‘Lịch sử không phải môn học thuộc lòng’

Nếu coi Lịch sử là môn học thuộc lòng thì bạn sẽ mãi mãi không bao giờ thích và giỏi Sử được.

Ngày 12/3, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công bố Lịch sử là môn thi thứ tư trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập. Trước những ý kiến than phiền về độ khó của môn học này, nhiều độc giả VnExpress nhấn mạnh phương pháp tốt nhất để học Lịch sử:

Lịch sử là môn “khó” nhất và cũng là môn “dễ” nhất. Khó vì học sinh phải học thuộc quá nhiều, còn dễ vì nếu không may lại phải tiếp tục học online thì đây hoàn toàn có thể là môn tự học, không cần giáo viên giảng bài sát sao như các môn tự nhiên. Học sinh chỉ cần ônt tập theo đề cương, nắm ý chính là có thể tự học được. Em nào có tư duy thì đây là môn dễ dàng có 6, 7 điểm trở lên mà không cần ôn luyện nhiều.

Hoàng Dũng

Bạn có thể là “giỏi” học thuộc lòng nhưng để tư duy thì chưa hẳn. Nếu coi Lịch sử như một môn học thuộc lòng thì bạn sẽ mãi mãi không bao giờ thích Sử và giỏi Sử được. Hãy thử học sử bằng cả sách, các bài văn, bài thơ, các chuyến đi thực tế. Bản thân tôi coi học Lịch sử là một niềm đam mê. Phải tường sử của ta thì các bạn mới thấy nước Việt hào hùng ra sao? Nước ta cũng có đủ các anh hùng hào kiệt mà cả thế giới đều ngưỡng mộ.

Văn Linh Đàm

Năm cấp hai, tôi học thuộc lòng Lịch sử như con vẹt. Lên cấp ba, tôi không học như vậy nữa, chỉ phân tích các trận đánh, không cần nhớ quá rõ ngày tháng, chỉ cần nhớ nhất là năm. Cuối khóa, tôi vẫn đạt 6,5 bình thường mà không cần phải học vẹt nữa. Lý do là bởi Lịch sử chỉ có một, không thay đổi, bạn học một lần là nhớ cả đời. Thầy hay gọi tôi lên bảng để phân tích trận Điện Biên Phủ hay Ấp Bắc mà trong đầu không hề thuộc làu như các bạn. Tôi thích môn tự nhiên, nhưng Văn và Sử là hai môn tôi thích phân tích hơn là học thuộc lòng.

Phuhai

Tôi từng học chuyên Sử, đi thi quốc gia, nhưng bây giờ nếu ai hỏi sự kiện đó xảy ra ngày mấy, tháng mấy, chưa chắc tôi đã nhớ hết, cùng lắm là những sự kiện quan trọng. Nhưng quan trọng là việc học Sử không phải là nhớ hết ngày, tháng, năm, mà là những gì từng xảy ra trong quá khứ, để qua đó rút ra bài học kinh nghiệm, để biết những gì từng xảy ra để có được ngày hôm nay. Học như vậy, ta sẽ trân trọng và tự hào về Lịch sử.

Garbage Doll

>> Con tôi ‘đánh vật’ với hai trang đề cương thi học kỳ môn Sử

Ngày xưa đi học, tôi cũng học Sử rất nhẹ nhàng. Đến giờ, đã hơn 20 năm, tôi vẫn nhớ rất nhiều mốc sự kiện quan trọng, thỉnh thoảng lại lấy ra đố con cháu. Có lẽ nguyên nhân là cô giáo dạy Sử của tôi rất nghiêm khắc, luôn yêu cầu phải hệ thống sau mỗi bài học: sự kiện gì, khi nào, liên quan đến ai, ở đâu, tại sao, có ảnh hưởng thế nào, liên quan gì đến những sự kiện trước và sau đó…? Nhờ đó mà việc nhớ các con số với tôi khá dễ dàng vì các sự kiện liên quan với nhau. Cô cũng chỉ cách ghi nhớ một số con số đặc biệt để đến giờ tôi cũng không quên được. Ngoài ra, các hoạt cảnh liên quan đến bài học cũng giúp học sinh nhớ nhiều hơn. Nếu yêu Sử, bạn sẽ có nhiều cách học rất nhẹ nhàng. Mấy chục năm nay, vì công việc nên tôi ít có thời gian xem Sử, kiến thức còn có phần lớn là từ thời đi học.

Phương Nam

Không hiểu sao hồi phổ thông tôi rất ghét Lịch sử, nhưng giờ lại rất thích đọc Sử, thậm chí đọc say mê rồi nghiền ngẫm, phân tích, liên hệ bản thân. Từ đó, chứng tỏ cách dạy của phổ thông môn này có vấn đề, không tạo được được sức hút và khiến học sinh chán ghét nó. Bộ giáo dục nên có nhiều sáng kiến hơn về cách dạy môn Lịch sử.

Bùi Thế Đô

Cách học Sử hiện nay chỉ là học thuộc lòng. Nhưng cái hay của Lịch sử là cho chúng ta hiểu biết về nguồn gốc, về sự phát triển, để từ đó có những bài học rút ra cho tương lai. Nếu được dạy và đánh giá đúng cách, môn học Lịch sử sẽ là một môn khoa học chứ không phải một môn thuộc lòng, và chắc chắn sẽ là một trong những môn được học sinh yêu thích nhất.

Ngặt Văn Nghẽo

Lê Phạm tổng hợp

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *