Bạn ngậm ‘thìa vàng’ hay ‘thìa đất’?

Đẳng cấp ‘thìa vàng’ hay ‘thìa đất’ có phải là bí quyết thành công trong cuộc đời của bạn?

Thuật ngữ này xuất hiện năm 2015 và dần được sử dụng rộng rãi trong xã hội Hàn Quốc.

Thìa vàng ám chỉ những đứa trẻ sinh ra trong gia đình giàu có, quyền lực, được tạo điều kiện tối đa về ăn học, đời sống và có bệ phóng để phát triển sự nghiệp bản thân trong tương lai.

Thìa bạc là những đứa trẻ sinh ra trong gia đình có bố mẹ có công ăn việc làm ổn định, có thu nhập tương đối tốt, con cái được hỗ trợ tạo điều kiện học tập, được chăm sóc đầy đủ.

Thấp hơn nữa, những đứa trẻ ngậm thìa đất sinh ra trong gia đình nghèo khó, gia đình bố mẹ bất hòa, tan vỡ, thậm chí chạy ăn từng bữa, sống lang bạt, bị ngược đãi hoặc bóc lột sức lao động.

>> Con cái thành đạt không chỉ dựa vào xuất phát điểm

Điều này làm chúng ta liên tưởng đến Ấn Độ. Xã hội Ấn Độ truyền thống phân chia thành 4 đẳng cấp chính: cao nhất là Brahmin (tu sĩ, nhà tri thức), tiếp đến lần lượt là Kshastriya (chiến binh), Vaishyas (nhà buôn), Shudras (thợ thuyền, nông dân). Ngoài ra còn một tầng lớp thứ năm, không chính thức là Dalit.

Các đẳng cấp trên coi người thuộc nhóm này là “không đáng đụng tới”. Họ chỉ có thể làm những công việc “dơ bẩn” như nhặt rác, dọn dẹp vệ sinh để kiếm sống và không được phép vào đền thờ, chỉ được ở ngoài rìa của làng.

Những đứa trẻ ngậm thìa vàng rất khó để hiểu nỗi khó khăn, thiệt thòi của những đứa trẻ ngậm thìa đất trải qua. Sinh ra trong gia đình nghèo khó, đến cái ăn còn phải chạy từng bữa, những đứa trẻ đó lớn lên trong tâm lý bất an, tự ti, dù sau này cố gắng để có cuộc sống tốt hơn thì mọi người vẫn sẽ bị ám ảnh bởi quá khứ, nó giống như một vết thương khó phai trong tâm hồn.

Có những chiếc thìa đất còn không được may mắn thoát khỏi số phận đó, bố mẹ nghèo đói, những đứa trẻ không được ăn học đầy đủ, không được định hướng tương lai rồi cuộc đời chúng cũng theo một vòng lặp của bố mẹ.

Những đứa trẻ ngậm thìa vàng chưa chắc đã thành công khi trưởng thành, có rất nhiều tỷ phú xuất phát từ hai bàn tay trắng khởi nghiệp, nhưng phần đa các tỷ phú đều là những người có nền tảng gia đình và học vấn ban đầu rất tốt. Một số tỷ phú còn cho đi gần hết tài sản của mình (như tỷ phú Bill Gates, Warren Buffett, Mark Zuckerberg,…) mà không để lại nhiều tài sản cho con cái, họ muốn con mình nỗ lực phấn đấu, nhưng những đứa trẻ đó vẫn có được điều kiện sống và cơ hội phát triển bản thân hơn rất nhiều lần người bình thường.

>> Tôi sợ sinh con ra bị ‘đói cơ hội xuất phát’

Vì vậy nếu được lựa chọn, liệu có bao nhiêu người mong muốn con mình sinh ra ngậm thìa đất?

Chúng ta không có quyền chọn nơi sinh ra, nhưng chúng ta có quyền chọn cách mình sống. Giáo dục là con đường dễ nhất để thoát khỏi chiếc thìa đất đó, đồng thời tạo tiền đề tốt cho con cái sau này.

Trong xã hội Việt Nam hiện tại, phần đa chúng ta nằm ở mức thu nhập trung bình, dù bố mẹ không có nhiều tiền bạn vẫn có cơ hội được đi học và nếu cố gắng trong học tập, cơ hội mở ra rất lớn để bạn có cuộc sống tốt hơn.

Nếu không may mắn ngậm chiếc thìa đất, chúng ta phải nỗ lực gấp đôi, gấp 3 hoặc nhiều lần hơn những người bình thường. Trong suy nghĩ của mỗi người làm cha mẹ, chắc hẳn không ai muốn con mình phải khởi đầu quá nhiều gập ghềnh, trở ngại từ điểm xuất phát. Còn bạn, bạn đang nắm giữ chiếc thìa nào?

Phạm Đông Phương

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *