Đẩy gánh nặng tương lai lên vai con một

Chỉ đẻ một con để hưởng thụ cuộc sống tiện nghi của hiện tại chính là đang chất hết lên vai con gánh nặng của tương lai.

Em họ tôi là con một trong gia đình. Khi bác tôi bệnh nặng, phải vào viện điều trị dài ngày, gia đình em tôi phải cắt cử người thay nhau chăm sóc bác trong viện vì nhà neo người. Vậy là hằng ngày, bác gái phải vào viện ở cả ngày để tiện chăm sóc. Còn em tôi ban ngày đi làm, chiều về lại lóc cóc vào viện thay mẹ chăm bố qua đêm. Thời gian đầu, mọi chuyện vẫn ổn do mọi người còn sung sức. Nhưng thời gian trôi qua, chỉ sau một tuần, ai nấy đều rệu rã, mệt mỏi. Trong khi bệnh tình của bác không phải điều trị ngày một ngày hai là xong. Em tôi nói “không biết cả nhà trụ được đến bao giờ?”.

Tôi từng rất ghen tỵ với em khi còn nhỏ vì em luôn được mặc quần áo mới, đồ chơi đẹp, luôn được học trường chất lượng, được học thêm năng khiếu, trong khi tôi luôn phải mặc đồ của anh, học sách của anh chị để lại. Tôi từng ước rằng mình cũng là con một để được những gì tốt đẹp nhất như em. Thế nhưng giờ tôi mới thấy thấm thía những nỗi khổ của con một. Cuộc sống vốn chẳng đẹp như mơ.

Đó là thực tế của những gia đình con một. Nhiều người nghĩ rằng, sinh một con sẽ giúp cha mẹ có điều kiện tốt nhất để lo cho con. Do đứa bé không phải san sẻ tình thương và vật chất nên có thể được hưởng trọn vẹn những gì tinh túy nhất của cha mẹ. Thế nhưng đó chỉ là những lúc còn trẻ, khỏe. Khi thời gian trôi đi, biến cố ập tới, những mặt trái của các thế hệ con một sẽ dần lộ diện. Và người gánh hậu quả lại chính là đứa con ấy.

Hai vợ chồng chăm một con nhỏ thì dễ, nhưng một con phải chăm hai cha mẹ già lại hoàn toàn không đơn giản. Chưa kể đứa con ấy còn có gia đình riêng, có vợ chồng, con cái phải chăm sóc. Khi ấy, gánh nặng đè lên vai người con một là vô cùng lớn.

>> ‘Khủng hoảng’ con một

Trung Quốc từng áp dụng chính sách một con, và họ đã ít nhiều đạt được thành quả phát triển như ngày hôm nay. Tuy nhiên, mặt trái của chính sách này cũng ngày một lộ rõ. Thế hệ con một này được cha mẹ họ dồn hết yêu thương, tiền bạc để cho học hành đến nơi đến chốn. Nhưng giờ, khi cha mẹ họ già yếu, bệnh tật, họ lại phải vừa chăm sóc cha mẹ, vừa đi làm, gánh vác tất cả áp lực đó một mình, mà không có ai chia sẻ.

Gia đình tôi không phải quá giàu, hai vợ chồng chỉ làm công ăn lương, đủ chi tiêu sinh hoạt phí và có khoản để dành. Chúng tôi đang có một bé gái ba tuổi và đang dự định sinh thêm con trong năm nay. Không phải vì chúng tôi ham con trai. Với tôi, sinh thêm con trai hay con gái cũng quan trọng. Dù biết có thêm con, quyền lợi của đứa đầu sẽ phải chia sẻ cho em, điều kiện chăm sóc con của chúng tôi cũng không thể được như trước, nhưng tôi không muốn con mình phải gánh vác hết trách nhiệm khi cha mẹ già yếu. Có anh, có em dù sao cũng hơn chỉ có một mình.

Tất nhiên, sẽ có người phản biện rằng tại sao không sinh một con và dành tiền tự lo cho bản thân khi về già, khỏi làm phiền, làm gánh nặng cho con cái? Tuy nhiên, tôi cho rằng, văn hóa của người Việt không cho phép chúng ta làm điều đấy dễ dàng như ở các nước phương Tây. Một đứa con có hiếu sẽ luôn tìm cách chăm sóc cha mẹ (có thế sống cùng hoặc gửi cha mẹ vào viện dưỡng lão). Nhưng dù thế nào đi nữa, muốn làm được điều đó, chúng phải có tiền, mà kiếm tiền là một gánh nặng. Tôi không muốn con mình bị mang tiếng “bất hiếu” chỉ vì là con một.

Vậy nên, nói cho cùng, chỉ trừ khi sức khỏe của bạn không cho phép, hoặc điều kiện kinh tế quá hạn hẹp, không thể nuôi đủ hai con, còn không hãy đừng chỉ đẻ một con. Thêm một người san sẻ, gánh nặng và trách nhiệm của con sẽ giảm đi một nửa. Chỉ đẻ một con để hưởng thụ cuộc sống tiện nghi của hiện tại, xét một cách nào đó, chính là đang chất lên vai con gánh nặng của tương lai. Tôi mong tất cả chúng ta hãy cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định tạo ra một thế hệ con một.

Hảo Hảo

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *