12 năm học Toán, Lý, Hóa cũng chỉ để quên

Có bao nhiêu người trong số chúng ta thực sự sử dụng logarit, lượng giác, đạo hàm, nguyên hàm, vi phân, tích phân, căn thức… khi đi làm?

Đây là câu hỏi vẫn gây nhiều nhức nhối trong xã hội suốt những năm qua. Mỗi năm, chúng ta đều có những lần cải cách giáo dục, thay đổi phương pháp học tập để học sinh có cơ hội tiếp cận và đổi mới cách học. Thế nhưng, có những kiến thức mà ngay cả người lớn cũng phải thốt lên: “Học làm gì, ra đời có bao giờ dùng đến đâu?”.

Nếu như chỉ học đến hết tiểu học, chúng ta chưa có đủ lượng kiến thức và kinh nghiệm bước ra đời bươn chải vì còn là “tấm chiếu mới”, vì thế mới sinh ra cấp THCS, THPT. Nếu như Toán tiểu học dạy con trẻ những kiến thức cơ bản nhất, Toán cấp hai thiên hướng về học thuật hơn, thì Toán cấp ba lại trở thành một môn học khá xa vời thực tế.

Rất nhiều học sinh phải vật lộn vì logarit, lượng giác hay đạo hàm, nguyên hàm để có được điểm số khá trở lên. Không nói tới những em học sinh yêu và đam mê Toán học, những kiến thức ấy đã khiến nhiều học sinh vất vả và chật vật để giữ được danh hiệu Học sinh tiên tiến – thứ mà thậm chí còn là điểm trừ trong học bạ xét tuyển Đại học của các em.

Giảm tải là thế, nhưng đến khi cần, các em sẽ lại phải đi học thêm những kiến thức giảm tải, bởi thế thì mới làm được bài khó. Giảm tải vi phân nhưng học đến nguyên hàm lại không thể không sử dụng. Áp lực học lại chồng lên, kèm theo áp lực điểm số, áp lực về danh hiệu…

Tất nhiên sẽ bạn lập luận ngược lại rằng: “Những người học Toán, Lý, Hóa ở mức cao sẽ hiểu các quy luật của tự nhiên, tránh những hiểm họa khi xâm phạm tới quy luật tự nhiên. Ví dụ, ai học Hóa sẽ biết nước Javen không nên hòa chung hay sử dụng với nước tẩy rửa có tính axit vì sẽ sinh ra phản ứng tạo khí clo, khi tích tụ nhiều sẽ tạo ra cái bẫy tự nhiên giết người.

Tôi đồng ý là môn Hóa áp dụng vào thực tế quan trọng như vậy, nhưng chỉ ở mức kỹ năng sống, việc gì phải đào tạo đến độ tính mol, nồng độ mol và cách pha chế…? Phần lớn học sinh khi ra trường, một là quên sạch (90%), còn lại thì dùng nhũng thứ đó để là chuyện không hay. Tôi tự hỏi đào tạo học sinh những kiến thức như thế để làm gì?

>> Để Toán, Lý, Hóa không ‘cướp đi thanh xuân’ của học sinh Việt

Một điều nữa, hiện nay thế giới đang hòa nhập, vì thế để nói chuyện, giao tiếp và chương trình tuyển sinh THPT hiện nay, môn Tiếng Anh chỉ có hệ số một, trong khi môn Toán lại hệ số hai. Còn với môn Văn cũng hệ số hai nhưng có ích vì dạy chúng ta cách viết nghị luận. Các văn bản, thủ tục hành chính công vụ, biên bản, hay đơn giản là các bài thuyết trình đều cần đến văn nghị luận.

Thế nhưng, nhìn vào thực tế, nghị luận về xã hội, đời sống hay nêu suy nghĩ (thuyết trình) về một hiện tược đời sống xã hội, chỉ chiếm vỏn vẹn hai điểm trong hầu hết các bài kiểm tra Văn hiện nay. Thay vào đó, mấy bài phân tích các tác phẩm nghệ thuật và văn bản lại chiếm tới năm điểm. Chỉ cần nhìn vào đó, ta đã thấy những bất cập của giáo dục hiện nay.

Vậy giải pháp ở đây là gì? Theo ý kiến cá nhân tôi, cần có những điều chỉnh đối với từng môn: Với môn Văn, thay vì quá chú trọng đến các tác phẩm văn học, hãy tập trung vào các bài nghị luận về xã hội và các hiện tượng, vấn đề nổi cộm gần đây trong xã hội (lấy các đề thi trên các trang báo sẽ khiến học sinh chăm đọc báo hơn). Với môn Toán, cần giảm lượng kiến thức cho học sinh và tính điểm hệ số một vì Toán (bởi thực tế cũng chỉ cần dùng đến cộng, trừ, nhân, chia là chủ yếu).

Rinkitori

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *