Những người gốc Á chịu đựng, đổ lỗi khi bị phân biệt chủng tộc

Khi vụ xả xúng ở Atlanta xảy ra ngày 17/2, nhiều người bạn Mỹ đã hỏi tôi có cảm thấy sợ không.

Luật sư Khanh Huỳnh, đang sống và làm việc ở Mỹ, chia sẻ bài viết:

Tôi không cảm thấy sợ gì nhiều nên đành gục gặc đầu và nói rằng chủ nghĩa phân biệt chủng tộc rất đáng lên án. Tôi chỉ cảm thấy phiền lòng khi đọc những bình luận của một số người Việt về nạn phân biệt chủng tộc. Một số người lên tiếng kiểu như “Tới nước người ta thì phải…”, “Ai bảo thế này, thế nọ…”.

Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc có mặt rất nhiều ở các nước đa chủng tộc. Các sắc dân khác nhau thừơng hay xảy ra xung đột, mặc dù chỉ là những xung đột nhỏ lẻ và thường không mang màu sắc bạo lực. Người châu Á là mục tiêu và cũng là người gây ra những hành vi này.

Nhưng khi là nạn nhân thì người gốc Á có xu hướng im lặng chịu đựng, đổ lỗi cho bản thân hay cho những người gốc Á đang phải hứng chịu sự phân biệt đó. Xu hướng này một phần là do mặc cảm “xứ người”, phần khác là tư tưởng “tha hương cầu thực” hay bám lấy người châu Á. Lắm người Việt cũng hay phản ứng bằng một câu “Quê hương là trên hết” mỗi khi nghe chuyện người châu Á bị tấn công, chửi bới vì sắc tộc.

>> Cùng tác giả: ‘Người Việt học tiếng Anh lời hơn tiếng Hoa, Hàn’

Nhiều người gốc Á còn xem nơi họ định cư là nơi đã “cưu mang” họ và vì vậy có thể bị đối xử tệ một chút cũng phải thôi. Cái đó cũng giống như tư tưởng là cha mẹ thì đánh đập con cái một chút cũng chả hề gì, hay là mình chịu ơn người thì phải chịu lụy.

Lần này, người gốc Đông Á trở thành mục tiêu vì một lý do bất ngờ: Covid-19. Trung Quốc được xem là nơi xuất phát của dịch bệnh và vì vậy người Trung Quốc bị đổ lỗi, dù là họ ở nơi nào. Người Đông Á và Đông Nam Á, vốn có ngoại hình giống người Trung Quốc, cũng trở thành mục tiêu tấn công.

Ông Trump đã bị chỉ trích khi dùng những từ như “virus Trung Quốc” khi nói về virus corona. Dù thế nào đi nữa thì tuyệt đại đa số người Trung Quốc không có lỗi trong dịch bệnh. Người dân các nước Đông Á khác lại càng không và những từ ngữ này ngầm ý chỉ trích người dân các nước này. Không lạ gì khi số cuộc tấn công nhằm vào người đông Á lại tăng cao như vậy.

>> ‘Ném bùn’ trên Facebook

Người gốc Á không nghèo hơn, không thấp kém hơn, không ít giáo dục hơn bất cứ sắc dân nào. Ở Mỹ, người gốc Á có thu nhập trung bình cao nhất và trình độ giáo dục cao nhất. Cũng không có gì lạ khi người gốc Á vốn có truyền thống khoa cử, mà ở Mỹ thì học càng cao khả năng kiếm tiền càng lớn.

Mùa hè năm 2020, các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc của người da đen diễn ra rầm rộ sau khi vài người da đen bị cảnh sát giết chóc dã man. Nhiều người Á, trong đó có người Việt, còn ra mặt chê bai người da đen các kiểu. Nay khi người châu Á trở thành mục tiêu của một vụ xả súng, người gốc Á mới “chịu” ra đường biểu tình một chút. Ông Biden và bà Harris đã vội vã tới thăm Atlanta và gặp gỡ lãnh đạo cộng đồng Á châu.

Quan điểm của ông Biden có lẽ cũng giống như nhiều chính trị gia khác ở Mỹ, đó là phải bày tỏ sự trân trọng đối với mọi sắc dân. Người gốc Á sinh sống ở nước ngoài cũng nên nghĩ tới điều này, đó là hãy trân trọng bản thân và nguồn gốc của mình. Đó là nền tảng của việc chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc.

Khanh Huỳnh

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *