Sống thanh thản khi xác định vào viện dưỡng lão

Hai thế hệ khác nhau, sẽ có nhiều thứ khiến cả hai đều khó chịu khi ở cùng, vậy sao cứ phải o ép, nặng nề chữ ‘hiếu’ làm gì?

Phản đối định kiến ‘bất hiếu khi đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão‘, đứng trên phương diện một người cha, độc giả Van Hien Vu nêu quan điểm: “Vợ chồng tôi năm nay đã ngoài 70 tuổi, các con cũng đã lớn tuổi cả, đứa cháu nhỏ nhất cũng hơn 10 tuổi rồi, mọi thứ đều bình thường. Chúng tôi có nhà, có lương hưu đủ sống, con cháu rất quan tâm và yêu quý ông? Tôi cho rằng, ở thế nào bản thân thấy hợp thì cứ tìm cách thực hiện trên cơ sở cái mình hiện có, nếu thêm hỗ trợ của con cái thì càng tốt.

Hiện, vợ chồng chúng tôi còn lo được cho nhau nên vẫn ở nhà riêng, tiêu tiền của mình, không phải phiền đến con cháu. Tôi quan niệm giúp được cho con cháu thì vẫn làm. Tôi nghĩ, khi còn lo cho bản thân được thì chúng tôi sẽ còn sống như vậy, lên dần kế hoạch khi sức khỏe yếu đi, không tự lo cho mình được nữa, hoặc chỉ còn một người thì sẽ chọn phương án: bán hết tài sản có được, cùng với lương hưu để tìm một viện dưỡng lão kha khá rồi vào đó ở.

Người già có người ở cạnh thấy vui hơn, yên tâm hơn, lại có người chăm sóc cho nữa thì không gì bằng. Khi đó, con cháu tôi có thể yên tâm học hành, làm việc, thỉnh thoảng đến thăm ông bà là tốt rồi. Kế hoạch là vậy và tôi thấy thanh thản. Khi già rồi, hãy tìm một phương án sống phù hợp với mình, không phiền con cháu là hạnh phúc nhất, còn gì phải so đo tính toán nhiều, hãy để mỗi ngày sống là một ngày thanh thản, ít suy nghĩ, năng luyện tập… vì chúng ta còn sống được bao nhiêu nữa đâu mà lo?”.

Đồng quan điểm về việc an dưỡng tuổi già mà không làm phiền đến con cháu, bạn đọc Nguyễn Đức Dũng chia sẻ: “Tôi đã ngoài tứ tuần, có ba người con trai, đứa lớn đang học cấp ba, đứa nhỏ đang học mẫu giáo. Tôi chẳng ngại ngần mà nói với các con rằng: “Bố mẹ sinh các con ra là do ý muốn của bố mẹ. Vì vậy, bố mẹ sẽ sẽ có trách nhiệm nuôi dưỡng, giáo dục các con cho đến khi các con đủ 18 tuổi. Sau đó, bố mẹ sẽ không còn trách nhiệm với các con nữa.

Các con cần chuẩn bị để tự lo cho bản thân mình, kể cả việc học đại học. Bố mẹ có thể tài trợ cho con đi học bóng rổ, đàn, tiếng Anh, pha chế… trước khi các con 18 tuổi. Sau đó, các con có thể dùng kiến thức, kỹ năng mà mình có để tự lo cho bản thân mình. Nếu thiếu, bố mẹ có thể cho các con vay không tính lãi trong thời gian con đi học, và sẽ tính lãi bằng lãi suất đầu vào của ngân hàng sau khi con tốt nghiệp đại học. Sau này, các con cũng không cần có trách nhiệm phụng dưỡng bố mẹ. Các con hãy lo tốt cho gia đình nhỏ của mình. Nếu có thể sắp xếp thời gian, hãy về thăm bố mẹ nhiều nhất có thể, vậy là bố mẹ đã rất vui lòng rồi”.

Tôi cứ xác định rõ như vậy nên thấy nhẹ nhàng. Mỗi thời đại mỗi khác. Ngay như bản thân tôi, do nhiều yếu tố nên tôi cũng không sống cùng cha mẹ, nhưng bố mẹ tôi cũng chưa bao giờ phiền trách tôi điều gì (về chữ “hiếu”). Hiện tại, tôi vẫn hoàn toàn lo cho bố mẹ mình đầy đủ về tài chính, về thăm bố mẹ mỗi tháng một lần dù ở xa cả ngàn km. Hai thế hệ khác nhau, sẽ có nhiều thứ khiến cả hai đều khó chịu khi ở cùng, vậy thì sao cứ phải o ép làm gì?”.

>> ‘Buông tha’ con cái để tận hưởng tuổi già

Trong khi đó, độc giả Nang Saigon lại nhấn mạnh quan điểm “sinh con ra không phải để chúng phụng dưỡng mình lúc về già”: “Mai này, con cái lớn, sau khi nuôi chúng ăn học nên người, tôi sẽ không để gì lại cho con. Thay vào đó, tôi sẽ lấy số tiền này để hai vợ chồng cùng nhau đi du lịch, tận hưởng tuổi già, kể cả khi phải vào viện dưỡng lão cùng nhau. Hãy để con cái tự do làm những điều chúng thích, tôi sẽ không bó buộc chúng phải sống với mình để chăm sóc, phụng dưỡng. Với tôi, bố mẹ quyết định sinh con ra là phải có trách nhiệm nuôi dưỡng chúng nên người. Nên tôi không bao giờ có suy nghĩ bắt con phải phụng dưỡng mình sau này.

Thời buổi bây giờ là thế giới phẳng, con cái đi du học, phát triển sự nghiệp ở nước này, nước kia, hãy để cho chúng được tự do chứ đừng tạo thêm áp lực. Chuyện người này muốn vào viện dưỡng lão hay muốn sống thế nào là lựa chọn cá nhân. Tôi sống một thời gian ở nước ngoài nên thấy chuyện ở viện dưỡng lão là rất bình thường, thậm chí ở đó còn có người đủ chuyên môn và bạn bè đồng trang lứa. Già cả, sống được bao lâu mà áp đặt con cháu”.

Nhấn mạnh hạnh phúc của tuổi già là không làm phiền con cháu, bạn đọc Cát Bi nhận định: “Phải có nhiều tiền mới được vào viện dưỡng lão, được người ta chăm lo sức khỏe, ăn uống bổ dưỡng, điều hòa mát lạnh… Không có tiền, bạn đừng có mơ vào đó. Muốn vậy, bạn phải chăm chỉ tích lũy, lên kế hoạch từ trẻ. Còn không có tiền thì cả nhà chỉ có nước ôm nhau mà mơ về chữ ‘hiếu’. Thử hình dung, khi về già, cha mẹ được ở phòng đẹp, có nhân viên cơm bưng nước rót, massage, thuốc men đầy đủ, thăm khám định kỳ, xem văn nghệ, đàn ca cùng bạn già… vậy có tốt hơn ở với con cháu mà vạ vật không ai chăm nom không?

Nói thật, nếu bố mẹ được ở nơi nào tốt như đi nghỉ dưỡng thì chẳng còn gì hơn. Thương con cháu thật lòng chính là không để chúng vất vả hầu hạ mình. Muốn vậy, bạn phải ‘cày cuốc’ từ trẻ, kiếm tiền để tích lũy. Còn nếu ai không muốn xa con thì hãy dùng tiền đó thuê dịch vụ tận nhà. Đồng tiền được sử dụng đúng mục đích sẽ có tác dụng vô cùng lớn, giúp con cháu nhẹ nhàng hơn, để chúng tập chung làm ăn, lo cuộc sống riêng. Như vậy, tất cả sẽ hạnh phúc hơn, đoàn kết hơn, tình cảm gia đình càng thêm thắm thiết”.

Thành Lê tổng hợp

>> Bạn nghĩ sao về việc con cái gửi cha mẹ già vào viện dưỡng lão? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *