Chỉ gặp vài chục cái Tết nữa, sao nỡ trách họ hàng ‘vô duyên’?

Mỗi năm chỉ gặp được một lần, nhiều người trẻ đã vội trách móc, bật khiên phòng thủ với họ hàng.

Tôi 35 tuổi, là người ở tỉnh lên Sài Gòn học tập và sinh sống tại đây từ sau khi học hết trung học phổ thông đến giờ.

Những năm gần đây tôi nhận thấy nổi lên xu hướng không thích, ghê rợn, hay cố tình tránh né những câu hỏi thăm của bà con dưới quê đại loại như: Khi nào lấy chồng, lương tháng bao nhiêu… Cứ mỗi năm Tết về xu hướng này lại trỗi dậy và các bạn trẻ có vẻ đồng ý, hưởng ứng nhiệt tình.

>> Người bất lịch sự mới hỏi chuyện riêng tư ngày Tết

Trước hiện tượng đó, tôi thấy mình cũng là người trong cuộc. Qua góc nhìn và quan sát của cá nhân tôi xung quanh vấn đề này tôi mạn phép có những ý kiến như sau:

Tôi đã có trên 15 lần về quê ăn Tết, chưa kể một lần trong năm tham gia một đám giỗ quan trọng của gia đình. Tổng cộng tính ra nếu nhiều lắm trong quãng đời dài 15 năm, đối với người yêu thích không khí sum họp gia đình và tưởng nhớ tổ tiên thì bạn chỉ có 30 lần gặp gỡ đông đủ họ hàng.

Những lần gặp này với tôi cũng giống như gặp lại bạn thân vậy. Chẳng phải các bạn cũng từng đọc qua khái niệm bạn thân là người mà chúng ta không cần gặp thường xuyên, dù mỗi năm một lần cũng đủ để chúng ta chia sẻ.

Mỗi năm một lần, tại sao chúng ta không trân quý khoảnh khắc gặp gỡ này, hãy bắt đầu câu chuyện thật chân tình…ở phía ta trước dù đối phương có mở lời bằng những câu tương đối khó nghe như trên.

Xin xác nhận với các bạn tôi luôn là người được hỏi thăm những câu đó. Nhưng tôi không bao giờ cảm thấy khó chịu chút nào. Vì tôi nhìn những người họ hàng của mình bằng sự cảm thông.

Đại đa số họ hàng ở quê không tiếp cận được đến những câu nói trending, không tiếp cận được xu hướng giới trẻ đang ghét gì mà tránh. Họ chỉ biết lam lũ làm ăn quanh năm suốt tháng nuôi con cháu ăn học nên người. Với họ chỉ có hai thứ quan trọng nhất là tinh thần và vật chất.

>> Mới vào Nam lập nghiệp không nhất thiết phải về quê ăn Tết

Mà tinh thần là gì? Là tình cảm, tình yêu, vợ chồng chứ gì nữa. Vật chất là gì? Là lương tháng thu nhập có đúng không. Họ đâu biết bạn làm coding lập trình ở thành phố là làm gì để mà hỏi sâu? Họ đâu biết start up là gì để chia sẻ với bạn. Họ đâu biết bạn thường check- in ở những điểm nào, món ăn, nhà hàng ở thành phố sang trọng, đẹp đẽ như thế nào đâu mà cùng sự quan tâm với bạn?

Tóm lại là quê hương và tình thân là những thứ chúng ta không thể thay đổi được. Chúng ta có thể thay đổi bản thân trở thành những người văn minh, thì cách tốt nhất những người văn minh cần làm là cảm thông với người yếu thế về mặt nhận thức hơn mình. Đừng dùng khiên che tránh và xa lánh, coi khinh những gì những người thân của mình còn hơi hồn nhiên và có tí cục mịch.

Chúng ta cứ cười trước và vui vẻ tiếp nhận chuyện này rồi dùng trí thức, sự học hỏi của mình ở thành phố chủ động quan tâm trước đến công việc làm ăn của họ. Rồi tiếp tục giải thích đời sống công việc cá nhân của mình, đảm bảo họ sẽ lắng nghe bạn một cách chăm chú như đang được giảng bài.

>> Cùng tác giả: Sự phân cực của phim truyền hình Việt

>> 12 tuổi ‘nổi loạn’ vì xem phim giang hồ Youtube

Cứ thế câu chuyện sẽ trở nên thân tình và hiểu nhau hơn. Đằng này chưa khởi đầu câu chuyện các bạn đã mang tấm khiên ra chắn, với một tâm thế phòng thủ ái ngại thì làm sao kết nối được. Chân tình nào mở ra ở đây, hay tình thân ngày càng xa cách. Hãy luôn chủ động, mở lòng ra các bạn ạ, chịu nghe một chút, cũng chẳng mất gì cả.

Các bạn chịu được áp lực cuộc sống nơi đô thị với muôn vàn câu nói cà khịa, sốc sỉa sâu cay, những câu chửi mắng thậm tệ của khách hàng, đối tác của sếp…vẫn vững bước tiến lên kiếm tiền, duy trì cuộc sống. Thì vài câu nói xã giao này của họ hàng người thân mắc gì mình không cho qua được. Chỉ là chuyện nhỏ.

Lâm Long

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *