Sống nhàn tuổi 40 nhờ ‘quên’ 20 cây vàng

Tôi đem tiền kiếm được từ các nghề tay trái đi mua vàng, nhiều thì vài chỉ, ít thì vài vâng và cố gắng quên nó đi.

Tôi thấy trường lớp, sách vở chỉ dạy kiến thức khoa học, kiến thức văn hoá, nhưng tài chính – điều ảnh hưởng nhất với đời người thì ít thấy ai dạy. Giở cuốn Giáo dục Công dân của cháu nội ra, có thấy nhắc đến tiết kiệm. Nhưng chỉ nhắc chung chung. Nên tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm của mình về tài chính cá nhân với các bạn trẻ ngày nay. Với hy vọng kinh nghiệm của một người lăn lộn ngoài đời sẽ có ích, trong khi kiến thức sách vở lại không đề cập đầy đủ.

Ngay từ lúc ngoài bốn mươi tuổi, tôi không phải bận tâm nhiều về tiền bạc, đủ tiền nuôi một vợ, một con. Trong khi các bạn tôi vẫn làm việc. Bí quyết đó là mua vàng để dành và quên bẵng nó đi, đừng nhớ tới nó nữa. Ngay từ lúc chưa hai mươi, tôi đã có vài chỉ vàng trong tay. Đây là thành quả tôi đi đào đất thuê cho hàng xóm trong mấy tháng không đi học.

>> Mua đồ trả góp để sĩ diện là ‘tiêu xài tương lai’

Trưởng thành, tôi đi học nghề sửa điện tử là việc chính. Nghề tay trái là hớt tóc. Tôi lấy vợ lúc 21 tuổi và có con lúc 22 tuổi. Nghề sửa điện tử là nghề chính nuôi sống gia đình. Mỗi mùa Tết, tôi đi hớt tóc dạo trong quanh vùng. Hớt từ sáng tới tối, từ rằm tháng Chạp cho đến đêm ba mươi. Mỗi mùa mua vài chỉ vàng là chuyện như bỡn. Tôi tích cóp tiền ở nhiều khoản lặt vặt từ nhiều việc khác, cứ hễ có tiền là tôi đi mua vàng. Nhiều thì vài chỉ, ít thì 5 phân.

Đến ngoài 35 tuổi thì tích đủ 20 cây vàng. Lúc này, nhà hàng xóm kế bên rao bán đất, tôi bỗng nhớ lại số vàng nên dồn mua đất. Vài năm sau, mảnh đất mà tôi mua một phần bị quy hoạch làm đường, bỗng dưng trở thành mặt tiền. Tôi phất lên từ đó.

Rõ ràng, nếu không tích tiểu thành đại và có của để dành này làm gì có vàng để mua đất khi hàng xóm bán? Bạn đã thấy sự lợi hại của việc có của để dành chưa? Nếu không tích lũy hàng chục năm thì chỉ biết nhìn mà tiếc nuối.

>> Người trẻ túng quẫn vì ‘đời chỉ sống một lần’

Tính tiết kiệm phòng xa hình thành khi tôi thấy cụ già ngồi lê góc đường ăn xin ở chợ ngày giáp Tết. Hình ảnh này đã in sâu và ám ảnh trong trí óc của tôi từ lúc bé. Lúc nhìn thấy ông cụ, tôi hỏi mẹ tôi: “Sao ông ấy phải lăn ra đường vậy mẹ?”. Mẹ tôi trả lời rằng: “Vì ông ấy không có tiền”. Với một đứa bé, đó là câu trả lời dễ hiểu nhất. Còn chuyện ông ấy có nhiều tiền mà vẫn đi ăn xin hay không là chuyện khác, tôi không bàn đến.

Nhưng rõ ràng, sống mà không có tiền thì rất khổ. Có tiền mới làm phiền thiên hạ được – điều này đã ám ảnh tha nhân từ cổ chí kim rồi. Đối với tôi, kiếm tiền không dễ, giữ được tiền lại khó hơn và khiến chúng sinh lời, tiền đẻ ra tiền thì lại khó hơn bội phần. Tôi xác định mình không giỏi khả năng khiến tiền đẻ ra tiền nên cố gắng ở hai hạng mục: kiếm tiền và giữ tiền bằng cách mua vàng.

Lê Chính

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *