Con cái không được xem tài sản của cha mẹ là ‘bầu sữa’

Nhiều người xem tài sản của cha mẹ là “bầu sữa”, cứ đói là sẽ được “bơm no”.

Tôi năm nay 35 tuổi, là thế hệ thứ 3 trong gia đình phía nội gồm gần 15 cô, chú, bác và ông bà đến nay ngoài 90 tuổi. Chứng kiến và quan sát cũng tương đối nhiều hoàn cảnh gia đình thế hệ trước có những xung đột quanh việc ứng xử với tài sản thừa kế, khiến tôi không khỏi những bâng khuâng. Từ đó thôi thúc tôi lặng lẽ tìm hiểu lý do của những mâu thuẫn trên.

Người Việt Nam ta mới thoát khỏi khó khăn về mặt kinh tế hơn 20 năm nay. Bậc cha mẹ có của ăn của để và sở hữu tài sản để lại cho con cháu tất cả đều trải qua một đời gian truân vất vả. Cuộc đời họ biến thiên theo chiều dài lịch sử đi lên của nước nhà.

Trong dòng thời gian đó những tiến bộ trong việc giáo dục con cái chưa xuất hiện nhiều trong đại đa số gia đình Việt và đó là nguyên nhân dẫn đến những mâu thuẫn dai dẳng giữa cha mẹ, con cái, anh chị em trong việc kế thừa tài sản.

>> Khác biệt khi chia tài sản thừa kế ở Tây và ta

Những người con sinh ra trong giai đoạn khó khăn của đất nước thường thiếu thốn và bị san sẻ quá nhiều từ tình cảm đến cả vật chất của cha mẹ. Nhà nào cũng ít thì 5 con, nhiều như gia đình tôi gần 15 người thì thử hỏi cha mẹ nào đủ tâm sức lo lắng, quan tâm nuôi nấng cho chu toàn.

Thậm chí họ cũng được gửi cho người thân hoặc ông bà nuôi suốt thời tuổi trẻ, nên mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái với nhau không khăng khít như thế hệ tôi lúc này. Con đông ở gần đứa này, mến tay mến chân, có nhiều tình cảm hơn những đứa còn lại, nên cách cha mẹ thế hệ trước đối đãi với tất cả những người con của mình có thể nói là hơi thiên lệch.

Có gia đình cha mẹ dấm dúi, lén đưa vốn liếng cho vài đứa mà mình thương làm ăn. Những đứa còn lại nếu biết được đương nhiên “chiến tranh” nổ ra. Cha mẹ lại là những người vung tiền ra để xây lại “hòa bình”. Dần dà họ nghĩ trong đầu và mặc định rằng cha mẹ có của, nếu mình có như thế nào cha mẹ cũng sẽ giúp. Họ không cố gắng toàn tâm, tự lực tự cường vươn lên mà luôn nghĩ mình có bệ đỡ là tài sản thừa kế vì dù gì đi nữa cha mẹ cũng sẽ qua đời.

>> Những người con chịu sự bất công khi chia tài sản

Do đó tôi thấy nguyên nhân chủ yếu nhất gây ra nạn tranh giành tài sản thừa kế là do cha mẹ đã gieo vào đầu con những suy nghĩ là làm cả đời để cho con cháu, tạo cho họ một niềm tin mãnh liệt rằng mình luôn có “bầu sữa” dự trữ, cứ đói là về với cha mẹ sẽ được “bơm no”. Theo tôi đó là một triết lý nuôi con sai lầm.

Làm cha mẹ, theo quan điểm cá nhân của tôi nên san sẻ tình yêu thương và vật chất đến con một cách công bằng và rõ ràng nếu gia đình có hai con trở lên, tạo cho con động lực tinh thần tự chủ, tự vươn lên với đời. Đừng khiến chúng nó có tâm lý ỷ lại vào mình. Nếu cho con tài sản hãy lựa lúc chúng nó đủ trí lực quản lý và phát huy thì hẳn giao, đừng “di chúc” theo cảm tính.

Riêng tôi, là một người trẻ tôi quan niệm phận làm con khi đủ trưởng thành, dù nghèo khổ hay sang giàu cũng đừng mong chờ gì đến tài sản thừa kế. Cái mình tự làm ra, mình chi xài, mình mới biết quý trọng và quản lý, kiểm soát tốt. Của không phải mình làm ra dù ai cho đi chăng nữa, nó luôn là của nợ.

Lâm Long

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *