Tôi viết hàng trăm bài trên VnExpress trong gần 10 năm

Khi chia sẻ những bài viết và đọc những phản hồi, tôi nhận ra mình trên mạng và ngoài đời khác nhau rất xa.

Luật sư Khanh Huỳnh hiện đang sống tại Mỹ, chia sẻ những kỷ niệm nhân dịp VnExpress tròn 20 tuổi:

Hồi đầu năm 2001, internet vẫn chưa phổ biến ở Việt Nam. Ở TP HCM, có những quán cà phê internet để người dùng vào check mail, trả phí theo phút. Ở tỉnh lẻ quê tôi thì chỉ có một chỗ duy nhất như vậy. Tôi mới chân ướt chân ráo sang Australia học đại học.

Trường đại học có những phòng lab đầy máy tính mở cửa suốt ngày, các sinh viên đều có một tài khoản riêng để sử dụng máy. Ngoài email và các vấn đề học tập thì chúng tôi cũng dùng máy ở trường để đọc chút tin tức. Một người bạn đã giới thiệu trang VnExpress.net cho tôi từ những ngày ấy.

Khi đấy khoa học kỹ thuật còn yếu ớt. Trang VnExpress không thể tải nổi bản có dấu trên trình duyệt ở Australia nên chúng tôi phải đọc bản tiếng Việt không dấu. Dần dà tình trạng này mới thay đổi, nhưng tôi vẫn đọc VnExpress hầu như hàng ngày, trừ những lúc lang thang đâu đó trong các chuyến du lịch.

Dù tham gia đọc từ sớm nhưng mãi tới giữa năm 2012 tôi mới bắt đầu viết bài cho VnExpress. Khi đấy VnExpress đã có chức năng nhận bài viết của bạn đọc còn tôi thì đang có một mùa hè mới mẻ trong vai trò thực tập viên ở Sở Nông nghiệp của quận hạt. Chút chia sẻ về cách quản lý thị trường ở Mỹ có vẻ khá quyến rũ và bài viết đầu tay của tôi được đăng ngay.

Tôi đã viết hàng trăm bài cho VnExpress, một lượng lớn vẫn còn được tôi lưu lại. Đôi khi các bài viết của tôi nhận được một số “gạch đá” , nhưng thường chỉ là bình luận góp ý. Và rất nhiều lời khen.

Tôi không xem những lời chỉ trích là gạch đá, bởi bản chất của công việc của tôi là đi “cãi” thuê. Tôi chỉ buồn khi bài viết của mình không ai quan tâm, tới một lời bình luận cũng không có.

Với mật độ bài viết ngày một tăng thì tòa soạn cũng hỏi han xem tôi là ai nhưng chỉ nhận được thái độ im lặng trốn tránh. Vì vậy có khá nhiều phỏng đoán về nhân thân của tôi, bao gồm một ông già hơn 70 tuổi cực kỳ khó tính, hay là một bà cô U60 đeo kính mặt mũi nhăn nhó. May là tuổi thực của tôi nhỏ hơn rất nhiều so với giọng điệu khó khăn. Ngoài đời thì tôi là một người hướng ngoại, nói nhiều, thích đùa, và cũng hay se sua với bạn bè.

Có lẽ đó cũng là những gì mà các phóng viên chuyên nghiệp của các báo điện tử phải đối mặt khi hành nghề. Một mặt, sự phát triển của internet và mạng xã hội đã đem tới cơ hội ‘ném đá, đấu tố’ cho tất cả những ai muốn tham gia.

Những người viết bài, cụ thể là các nhà báo, đã và đang đối mặt với đủ thứ nguy cơ tiềm tàng mà việc bị bắt nạt trên mạng chỉ là chuyện nhỏ. Ngay cả khi thông tin đưa ra là sự thật nhưng hơi bị mất lòng thì người đưa tin vẫn sẽ cứ te tua, như là bài viết về vấn nạn chăn dắt ăn xin chẳng hạn.

Chi phí vận hành báo điện tử so với những nguồn thu nhận được là thách thức lớn nhất của các tòa soạn. Ngay cả các nước phát triển cũng thường xuyên khổ sở với vấn đề này và cuộc chiến giữa Facebook và Australia gần đây chỉ là một ví dụ. Tôi không có giải pháp nào ngoài việc kiên nhẫn xem các quảng cáo của các mặt hàng mà tôi ít khi nào mua, mặc dù VnExpress thuộc vào hàng rất ít quảng cáo.

Sau cùng, tôi chỉ muốn nói rằng, khoảng thời gian viết lách cho VnExpress đã giúp tôi hiểu được sự khác biệt giữa con người trên mạng và con người ngoài đời thực lớn như thế nào.

Tôi trong trí óc những người đọc bài và tôi trên thực tế khác nhau quá xa. Mà đấy là tôi viết đủ thứ dài loằng ngoằng, chứ còn vài dòng trạng thái trên mạng xã hội của người khác càng tiết lộ ít thông tin hơn về người viết. Khi tiêu thụ thông tin trên mạng, nhất là mạng xã hội không có “editor” thì mỗi người nên cẩn thận với những suy đoán của mình.

Con người ngày xưa vốn có thể giết người bằng ngòi bút. Khổng Minh có thể mắng chết người ngoài mặt trận. Còn ngày nay thì mớ gạch đá của cộng đồng của nguy hiểm không kém và hậu quả không phải chỉ giới hạn ở vài cá nhân, nó có thể khiến cả tập đoàn kinh doanh khốn khổ.

Khi chúng ta được hưởng thụ một nguồn tin miễn phí trong một môi trường an toàn thì các bạn hãy nhớ tới những công việc đầy mồ hôi và nước mắt ở sau tấm màn nhung. Nghề báo là nghề tương đối mới, nhưng cái nghiệp của những người làm nghề ăn nói vốn không dễ mang. Ở trên mạng, cái nghiệp ấy lại càng nặng hơn.

Những con số 0 và 1, chất liệu cơ bản của mọi lập trình vi tính, không phải là vô hồn khi chúng được sắp xếp bởi những con người. Những con người ấy rất có thể là bạn bè và người thân ở quanh ta. Vì vậy, hãy hưởng thụ có trách nhiệm trên internet và mạng xã hội.

Khanh Huỳnh

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *