Cân nhắc dập dịch và chống dịch

Cách ly, phong tỏa, giãn cách, truy vết, xét nghiệm, 5K… chỉ là giải pháp dập dịch, chứ chưa phải chống dịch, chưa thực hiện được ‘mục tiêu kép’.

“Dịch covid năm nay không còn là bất ngờ nữa”, tôi xin được mượn lời của một chuyên gia phát biểu trên VnExpress gần đây để mở đầu bài viết này. “Dập dịch” là quyết tâm, là mục tiêu trước mắt, còn “chống dịch” chắc chắn phải là đối sách lâu dài. Cả thế giới đã ngưỡng mộ cách làm của chúng ta, khi cuộc sống xã hội trở lại thì ta cũng xác định đó là tình trạng “bình thường mới”, với những biện pháp và chỉ thị luôn sẵn sàng được kích hoạt khi dịch bệnh trở lại. Nhưng hiện tại, cách ứng phó ở nhiều nơi cho thấy chúng ta chưa thật sự chủ động và thống nhất trong các phương án xử lý.

Ngay trong năm Covid đầu tiên, Thủ tướng đã luôn nhắc đến “mục tiêu kép” và nhấn mạnh rằng giãn cách xã hội không phải là “ngăn sống cấm chợ”. Thậm chí, Chính phủ đã phải can thiệp khi nhiều nơi làm “mạnh tay” hơn mức cần thiết, thiếu sự nhất quán, điển hình như Hải Phòng chặn xe hàng hóa từ Hải Dương. Nhưng tại Hà Nội, người dân lại chung tay “giải cứu”, xếp hàng dài để mua ủng hộ nông sản của Hải Dương… Tôi nghĩ những hình ảnh trái chiều này không nên tiếp tục xảy ra.

Có lẽ, cách suy nghĩ về trách nhiệm của người đứng đầu địa phương nếu để xảy ra dịch bệnh đã dẫn đến những quyết định như vậy. Nhưng trách nhiệm ở đây cũng cần hiểu theo một biên độ lớn. Ví dụ địa phương, tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp buông lỏng quản lý dẫn vi phạm các quy định phòng chống dịch thì trách nhiệm sẽ khác. Còn đã tuân thủ tốt rồi mà vẫn bị bùng phát dịch bệnh thì đó là do những biện pháp hiện tại chưa đủ, lúc này không thể quy trách nhiệm như tình huống trước.

Cách ly, phong tỏa, giãn cách, truy vết, xét nghiệm, 5K… đã phát huy tác dụng gần như 100% trong việc dập dịch. Xin được nhấn mạnh, tôi cho đó là dập dịch chứ chưa phải là chống dịch, chưa phải là thực hiện mục tiêu kép. Việc thực hiện khoanh vùng nhanh, phong tỏa hẹp, cũng là để giảm thiểu thiệt hại kinh tế.

Khi quyết định phong tỏa được đưa ra thì ngoài việc lập chốt, bố trí người trực 24/24 và chế độ cho họ cũng cần một Tiểu ban chăm sóc đời sống của người dân, tính toán thiệt hại để hỗ trợ (nếu cần), đưa ra những giải pháp vận chuyển, tiêu thụ hàng hóa cho khu vực bị cách ly đó. Bởi vì những người phải ở yên trong nhà (không phải là F2) cũng đã gián tiếp tham gia công tác dập dịch, cần phải có những chính sách phù hợp.

>> Tính kế cho người kinh doanh đóng cửa vì dịch

Tiếp theo, việc xác định thế nào là những dịch vụ thiết yếu, danh sách này cũng cần được xem xét, bổ sung thường xuyên theo thời gian khi mà ta đã có kinh nghiệm. Năm trước, có người cũng từng đặt câu hỏi: sửa xe, cứu hộ xe có phải là dịch vụ thiết yếu không? Nếu xác định là có thì cần bổ sung vào để giảm thiểu ảnh hưởng tới cuộc sống người dân.

Vừa rồi, một người anh của tôi trên đường đi làm thì bị hỏng xe máy. Gọi cho một người quen để sửa, người đó đã nói rằng quy định là không được phép làm. Nhưng vì nể quá nên họ bảo anh tôi cứ để xe ngoài cửa và đi về. Dù sau đó, người thợ ra dắt xe vào trong nhà để sửa nhưng vẫn bị lập biên bản. Thiết nghĩ tình huống thế này dù đúng về lý, nhưng lại vô cảm, đặc biệt là trong thời điểm họ đã bị thiệt hại quá nhiều. Dẫn đến tâm lý “làm phúc phải tội”, tác động rất tiêu cực đến quan hệ giữa người với người trong xã hội trong tương lai.

Cuối cùng, xin được chia sẻ về cách ứng phó của các doanh nghiệp nước ngoài mà tôi biết. Họ thường lập kịch bản xử lý cho những tình huống khẩn cấp, để duy trì sự liên tục của việc sản suất, kinh doanh. Đây là nhu cầu nội tại cũng như yêu cầu của đối tác, khách hàng. Các bên liên quan cần phải biết khi có tình huống khẩn cấp như hỏa hoạn, thiên tai, dịch bệnh, thậm chí là bạo loạn, đình công… thì phương án của doanh nghiệp sẽ là gì để không bị gián đoạn sản xuất hoặc ảnh hưởng ít nhất có thể?

Ví dụ, họ có phương án chuyển sản xuất sang các địa điểm khác trong tập đoàn hoặc ký ngay các hợp đồng gia công để kịp xuất hàng. Như đợt dịch năm trước, nhà máy chúng tôi nhận được rất nhiều đơn hàng gia công từ trong và ngoài nước. Đó chính là những phương án xử lý của các doanh nghiệp đó trong tình huống khẩn cấp. Doanh nghiệp không thể nói với khách hàng của mình rằng: “do cháy nổ, do thiên tai, dịch bệnh… là bất khả kháng, nên chúng tôi cũng không biết làm thế nào?”.

Văn Chinh Nguyễn

>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *