‘Đầu tư học vấn không bao giờ lỗi thời’

‘Văn hay chữ tốt không bằng người dốt lắm tiền’, bố tôi suốt ngày lặp lại điệp khúc này để bắt các con bỏ học, đi làm kiếm tiền.

Ủng hộ quan điểm “đầu tư vào học vấn cho con cái là sáng suốt“, nhiều độc giả VnExpress chia sẻ:

Nhà tôi có sáu anh chị em, bố mẹ làm nông rất vất vả. Hồi đó, so với chúng bạn xung quanh, tôi luôn thầm ao ước được như vậy. Vì nhà nghèo, cơm chủ yếu chỉ có rau, lạc (đậu phộng) làm món mặn cho mấy chị em. Nhưng bố mẹ tôi cũng rất chịu khó đầu tư cho các con ăn học thành người. Nhà tôi ở miền Trung, nhớ hồi đó, anh trai học năm thứ năm, mình học năm thứ tư, em gái học năm ba, và một em út học năm thứ nhất đại học, toàn học ở những thành phố lớn.

Chúng tôi có đi làm thêm nhưng lương không đáng kể, bố mẹ phải đạp xe đi vay tiền, nhưng người ta sợ vay xong không trả được nên chẳng ai cho vay. Những tháng ngày vất vả nhất ấy đã qua, tôi thầm cảm ơn bố mẹ đã định hướng cho con cái để giờ đây mấy chị em tôi có công việc tạm gọi là ổn định.

Lê Thơ

Lúc tôi đang học lớp 6, chị tôi sinh em bé nên có nhờ tôi phụ bán hàng. Vì nhanh nhẹn nên tôi nắm bắt được công việc nhanh chóng và thấy mình hợp với nghề này. Sau đó, tôi xin ba cho nghỉ học để theo chị mua bán. Ba tôi nói: “con 50 tuổi ra chợ ngồi bán xôi, người ta vẫn mua. Nhưng chỉ cần 20 tuổi mà xin vào ngồi trong lớp là người ta đã không cho học rồi” (lúc đó chưa phổ biến các loại hình bổ túc như giờ). Thế là tôi phải đi học tiếp.

Và bây giờ, theo xu hướng xã hội, buôn bán nhỏ lẻ như chị tôi không còn là ưu điểm nữa. Mỗi đêm, chị phải vắt óc để suy nghĩ thay đổi mặt hàng, mỗi ngày phải vất vả tô điểm, trang trí cho hàng hoá của mình. Còn tôi thì nhẹ nhàng hơn khi về hưu vẫn có đồng lương. Bây giờ, tôi vẫn bảo với các con mình rằng “còn ngồi ghế nhà trường thì 50 tuổi mẹ vẫn nuôi ăn học”. Học thức muôn đời không lỗi mốt.

Rơi Rơi

Mẹ tôi mất sớm. Bố lại luôn có một điệp khúc: “Văn hay chữ tốt không bằng người dốt lắm tiền”. Cuối cùng, anh và em tôi bỏ học giữa chừng. Chỉ còn mình tôi học tiếp. Tôi phải ăn khoai, ăn sắn, đi ở làm osin dịp hè để có tiền đi học. Thế nhưng cứ về tới nhà là bố đòi lấy tiền của tôi, không cho đi học, bắt đi làm. Tôi thà chết chứ nhất quyết không chịu bỏ học. Bây giờ, tôi cũng sống ở nước ngoài, có công việc rất tốt, thu nhập ổn định ở mức khá cao, có đầy đủ nhà xe và hơn hết có một gia đình hạnh phúc và các con ngoan ngoãn. Tôi cũng xây cho bố một cái nhà rất to, cấp tiền xây mồ mả cho tổ tiên.

Tôi

>> ‘Nghĩ ngắn’ từ chuyện bỏ học đại học vẫn giàu

Bố tôi có bảy anh chị em, sinh thành được ba chị em tôi. Mẹ tôi là giáo viên. Duy nhất chỉ có nhà tôi cho cả ba con ăn học tốt nhất trong họ. Hơn 20 năm trước, nhà tôi ở miền núi, vùng sâu vùng xa, chị tôi học cao đẳng, tôi đỗ đại học năm 1998 (duy nhất của cả huyện), em trai tôi học trung cấp. Ba chị em tôi được học hành cao nhất và có cuộc sống tốt hơn nhiều so với các anh em con cô, chú, bác. Tất nhiên, vẫn có một số không học hành gì mà vẫn có cuộc sống tốt vì được nhờ vả bên chồng hoặc vợ. Nhưng dù sao, bản thân tôi được học hành cao hơn so với các anh chị em, nên khi cần giải quyết việc gì cũng luôn làm người khác hài lòng hơn.

Họ và tên

Đầu tư cho con cái cũng là đầu tư cho tương lai của con và tương lai của mình. Lúc trẻ, bạn có thế rất vất vả, rất khó khăn nhưng vẫn có thể chịu đựng được vì đang còn có sức khoẻ. Nhưng khi về già rồi, cuối đời không được phép sống khổ sở, vẫn phải kiếm ăn hàng ngày, vẫn phải tiếp tục lo cho con cái, “vẫn phải cảnh giác với con cái”. Không cần thiết phải làm ông này, bà nọ, làm đến chức vụ quá to mà không quan tâm đến gia đình, con cái.

Tôi suy ngẫm có một số cán bộ nhưng về già con cái, cháu chắt, dâu rể nó phá, … khổ vô cùng, đang có quyền lực, địa vị danh vọng mà tụt xuống dưới đất thì khổ vô cùng, khổ hơn nhưng người bình thường khác. Dù chưa làm được gì nhiều, nhưng bố mẹ đã có cuộc sống ổn do con cái hiếu thảo chu cấp và tôi tin bố mẹ rất tự hào về các con, cháu đã trưởng thành, sống có hiếu với bố mẹ, biết cư xử và sống có trước có sau, có trên, có dưới và cân bằng mọi mối quan hệ.

Dang Xuan Hue

Tôi rất nản chuyện các ông bố bà mẹ cứ bảo con gái “học ít rồi đi kiếm chồng giàu cho nó nuôi”. Trên đời không ai cho không ai cái gì cả. Thứ hai là nhiều người cứ nói về ông chủ này, tỷ phú kia kia bỏ học làm giàu. Nhưng họ, tuyệt nhiên không nhắc đến chuyện những người đó bỏ học không phải vì trình độ kém, mà là vì bản thân họ đã vượt trên tầm đại học rồi.

Họ đã đi trước và đi theo một lĩnh vực mới và thấy các môn học ở trường không phục vụ cho mục tiêu của bản thân nên mới không muốn phí thời gian. Các bạn trẻ bây giờ cứ lấy lập luận họ bỏ học rồi và tự gán cho bản thân để nuông chiều thói lười biếng. Những người giàu bỏ học vì họ phải làm việc và nghiên cứu trên 15, 16 tiếng mỗi ngày nên không còn thời gian đến trường nữa.

Kim

Lê Phạm tổng hợp

>> Bạn nghĩ sao về tư tưởng bỏ học làm giàu? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *