Nỗi lo giảm lương giáo viên khi bỏ phụ cấp thâm niên

‘Sáng, chiều lên lớp; trưa, tối đi bán bảo hiểm; nay lại cắt thâm niên, tôi phải làm gì để bù vào, bao giờ mới mua nổi đất cất nhà?’

Lương tăng khi thâm niên còn

Bộ GD&ĐT vừa ban hành chùm Thông tư 01; 02; 03; 04/2021/TT-BGDĐT quy định về bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường trung học phổ thông (THPT), trung học cơ sở (THCS), tiểu học và mầm non công lập. Theo đó, nhà giáo được xếp vào bốn hạng chức danh cùng hệ số tương ứng:

Hạng IV: Giáo viên tiểu học, mầm non (hệ số từ 1,86 đến 4,06);

Hạng III: Giáo viên mầm non (hệ số từ 2,1 đến 4,98), Giáo viên tiểu học, THCS, THPT (hệ số từ 2,34 đến 4,98);

Hạng II: Giáo viên mầm non (hệ số từ 2,34 đến 4,98); Giáo viên tiểu học, THCS, THPT (hệ số từ 4,0 đến 6,38);

Hạng I: Giáo viên mầm non (hệ số từ 4,0 đến 6,38), Giáo viên tiểu học, THCS, THPT (hệ số từ 4,4 đến 6,78).

Thoạt nhìn vào hệ số lương như trên, nhiều người lầm tưởng lương nhà giáo sẽ tăng do hệ số khá cao, cho dù có bị cắt thâm niên, lương cũng không giảm. Nhưng thực tế lại khác, theo thông tin của Cục nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT): Việc xếp lương khi bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp được thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 1, Mục II, Thông tư số 02/2007/TT-BNV ngày 25/5/2007 của Bộ Nội vụ, hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức và theo quy định hiện hành của pháp luật.

Theo đó, tại điểm a, khoản 1 Mục II Thông tư số 02/2007/TT-BNV ngày 25/5/2007 của Bộ Nội vụ, ghi rõ: “Trường hợp chưa hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch cũ thì căn cứ vào hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ để xếp vào hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất ở ngạch mới”.

Như vậy, việc chuyển xếp lương sẽ căn cứ vào hệ số lương chứ không căn cứ bậc. Nếu áp dụng theo cách chuyển đó, mức tăng sẽ không nhiều, trừ khi được thăng hạng. Ví như, khi chuyển ngang hạng 2 từ bậc 6 (3,99) sang bậc 1 (4,0), hệ số lương chỉ tăng 0,01, đồng nghĩa mỗi tháng, nhà giáo được tăng lương thêm 15.000 đồng. Hoặc khi chuyển từ bậc 9 (4,98) sang bậc 4 (5,02), hệ số lương chỉ tăng 0,04, tương đương 59.000 đồng tăng thêm trong quỹ lương hàng tháng của thầy cô.

>> Lương giáo viên 20 năm không bằng bán hàng online

Nỗi lo giảm lương

Theo quy định tại Luật Giáo dục 2019, chúng ta sẽ bỏ “phụ cấp thâm niên” đối với giáo viên từ ngày 1/7/2020. Hiện tại, nhà giáo vẫn đang được hưởng mức phụ cấp này là do Bộ Tài chính đã đề nghị lùi thời gian thực hiện phụ cấp thâm niên đến khi áp dụng chế độ tiền lương mới, dự kiến là 1/7/2022.

Như thế, nếu giáo viên trụ hạng, mức lương tăng không nhiều. Nhưng khi cắt thâm niên, đa phần nhà giáo sẽ giảm thu nhập do thầy cô đang công tác đều có thâm niên trong nghề từ vài năm đến khoảng 30 năm.

Trở lại trường hợp chuyển ngang hạng 2, bậc 6, hệ số lương là 3,99, khi còn thâm niên, tổng lương hàng tháng là: 3,99 x 1.490.000 đồng + 30% (phụ cấp đứng lớp) + 15% (phụ cấp thâm niên) – 10,5% (BHYT, BHXH, BHTN) = 7.996.154 đồng.

Khi mất thâm niên, chuyển sang bậc 1 (4,0), áp dụng mức lương 1.490.000 đồng: 4,0 x 1.490.000 đồng + 30% (phụ cấp đứng lớp) – 10,5% (BHYT, BHXH, BHTN) = 7.122.200 đồng, tức giảm 873.954 đồng.

Khi mất thâm niên, chuyển sang bậc 1 (V07.04.31 là 4,0), áp dụng mức lương 1.600.000 đồng: 4,0 x 1.600.000 đồng + 30% (phụ cấp đứng lớp) – 10,5% (BHYT, BHXH, BHTN) = 7.648.000 đồng, vẫn giảm so với khi chưa xếp lương mới là 348.154 đồng.

Với trường hợp chuyển ngang hạng 2, bậc 9, hệ số lương là 4,98, khi còn thâm niên, tổng lương hàng tháng là: 4,98 x 1.490.000 đồng + 30% (phụ cấp đứng lớp) + 28% (phụ cấp thâm niên) – 10,5% (BHYT, BHXH, BHTN) = 10.944.795 đồng.

Khi mất thâm niên, chuyển sang bậc 4 (5,02), áp dụng mức lương 1.490.000 đồng: 5,02 x 1.490.000 đồng + 30% (phụ cấp đứng lớp) – 10,5% (BHYT, BHXH, BHTN) = 8.938.361 đồng, giảm 2.006.434 đồng.

Khi mất thâm niên, chuyển sang bậc 4 (V07.04.31 là 5,02), áp dụng mức lương 1.600.000 đồng: 5,02 x 1.600.000 đồng + 30% (phụ cấp đứng lớp) – 10,5% (BHYT, BHXH, BHTN) = 9.598.240 đồng, vẫn giảm so với khi chưa xếp lương mới là 1.346.555 đồng.

>> Lương tâm và lương tháng của giáo viên

Mạng xã hội đang nóng dần lên cùng nỗi lo lương giáo viên giảm khi thâm niên bị cắt. Trên các hội, nhóm của giáo viên, tôi thấy nhiều thầy cô lo lắng: “Vợ chồng cũng làm nhà giáo, giảm 57% phụ cấp thâm niên, lương nào bù lại được?”; “Những nhà giáo trên 30 năm công tác, chưa được về hưu mà lương lại bị giảm. Thêm tuổi cống hiến, thêm năm công tác nhưng lương bị giảm”…

“Sáng, chiều lên lớp; trưa, tối còn đi bán bảo hiểm; nay chuẩn bị cắt thâm niên, tôi phải bán gì thêm để mà bù đắp vào khoản lương ấy? Và bao giờ cho đến bao giờ mới mua nổi đất cất nhà, hay mãi mãi ở nhờ nhà hai bên nội, ngoại? Nghĩ đến thôi là đã đau cả lòng”, có giáo viên chia sẻ.

Phạm Thị Lan

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *