Áp lực của ‘con nhà người ta’

“Con nhà người ta” chịu áp lực vì thường được kỳ vọng rất cao rằng phải thành đạt và có thành tựu trong cuộc sống.

Sau bài viết chia sẻ Lời thú nhận của một ‘con nhà người ta’ , nhiều độc giả chia sẻ cũng từng là “con nhà người ta” và phải chịu nhiều áp lực từ gia đình, xã hội:

Tôi cũng hơi giống tác giả, chỉ là không khủng như bạn thôi, và tôi vô cùng đồng ý với bạn, rất nhiều lúc tôi hỏi bản thân, tôi đang cố gắng vì điều gì, sống vì điều gì?

Tôi có thể che đậy là cố gắng vì cha mẹ, gia đình, xã hội, nhưng thực tế thì ngược lại, tôi chẳng cảm thấy gì cả, thậm chí tôi không biết mình có đam mê gì hay không nữa, nay gần 30 rồi, cuộc sống cơ bản cũng rất ổn, nhưng vẫn câu hỏi đó trong đầu, mình đang sống vì điều gì?

Targaryen

Tôi thì không học giỏi như tác giả. Nhưng từ nhỏ đến khi ra trường tôi đều học trường chuyên, lớp chọn, thi đỗ trường đại học lớn. Đã thi hàng chục cuộc thi lớn nhỏ và có danh hiệu này kia.

Đúng như tác giả nói, ngay lúc còn đi học tôi cũng mông lung và chả hiểu học để làm gì, vì sao phải học nhiều đến vậy. Và hơn hết là áp lực từ phía gia đình, bạn bè, thầy cô – những người tự cho họ cái quyền là kỳ vọng quá mức vào tôi.

Thế rồi tôi bị stress, mất ngủ và muốn buông bỏ tất cả để làm một người bình thường. Vì vậy, suốt những năm đại học tôi cố gắng “bình thường” nhất có thể. Sau này đi làm thì áp lực đó lại quay lại.

Nhưng khác với lần trước, tôi đã bình tĩnh đối diện với những áp lực này. Sẵn sàng nhận sai khi mình thiếu sót, cố gắng trau dồi kĩ năng khi có ai đó nhận xét về mình. Đến nay thì mọi thứ tạm khiến tôi hài lòng.

Dan Pham

Tôi hơn tác giả vài tuổi, không giỏi bằng nhưng cũng xem như “trường chuyên lớp chọn, đại học top, ielts cao”, và cũng thấy rất nhiều vấn đề áp lực như là:

– Kỳ vọng cao: Ai cũng mặc định học giỏi như thế thì sự nghiệp cũng phải rực rỡ thu nhập phải cao, nhưng thực chất việc ra đời và kiếm tiền hoàn toàn khác, và cần những “kỹ năng” khác mà đôi khi không phải thế mạnh của mình. Nếu mình mà chỉ thường thường thôi là bị nhìn với ánh mắt khác ngay.

– Mọi thất bại dù nhỏ cũng sẽ bị phóng đại gấp trăm lần.

– So sánh, ghen tị và đố kị: Thực sự ở những người giỏi thì vấn đề này nó lớn hơn nhiều lắm mà đôi khi nó bào mòn tinh thần mình ra. Không chỉ từ bên ngoài mà còn từ tự nội tâm mình. Mà mấy ai đủ vững vàng để không quan tâm người khác thế nào, nhất là những người từ nhỏ đã được bao bọc bởi sự khen ngợi thì lại càng để ý.

– Khó hài lòng với hiện tại và khó hạnh phúc. Lúc nào cũng nghĩ mình thất bại, không đạt được thành tựu gì, không có gì nổi bật, không để lại dấu ấn gì, trong khi người khác kiếm được việc tốt thu nhập tốt là vui vẻ rồi. Thành ra cứ mãi luẩn quẩn, tiêu cực.

Bây giờ thì sau quãng thời gian dài hoang mang chán nản tôi cũng tạm coi là xác định được một cái phương hướng chị muốn phát triển rồi nên cũng đỡ nghĩ quẩn hơn trước (chị từng trầm cảm nặng và mất động lực lắm). Nhưng mà vì mất thời gian dài tinh thần sa sút nên cũng bị tụt lại nhiều, con đường cũng chông gai hơn trước. Hy vọng thời gian tới “thời tiết” sáng sủa hơn.

Bao Đồng

Bạn đừng lo, trong mỗi giai đoạn của cuộc sống sẽ có lúc bạn stress thế này. Sẽ cảm thấy mình học tốt nhưng không ứng dụng được gì, không rõ mục đích, hướng đi của mình, mông lung về tương lai.

Học giỏi và thành công là hai khái niệm khác nhau, có thể sau này bạn không bằng một người bạn khác mà trước đây học thua bạn, nhưng nền tảng học tập, kiến thức của bạn là ao ước của bao người

Quoc Khanh

Hữu Nghị tổng hợp

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *