Sao phải lãng phí nửa đời người chỉ để mua nhà?

40 tuổi, thu nhập 70 triệu đồng mỗi tháng nhưng vợ chồng tôi chưa bao giờ nghĩ tới chuyện mua nhà sau hơn 20 năm đi ở thuê.

Đọc bài viết “Không mua nhà trước tuổi 30 để tăng gấp ba lần tài sản“, tôi rất đồng cảm với quan điểm của tác giả Duy Hải. Tôi năm nay đã gần 40 tuổi, có vợ và một con. Lên thành phố học đại học và làm việc ở đây đã hơn 20 năm nhưng đến giờ tôi vẫn chưa có một căn nhà đứng tên trong sổ đỏ.

Suốt quãng thời gian từ lúc đi học, đi làm, đến khi lấy vợ, sinh con, tôi đều ở nhà thuê. Chỉ khác là thời đi học tôi thuê ở xóm trọ sinh viên, ra đi làm, thuê nhà cấp bốn, lấy vợ thuê chung cư mini và khi sinh con lại thuê chung cư thương mại. Thực ra, hai vợ chồng tôi đều có công việc ổn định, tổng thu nhập mỗi tháng vào khoảng 70 triệu đồng (bao gồm cả công việc chính và làm ngoài). Với thu nhập ổn định trên, cộng thêm khoản tích lũy suốt nhiều năm, chúng tôi dư sức mua một căn nhà cho riêng mình (có thể vay thêm ngân hàng). Thế nhưng, mua nhà chưa bao giờ nằm trong dự định ưu tiên, cấp bách của hai vợ chồng.

Tôi biết khi nói điều này, nhiều người sẽ nghĩ gia đình tôi ngược đời. Bản thân bạn bè của chúng tôi cũng từng nhiều lần nói vậy. Họ ngạc nhiên khi đến tầm tuổi này chúng tôi vẫn phải “ăn nhờ ở đậu” nhà người khác, tiền cầm trong tay nhưng lại chẳng có nổi một mảnh đất cắm dùi. Trong khi đó, hầu hết chúng bạn đều sớm khoe có nhà trước năm 30 tuổi, dù có thể phần lớn nhờ tiền vay mượn mà ra.

Thực tế, trong quan điểm của người Việt, phải “an cư” rồi mới “lạc nghiệp”, nhà cửa chưa ổn định thì khó nói tới chuyện làm ăn lâu dài. Thế nên, không lạ khi người ta vẫn lấy chuyện nhà cửa ra làm mục tiêu phấn đấu, để so sánh mức độ thành công với nhau. Ai mua được nhà sẽ được xem là giỏi giang, biết làm ăn, trong khi ai đi ở thuê thì mãi mãi bị gán mác kém cỏi.

Cũng bởi thế mà nhiều người trẻ áp lực vì chuyện nhà đất. Họ hy sinh tuổi trẻ, lao đầu vào kiếm tiền cốt sao chỉ mong sớm tậu được nhà cho bằng bạn bằng bè, để không bị đánh giá thấp. Để rồi cũng từ đó, nhiều người liều mình vay mượn ngân hàng để mua nhà đẹp, sang trọng, dù nhu cầu thực sự không cần đến mức đó. Đơn giản vì cái nhà như chiếc áo choàng để bạn trưng ra trước mắt thiên hạ.

>> 12 năm ở nhà thuê Sài Gòn vì không muốn sống cảnh nợ nần

Nhưng đằng sau lớp áo long lanh, hào nhoáng ấy là gì? Họ lại ngày càng lún sâu vào vòng xoáy kiếm tiền – trả nợ. Một năm, 5 năm, 10 năm, 20 năm và thậm chí còn hơn thế, trong vị trí một “con nợ” họ luôn sống trong áp lực đồng tiền, không dám ăn tiêu, hưởng thụ cuộc sống, tiền làm ra cuối cùng đem đi trả nợ hết, áp lực luôn bủa vây chẳng biết đến bao giờ mới kết thúc.

Tôi không muốn sống như vậy. Thực tế, chuyện ở nhà thuê với tôi vẫn tốt đẹp suốt mấy chục năm qua. Gia đình tôi vẫn hạnh phúc trong tổ ấm “không chính chủ” của mình, con cái tôi vẫn ăn học đàng hoàng, ngoan ngoãn. Hơn hết, vợ chồng tôi chẳng hề bị áp lực chuyện tiền bạc, vẫn có thể thoải mái tiết kiệm, đầu tư, chi tiêu cho những hoạt động vui chơi, giải trí, du lịch, tận hưởng cuộc sống, dành thời gian bên gia đình… Với tôi vậy là đủ.

Cái nhà có quan trọng không? Tôi nghĩ là có, nhưng đến mức nào thì tùy thuộc vào nhân sinh quan của mỗi người. Mua nhà xét cho cùng cũng là một mục tiêu để phấn đấu. Quan trọng là mục tiêu ấy có thực sự phù hợp và cần thiết với bạn hay không? Đừng thấy người khác mua nhà thì bản thân cũng phải đua theo. Làm như vậy, cuộc đời bạn sẽ chỉ như một cuộc chạy đua không có đích đến. Hãy cứ làm những gì bạn thích, sống theo cách của bạn, chỉ có như vậy bạn mới tìm được câu trả lời cho riêng mình.

Ở nhà thuê không hề tệ nếu bạn thực sự coi đó là tổ ấm của gia đình mình. Chẳng có gì khẳng định rằng mua nhà tốt hơn thuê trọ. Giống như tôi, một kẻ dành cả thanh xuân đi ở trọ, nhưng đến giờ nhìn lại, tôi vui vì mình đã không lãng phí nửa cuộc đời chỉ để chạy đua với những giấc mơ của người khác.

Hoàng Thanh Hải

>> Theo bạn, cónên mua nhà trước tuổi 30? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *