‘Mài móng vuốt để không ngậm thìa đất’

Cuộc sống của mỗi người là một cuộc đấu tranh để tiến lên không chỉ vì bản thân mà còn vì con, cháu.

Có người hỏi: “Bạn tin vào định mệnh chứ? Bạn có hiểu tại sao có người trúng số có người thì không không? Khi bạn làm việc trong lĩnh vực liên quan đến sinh mạng, bạn sẽ cảm thấy tài năng cũng là sự may mắn khi mình có được”.

Câu trả lời của tôi là không. Mọi sự vật, hiện tượng đều là một quá trình chọn lọc, đào thải của tự nhiên, đó là sự sắp xếp, kế thừa từ nhiều thế hệ. Hôm nay tôi đề cập tới tại sao có người “ngậm thìa vàng”, có người lại “ngậm thìa đất”.

Tất cả chỉ nằm ở khả năng “móng vuốt” của bạn và đồng đội (tổ tiên, xã hội) của bạn. Từ khi sinh ra thì loài người hay bất kì sinh vật nào đều có nhu cầu sở hữu những bản năng sống cơ bản nhất. Bản năng sống cơ bản nhất của chúng ta chính là phải tự phục vụ lấy cái ăn và các nhu cầu cơ bản như ngủ, nghỉ,… gọi chung là các hoạt động sinh học.

Ban đầu khi nguồn tài nguyên còn rồi rào, phong phú và có sẵn trong tự nhiên thì mức độ tranh giành, đấu tranh vẫn còn đơn giản chủ yếu là giữa các sinh vật đơn lẻ với nhau, giữa các giống loài khác nhau với nhau. Nhưng khi hình thành được các tổ chức liên kết xã hội mang tính bầy đàn thì cuộc chiến lại diễn ra ngày càng ác liệt hơn, quy mô lớn hơn.

Các hình thức tổ chức xã hội từ bầy đàn nguyên thủy, tới các thị tộc, bộ lạc tới các hình thức xã hội hiện đại vẫn chỉ là nhằm một mục đích là tập hợp lực lưỡng cho cuộc chiến tranh giành tư liệu sản xuất, bảo về các lợi ích của tập thể mà họ thuộc về.

Các công cụ chiến tranh, tranh giành cũng không chỉ đơn giản là những gì sẵn có trong tiến hóa của cơ thể sinh học như “móng vuốt, hàm răng” mà còn xa hơn là khả năng thích nghi và biến cơ thể thành chiến binh thực sự để đảm bảo lợi ích cạnh tranh lớn nhất.

Loài người với sự tiến hóa mạnh mẽ đã tạo ra cơ thể sinh học có sức chụi đựng tốt nhất trong cuộc chơi cạnh tranh giữa các giống loài ấy. Đa số các loài vật chỉ hoạt động cường độ cao trong một thời gian ngắn thì sẽ mệt mỏi, rễu rạ, nhưng loài người thì không. Với tuyến mồ hôi và khả năng điều hòa tốt đã làm cơ thể con người có thể di chuyển, chạy, và các hoạt động săn bắt khác trong thời gian rất dài mà cơ thể ít khi bị nóng lên, điều này làm cho con người trở thành loài vô địch trong tiến hóa trở thành chiến binh.

Đặc biệt là việc phát minh ra lửa đã làm thay đổi toàn bộ cuộc chơi tiến hóa. Con người không chỉ điều hòa làm mát cơ thể mà còn có khả năng sưởi ấm nhờ lửa, nấu ăn từ lửa đã giảm quá trình tiêu hao năng lượng khổng lồ với việc tiêu thụ thức ăn sống. Từ đây thức ăn được nấu chín làm tiết kiệm năng lượng tiêu hóa làm dư năng lượng để con người có thể mơ mộng, sáng tạo với nhiều loại công cụ lao động, chiến đấu khác nhau.

Con người không chỉ di chuyển trên chính đôi chân của mình trong cuộc chơi tiến hóa mà còn đi xa hơn khi phát minh thành công “bánh xe”. Bánh xe và hình thức cải tiến của nó là “bánh răng cưa” đã làm loài người bắt đầu đi vào hình thức tự động hóa các công cụ sản xuất, di chuyển… tạo lợi thế rất lớn cho loài người trong việc tranh giành tư liệu sản xuất khi quá trình tự động hóa đã phát minh ra nhiều loại vũ khí tự động mang tính sát thương hàng loạt như máy bắn đá, sa chiến, nỏ liên châu, súng ống, bom đạn, vũ khí hạt nhân.

Không chỉ là cạnh tranh giữa các giống loài mà trong cùng một giống loài, trong cùng một xã hội thì đều có sự phân cực, đấu tranh để giành lấy quyền ảnh hưởng, quyển sở hữu cao nhất có thể của các cá nhân lên hệ thống tư liệu sản xuất và phương thức sản xuất.

Hãy nhìn vào đàn sói, con sói đầu đàn có quyền cao nhất trong việc phân chia thành quả của cuộc săn. Sói đầu đàn được ăn trước, được chọn phần ngon. Rồi tiếp theo là các con sói có địa vị cao trong bầy đàn, rồi tới những con sói có địa vị thấp. Hầu hết các con sói có địa vị thấp thường chỉ được ăn xương và da thừa còn lại. Chúng đã yếu thì càng ngày càng yếu kém hơn vì thức ăn khá khan hiếm, và thiếu chất dinh dưỡng.

Nhưng những con sói địa vị thấp này không thể rời đàn, không thể sống độc lập được vì chúng có ngu cơ chết đói rất cao. Chúng phụ thuộc các lợi ích liên quan mà chỉ khi ở trong bầy đàn chúng mới có thể có miếng ăn, rời đàn đồng nghĩa gần như nắm chắc cái chết từ cơn đói.

Xã hội loài người cũng tương tự đàn sói kia. Trong đó những cá nhân có địa vị cao là những cá nhân có quyền rất lớn với tư liệu sản xuất, có sở hữu nhiều tư liệu sản xuất của xã hội, được giáo dục để sở hữu các phương thức sản xuất hiệu quả, hiện đại gọi là tập hợp những người “ngậm thìa vàng”.

Ngược lại những người không có nhiều tư liệu sản xuất, hoắc có nhiều nhưng không thể sử dụng, khai thác hiệu quả do phương thức sản xuất lạc hậu gọi là những người “ngậm thìa đất”.

Từ đây cũng xuất hiện nhiều mâu thuẫn xã hội, mà phần lớn các mâu thuẫn của xã hội loài người đều xoay quanh vấn đề sở hữu tư liệu sản xuất và phương thức sản xuất. Các bất đồng, mâu thuẫn ngày càng gia tăng và áp lực ngày càng lớn. Nhóm người sở hữu nhiều tư liệu sản xuất thì tìm mọi cách để bảo vệ quyền sở hữu của mình, ngược lại nhóm người sở hữu ít tư liệu sản xuất lại mong muốn được giành lấy quyền sở hữu về tư liệu sản xuất.

Khi mâu thuẫn đạt đỉnh mà không thể giải quyết bằng các hình thức bình thường thì đó là thời kì bùng nổ của chiến tranh. Chiến tranh là một biểu hiện cao nhất của việc tranh giành tư liệu sản xuất và phương thức sản xuất của xã hội loài người dù là bắt nguồn từ lí do gì thì động cơ bên trong luôn là mâu thuẫn về quyền sở hữu tư liệu sản xuất.

Ngoài chiến tranh còn có các hình thức tranh chấp khác như mua đi, bán lại quyền sở hữu tư liệu sản xuất mà chủ yếu là “đất đai”. Những kẻ yếu thế thì luôn muốn hưởng thụ nên cứ gia sức bán đi để hưởng thụ và con cháu họ sẽ tuân theo mệnh “đời cha ăn mặn đời con khát nước”, còn những kẻ thông minh, nhiều tiền, lắm mưu mẹo thì gia sức thâu tóm càng nhiều tư liệu sản xuất càng tốt thông qua các hình thức mua bán, thôn tính, thậm chí chiến tranh.

Trong các cuộc tranh chấp tư liệu sản xuất ấy thì phổ biến nhất chính là cạnh tranh tư liệu sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra còn cạnh tranh tư liệu sản xuất công nghiệp, dịch vụ, không gian số, mặt nước, bầu trời… Nhưng gay gắt và quan trọng nhất luôn là cạnh tranh tư liệu sản xuất nông nghiệp bên cạnh các đồng bằng, châu thổ lưu vực sông.

Xã hội loài người và các nền văn minh chủ yếu xuất hiện đông đảo và thịnh vượng cực lớn bên cạnh các dòng sông. Sông không chỉ cung cấp đất đai, nước tưới cho nông nghiệp mà còn giao thương, di chuyển trên mặt nước rất nhộn nhịp.

Xã hội nào sở hữu các con sông rộng lớn xã hội ấy có sự giàu có khi hội tụ đủ tư liệu sản xuất và phương thức sản xuất. Với dòng sông Mississippi đã làm cho nền kinh tế hai bên bờ sông của Mỹ quốc đạt thịnh và thành quả ấy đã làm nên một cường quốc kinh tế, quân sự rất hùng hậu cho tới hiện tại.

Con sông Trường Giang là con sông lớn thứ 3 thế giới, là con sông lớn nhất châu Á chính là khởi nguồn cho nền văn minh của một đất nước tỉ dân mang tên Trung Quốc. Việc kiểm soát hoàn toàn con sông từ đầu nguồn tới hạ nguồn đã làm cho nền văn minh Trung Quốc đạt tới cực thịnh vào nhiều thời kỳ từ quá khứ tới hiện tại.

Nền văn minh của Đông Nam Á chủ yếu xoay quanh con sông Mê Kông (Lan Thương) khởi nguồn từ Tây Tạng. Việc không nước nào làm chủ được con sông này đã làm cho các nước này bị phụ thuộc lẫn nhau đặc biệt phụ thuộc vào nước đầu nguồn là Trung Quốc. Việc nắm được đầu nguồn của sông Mê Kông đã khiến Trung Quốc có tầm ảnh hưởng rất lớn với các nước Đông Nam Á.

Ở Châu Phi con sông Nile (con sông dài nhất thế giới) đóng vai trò quan trọng trong việc phân chia tư liệu sản xuất nông nghiệp ở châu Phi, cũng là khởi nguồn của các bất ổn khi mà không một quốc gia nào sở hữu được nó hoàn toàn. Sông Amazon là con sông đóng vài trò cho mọi tư liệu sản xuất nông nghiệp ở Mỹ La Tinh cũng là khởi nguồn của các nền văn minh này cũng là khởi nguồn cho mọi tranh chấp về tư liệu sản xuất nông nghiệp.

Tôi phân tích như vậy để bạn thấy rằng con người hay bất kì sinh vật nào sinh ra đều đã làm những ‘chiến binh’ trong việc tranh giành quyền sống, quyền sở hữu cả về tư liệu sản xuất lẫn phương thức sản xuất.

Do đó phần thưởng, địa vị chỉ rơi vào tay kẻ chiến thắng, chiến binh mạnh mẽ nhất. Những người yếu đuối sẽ bị loại bỏ dần theo thời gian. Do đó để tránh nguy cơ bị loại bỏ khỏi cuộc chơi hãy chăm chỉ “mài móng vuốt” của mình. “Bạn không có quyền chọn nơi mình sinh ra nhưng chắc chắn bạn có quyền chọn cách mình trưởng thành”.

Và hãy nhớ đừng bao giờ mắc mưu người khác hay hành động mà không suy nghĩ, mọi sai lầm sẽ không chỉ bạn mà nhiều thế hệ con cháu bạn sẽ phải gánh lấy. Địa vị xã hội sẽ luôn tồn tại trong xã hội loài người đến khi nào chúng ta còn sống, còn tranh giành. Mà địa vị ấy phụ thuộc vào “móng vuốt” của bạn và “đồng đội”, không phụ thuộc vào các thế lực siêu nhiên vô hình nào đó ban tặng cho bạn đâu, vì ngay cả họ cũng phải tranh giành phần cho mình trước đã.

Thánh Tuệ

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *