‘Hàng quán Hội An ế khách vì làm du lịch sính ngoại’

Ghé vào cửa hàng lưu niệm ở Hội An, tôi chỉ nhận được ánh nhìn thờ ơ của chủ tiệm, khác hẳn thái độ niềm nở với đoàn khách Tây.

Sau một năm không còn khách Tây, hàng trăm gian hàng ở Hội An phải đóng cửa khiến nhiều góc phố cổ đìu hiu. Tình cảnh tương tự cũng xảy ra với nhiều khu du lịch khác của Việt Nam dù thực tế nhu cầu du lịch trong nước của người Việt vẫn rất lớn sau cả năm bị hạn chế đi lại. Vậy tại sao người kinh doanh lại không nhận được sự ủng hộ của du khách trong nước? Vì sao sự sống của họ lại phụ thuộc hoàn toàn vào lượng khách quốc tế như vậy?

Cách đây mấy năm, tôi cũng có dịp du lịch tới phố cổ Hội An. Khi ấy nơi đây còn tấp nập khách trong và ngoài nước. Trong một không gian đầy hoài niệm và thu hút ấy, tôi cũng ghé vào một cửa hàng bán đồ khăn lụa lưu niệm để mua quà. Thế nhưng, trái với vẻ đon đả đón tiếp của chủ cửa hàng với toán khách nước ngoài trước đó, tất cả những gì tôi nhận lại được chỉ là ánh nhìn thờ ơ.

Có lẽ do lúc đó tôi ăn mặc khá tuềnh toàng, lại là người Việt, nên người ta chẳng buồn hỏi han hay đoái hoài suốt từ lúc tôi bước vào tới khi đi ra khỏi tiệm. Vậy là thay vì được chào đón, giới thiệu các mặt hàng, tôi hoàn toàn đơn độc trong cửa hàng nọ. Lướt một vòng trong tâm trạng không mấy vui vẻ, tôi lủi thủi đi ra tay không. Chỉ một hành động rất nhỏ như vậy thôi, nhưng tôi đã hoàn toàn mất thiện cảm với cung cách phục vụ tại đây và dặn lòng sẽ chẳng bao giờ quay lại nữa.

Không riêng gì Hội An, rất nhiều các địa điểm du lịch nổi tiếng khác cũng để lại ấn tượng tương tự. Dường như cứ nơi nào có khách nước ngoài, người bán sẽ thẳng thừng phớt lờ khách Việt. Một phần cũng vì bán cho khách Tây được giá cao hơn, đỡ bị mặc cả, còn người trong nước quá hiểu kiểu nói thách vài lần giá của các cửa hàng bán đồ lưu niệm nên người ta cũng chẳng mặn mà gì. Thế nhưng, xét cho cùng, việc phân biệt đối xử giữa khách Tây và khách ta của phần lớn người kinh doanh buôn bán ở các khu du lịch đã khiến họ tự đánh mất thiện cảm của khách nội địa.

Khi dịch Covid-19 ập đến, du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng, lượng du khách quốc tế không còn, giá trị thật của cung cách bán hàng sính ngoại bắt đầu lộ rõ. Người bán lao đao vì mất trắng một lượng khách nước ngoài vốn chiếm phần đa số trong tổng doanh thu thường ngày. Trong khi đó, khách nội địa đã quay lưng với họ từ lâu. Sự cộng hưởng từ cả hai phía khiến nhiều cửa hàng rơi vào cảnh ế ẩm triền miên. Tới lúc này, những sự chèo kéo, mời gọi với khách Việt cũng chỉ là vô nghĩa.

>> Dừng ‘chặt chém’ để cứu chợ Bến Thành

Qua đây mới thấy rõ đa phần buôn bán ở các khu du lịch nước ta trước nay chủ yếu là phục vụ cho khách nước ngoài nên giá cao, trong khi lại không thân thiện khi thấy khách Việt ghé. Giờ trong đại dịch, chỉ có người Việt mới cứu được người Việt, nhưng tiếc rằng chẳng có ai mặn mà. Tôi nghĩ, đã đến lúc các Bộ ngành du lịch nên suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề này, để du lịch Việt Nam “sống thọ” hơn, thân thiện hơn với chính người dân trong nước.

Tôi từng nhiều lần du lịch tới các nước trong khu vực như Thái Lan, Phillipines, Singapore, Myanmar… Phải nói, không nơi đâu được thiên nhiên ưu đãi bằng Việt Nam. Ngay cả thiên đường du lịch Thái Lan được ca ngợi nhiêu nhưng tôi thấy còn thua xa các bãi biển trong nước. Thế nhưng, chúng ta lại không biết tận dụng những lợi thế đó để làm du lịch một cách chuyên nghiệp.

Thay vì quản lý một cách đồng bộ, có hệ thống và định hướng rõ ràng, chúng ta cứ để mặc cho các cơ sở kinh doanh mặc sức chèo kéo, chặt chém, dịch vụ kém chất lượng, phân biệt đối xử khách Tây – khách ta. Hệ quả là những gì chúng ta đang thấy hiện tại khi chính du lịch Việt bị khách Việt quay lưng.

Tôi cho rằng, đây cũng là dịp để ngành du lịch có thời gian nhìn lại mình. Để trở thành một điểm đến lý tưởng, ngành du lịch không có cách nào khác phải tự chuyển mình, phải thay đổi. Không chỉ những doanh nghiệp lớn, mà kể cả những tiểu thương, người bán hàng rong nhỏ lẻ cũng cần phải thay đổi thái độ và cách tiếp cận khách hàng. Không thể để tình trạng “nhất bên trọng, nhất bên khinh”, phân biệt đối xử khách hàng như hiện nay. Đôi khi, người Việt mới chính là đối tượng sẽ cứu sống cả ngành du lịch nước nhà trong những hoàn cảnh đặc biệt như Covid-19 vừa qua.

Bảo Bối

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *