vậy, tuy nhiên đó đâu phải vấn đề của học online không hiệu quả? Tôi thấy thật buồn cười khi chứng kiến cảnh cô hỏi xong trò giơ tay trả lời. Ngay cả con tôi nhỏ như vậy cũng biết ấn nút trên màn hình để thể hiện việc ra hiệu muốn trả lời trong Zoom, hay MS Team, ai lại giơ tay cứng nhắc như ngồi trên lớp”.

Đồng quan điểm, bạn đọc Anh Tiên Sinh khẳng định không thể đem cách dạy truyền thống trên lớp để áp cho việc học online: “Đơn giản là các giáo viên hiện nay đang mang giáo trình và cách dạy trực tiếp để áp lên hệ thống trực tuyến. Như vậy thì làm sao đạt được hiệu quả?

Tôi thường xuyên ngồi nhìn con học trực tuyến để xem việc dạy và học đang diễn ra như thế nào? Tất nhiên, trước khi cho con học trực tuyến, tôi đã có một buổi nói chuyện, hướng dẫn cho con về cách sử dụng công cụ cơ bản, những điều nên và không nên khi học online. Do đó, ngay từ năm ngoái, khi con vào học lớp 1, không ở cùng với bố mẹ, bé đã tự giác học theo thời khoá biểu, ghi nhớ các mã ID lớp học, nhớ bài cô giao, tự học làm và trả bài…

>> ‘Than học online khó khăn chỉ là ngụy biện’

Tôi tin rằng ngay đến nhà trường cũng chưa chuẩn bị sẵn sàng cho việc huấn luyện học sinh và giáo viên kỹ năng học trực tuyến. Tôi rất dị ứng với việc học sinh đi học nhưng cô giáo lại giao bài cho phụ huynh lên nhóm chat. Đến khi tôi hỏi lại thì con bảo ‘cô không giao bài’. Sao cô không giao trực tiếp và chỉ yêu cầu phụ huynh đôn đốc, nếu sợ các em quên thì hãy dạy cho các em cách ghi nhớ là được. Tôi tin chỉ trong một tuần là các em sẽ học thêm được một kỹ năng là nhận bài và hoàn thành bài được giao. Tôi vẫn thích câu: ‘Khi làm việc có tâm, bạn luôn tìm ra giải pháp phù hợp’.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng tính tương tác khi học online, độc giả Phamkhanhcham chia sẻ: Việc học online sẽ là tất yếu của của xã hội thời nay và nó sẽ phù hợp với từng lứa tuổi đối tượng và nội dung đào tạo. Hiện nay, đa số các cơ sở giáo dục đều đang ttổ chức dạy online qua Zoom. Tuy nhiên, hình thức này cũng chỉ là một phần của học online. Đúng ra, học online sẽ cần phải như sau:

– Giáo viên xây dựng học liệu (bài giảng điện tử) để học sinh có thể chủ động việc học hơn.

– Tạo ra các bài kiểm tra, các bài tập, bài khảo sát, các nhiệm vụ cho học sinh (để học sinh có thể tương tác trực tiếp đối với bài giảng).

– Dạy trực tuyến (qua zoom), để tương tác trực tiếp đối với nội dung, cần tương tác trực tiếp, chữa các bài tập, bài kiểm tra, hoặc giải đáp thắc mắc đối với những nội dung bài giảng điện tử đã được học sinh xem.

– Đối với phụ huynh: có hướng dẫn cụ thể về cách hỗ trợ con học. Có tài khoản riêng cho phụ huynh để có thể kiểm tra kết quả của con (thời gian tùy phụ huynh chủ động xem).

Muốn làm được tất cả những điều tôi nói trên, chúng ta cần một hệ thống LMS để phục vụ các hoạt động dạy và học. Có nhiều đơn vị đã áp dụng và đạt được hiệu quả rõ rệt. Còn học qua Zoom cũng chỉ là giải pháp tình thế trong lúc dịch bệnh bùng phát. Về lâu dài, nếu muốn chất lượng dạy và học trực tuyến được tốt, phải có sự đầu tư nghiêm túc, mạnh mẽ về phương pháp cũng như giải pháp”.

Lê Phạm tổng hợp

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *