Bà nội sống khổ, chết linh đình

Nhiều cha mẹ Việt rơi vào cảnh bị bỏ bê lúc già yếu, khi mất đi thì con cái biến thành những “cụ cố Hồng”.

Trong tác phẩm Hạnh phúc của một tang gia của nhà văn Vũ Trọng Phụng, nhân vật cụ cố Hồng có một sở thích quán đản. Ngoài năm mươi nhưng muốn người khác gọi bằng cụ cố và ông lại có một suy nghĩ quái dị không kém.

Ông ta sung sướng đến ngây ngất vì nhờ có cái chết thật của cha mình mà được mọi người chú ý, vui vì được diễn trò già yếu trước mọi người. Rồi ông ấy mơ màng nghĩ mình được mặc áo xô gai, lụ khụ ho khạc mếu máo để người ta nghĩ “úi kìa con giai nhớn đã già thế kia kìa”.

Tác phẩm này được Vũ Trọng Phụng viết năm 1936. Gần một thế kỷ sau, tôi thấy trên đời vẫn còn nhiều “cụ cố Hồng”.

>> Trẻ nuôi con, già trông cháu – nỗi khổ của nhiều người già

Bởi có một nghịch lý xảy ra ở nhiều gia đình Việt: Đó là khi cha mẹ còn sống, thì xem đó là một gánh nặng, bỏ bê không quan tâm chăm sóc. Khi cha mẹ mất, thì bày trò khóc lóc, làm tang ma thật to. Khi giỗ chạp thì làm linh đình. Để ai cũng biết mình là hiếu tử.

Ông bà nội tôi có ba người con, cha tôi là con đầu, sau có em gái và em trai út. Ông nội tôi mất đã lâu, bà nội tôi thì vừa mới mất năm rồi. Cha tôi đi làm ăn và lập gia đình ở xa. Nhà cửa, ruộng vườn đều rơi vào tay chú thím tôi. Bà nội tôi có hàng chục năm trời sống tuổi già cô quạnh và khổ sở khi ở với chú thím.

Mỗi lần gia đình tôi về quê thăm bà, hàng xóm ai cũng “tố cáo” chú thím tôi thờ ơ, không quan tâm bà nội tôi. Dù cha mẹ tôi rất muốn đón bà về nhà để chăm sóc nhưng đành bất lực. Lý do thứ nhất là bà tuổi cao, đi lại không tiện. Thứ hai là bà chỉ muốn ra đi trong chính ngôi nhà của mình. Thứ ba là dù đi lại thuận tiện và bà bằng lòng đi nhưng chú thím tôi sẽ nói không. Vì chú thím tôi là những ông cụ, bà cụ Hồng thời hiện đại.

Chú và thím tôi đi làm ăn, xã giao nhiều, quan hệ rộng, nên rất mong chờ cái đám tang của bà tôi để lấy tiền phúng điếu. Thật đau lòng. Con của chú thím thì học trên Sài Gòn. Chú ở nhà thì trông hàng tạp hóa, thím thì đi buôn chuyện, không ở nhà. Vậy là họ bỏ mặc bà tôi ở nhà một mình thường xuyên. Cơm không đúng giờ, nước không đúng chỗ. Có lần về thăm, bà nắm tay tôi và nói: “Nhiều lúc thèm uống nước dừa lắm, nhưng không dám biểu tụi nó đi mua”.

Rồi bà tôi cũng về trời. Đúng như điều mà ai cũng đoán. Chú thím tôi nức nở, khóc lóc gào thét ngay từ lúc còn chưa làm lễ nhập quan cho bà. Người ngoài, ở xa đến viếng, chắc tưởng họ ngày thường chăm sóc chu đáo nên nay quá xót thương trước sự ra đi của bà. Đám tang bà tôi tổ chức to, nhạc lễ đầy đủ. Cúng heo quay và những món ăn mà sinh thời bà tôi chưa được ăn rất linh đình. Sau đám tang, tổng kết lại tiền phúng điếu hơn trăm triệu đồng. Nghiễm nhiên tiền đó để xây mộ phần cho bà hết vài chục triệu, số còn lại vào tay chú thím tôi.

>> ‘Đừng nghĩ đẻ nhiều để sau này con cái nuôi mình’

Tôi biết là nhiều người già Việt cũng giống hoàn cảnh bà nội tôi. Khi sống thì con cái bỏ mặc, không chăm sóc. Khi chết rồi thì cúng thịt cá ê hề, chỉ đợi tàn nhang rồi dọn xuống ăn.

Người Việt có thói quen không ăn sinh nhật. Mọi thứ chỉ quan trọng khi đám giỗ. Hồi xưa có mấy ai ăn sinh nhật? Rõ ràng là ngày sinh nhật không quan trọng. Có lẽ do ngày xưa đẻ nhiều, lịch pháp chưa có, nên không tiện tra cứu chăng?

Tôi nghĩ, vấn đề cần thay đổi ở đây là cố gắng phụng dưỡng cha mẹ khi còn sống. Khi cha mẹ mất rồi thì làm tang lễ đơn giản. Như một phút mặc niệm về người đã qua đời. Tang lễ là dịp tưởng nhớ người đã khuất, chứ chẳng phải là cơ hội để người sống tức con cháu bày vẽ, phô trương và “kiếm chác”.

Hoài Thương

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *