Khảo sát giáo viên bằng bài thi của học sinh

Một trường tuyển giáo viên bằng cách đưa đề thi THPT ngẫu nhiên cho ứng viên làm, nếu được từ 7 điểm trở lên thì qua vòng chuyên môn.

Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An vừa ban hành kế hoạch khảo sát năng lực giáo viên (GV) tiếng Anh trong các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn.

Tất cả GV tiếng Anh thuộc giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên sẽ tham gia khảo sát TOEIC (bài kiểm tra tiếng Anh giao tiếp quốc tế), trừ người có chứng chỉ quốc tế được quy đổi đạt chuẩn theo quy định của cấp học (thời gian được tính trong 5 năm kể từ thời gian ghi trên chứng chỉ), GV còn dưới 24 tháng đến tuổi nghỉ hưu (tính từ 1/3/2021).

Việc khảo sát được giao cho đơn vị có đủ năng lực và tư cách pháp lý để tổ chức thi và cấp chứng chỉ quốc tế.

Từ kết quả này, Sở sẽ tổ chức bồi dưỡng từ năm 2021 đến 2024 và tổ chức thi để lấy chứng chỉ quốc tế.

>> ‘Giáo viên tiếng Anh cần có bằng IELTS 6.5’

Bên cạnh việc giao cho đơn vị có đủ năng lực và tư cách pháp lý để khảo sát, liệu có giải pháp nào dễ triển khai mà lại có nhiều hiệu quả hơn? Để trả lời câu hỏi này thì tôi xin lấy việc tuyển dụng GV của một trường dân lập có tiếng ở Hà Nội làm câu trả lời.

Trường THPT dân lập này khi tuyển GV, hình thức rất đơn giản: đưa bài thi Tốt nghiệp THPT ngẫu nhiên cho ứng viên làm. Nếu được từ 7 trở lên thì qua vòng chuyên môn; dạy thử 70% học sinh đánh giá tốt thì qua vòng nghiệp vụ, thế là được nhận. Giải pháp này thực tế cho thấy rất hiệu quả vì vị thế của trường này ngày càng được nâng cao do chất lượng GV tốt.

Qua nhiều năm giảng dạy môn Toán ở trường THPT, bản thân tôi cũng nhận thấy rằng thực tế đúng như vậy. Nếu như người giáo viên nào làm bài thi tốt nghiệp THPT được từ 7 điểm trở lên là có khả năng dạy tốt, còn ngược lại nếu được dưới 7 điểm thì việc dạy học thường khó khăn lắm.

Với những giáo viên có bài thi đạt điểm thấp thì cần phải ôn luyện kiến thức để nâng cao trình độ. Nếu kết quả khảo sát tiếp theo mà vẫn kém thì cần phải xem xét việc có được tiếp tục đứng lớp nữa hay không? Rất vui là giải pháp này dù chưa được triển khai rộng rãi, thậm chí bị phản đối nhưng hiện nay đã có nhiều trường đã thử nghiệm và kết quả thu được rất khả quan.

Để khảo sát năng lực thì có thể yêu cầu làm bài thi tốt nghiệp THPT đối với những giáo viên dạy những môn này ở trường THPT; với những bậc khác như tiểu học, trung học cơ sở, giáo viên có thể cùng làm bài với các học sinh của mình. Kết quả phải tốt (từ 8 trở lên chẳng hạn) thì mới đạt yêu cầu.

>> Nỗi lo học sinh lệch chuẩn vì giáo viên tiếng Anh phát âm sai

Ngoài việc làm bài thi với học sinh, cơ quan chủ quản cũng nên kiểm tra khả năng chuyên môn cụ thể của giáo viên ở môn phụ trách. Chẳng hạn người giáo viên này năm nay được phân công dạy môn Tiếng Anh lớp 8. Vào đầu năm học, người giáo viên đó phải tham gia khảo sát năng lực về những kiến thức trong cuốn sách giáo khoa Tiếng Anh lớp 8 qua những câu hỏi.

Nếu kết quả tốt thì mới có thể cho đứng lớp dạy môn. Nếu kết quả không tốt thì phải thay thế bằng người khác ngay. Ngoài ra, nhìn vào kết quả đó, giáo viên sẽ biết khả năng mình như thế nào, cần cố gắng ra sao.

Trong bài viết đề thi không cần đánh đố mà vẫn phân loại được học sinh, tôi đã viết rằng muốn học tốt môn Toán, học sinh cần học kỹ kiến thức trong sách giáo khoa, từ định nghĩa, tính chất, định lý, hệ quả, ví dụ…

Những thầy cô, học sinh giỏi đều phải hiểu rất rõ, sâu những kiến thức cơ bản trong những cuốn sách giáo khoa này. Đã là giáo viên, trước hết cần phải giỏi về chuyên môn của mình. Việc giỏi chuyên môn được thể hiện qua việc đạt điểm số cao khi cùng làm bài thi với học sinh môn của mình dạy và hiểu rất sâu kiến thức cơ bản qua việc trả lời tốt các câu hỏi liên quan đến cuốn sách giáo khoa môn của mình. Khi giỏi chuyên môn thì học sinh tự nhiên sẽ tôn trọng, thậm chí là rất kính trọng và nghe lời thầy cô, việc giảng dạy sẽ dễ dàng.

Ngược lại khi kém về chuyên môn, học sinh sẽ rất coi thường giáo viên đó, thầy/cô lúc này có nói gì thì học sinh cũng không nghe.

Trong Toán học thì một bài toán có thể có nhiều lời giải, lời giải được gọi là hay khi nó chỉ dùng những kiến thức cơ bản, đơn giản, ngắn gọn, dễ hiểu.

Ở ngoài đời thì giải pháp của một vấn đề được gọi là hay nếu giải pháp đó đơn giản, dễ triển khai, hiệu quả. Giải pháp “giáo viên cùng làm bài thi môn của mình dạy cùng với học sinh của” có thể là một giải pháp như vậy trong việc khảo sát năng lực để từ đó có giải pháp hợp lý để nâng cao trình độ giáo viên…

Phạm Xuân Anh

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *