Nỗi oan ‘sính ngoại’ của người kinh doanh du lịch Việt

Tôi đi du lịch, thấy nhiều khách Việt có thói quen ăn thử sản vật địa phương rất nhiệt tình nhưng đến lúc hỏi mua thì quay mặt đi hết.

Trước quan điểm “Hàng quán Hội An ế khách vì sính ngoại“, trong vị trí là một người kinh doanh sản phẩm du lịch, độc giả Thy Dang lý giải: “Tôi là chủ của một cửa hàng kinh doanh sản phẩm du lịch chuyên phục vụ khách Tây. Để tôi giải thích cho các bạn lý do vì sao khách Việt lại nhận được sự thờ ơ từ chủ các shop dù trong giai đoạn không có khách Tây. Thật sự mà nói, khi chúng tôi đã kinh doanh một sản phẩm dành cho đại bộ phận khách nước ngoài rồi, chắc chắn sẽ khó được sự ủng hộ từ khách nội địa.

Lý do bởi khách Tây và khách nội địa có sự quan tâm và sở thích rất khác biệt. Ví dụ, chúng tôi kinh doanh nơi ở thân thiện, thiên nhiên, yên tĩnh, khách Tây rất thích điều này. Trong khi đó, khách Việt lại phàn nàn, nói rằng chỗ chúng tôi không có gì để ở lại vì đa phần họ trông đợi một nơi có dịch vụ bia rượu, ca hát ồn ào. Cả tôi và nhân viên của mình đều đã quen với cung cách phục vụ những người khách nước ngoài văn minh, thân thiện, yêu thiên nhiên và sự yên tĩnh, thế nên cũng không muốn thay đổi.

Tôi không muốn “vơ đũa cả nắm” nhưng thực sự đại đa số khách nội địa và khách Tây rất khác nhau ở sở thích và mối quan tâm. Mà khi đã tập trung chọn sản phẩm để kinh doanh, chúng tôi bắt buộc phải chấp nhận sự thiếu cân bằng đó và không thể cứ chạy theo tất cả đối tượng khách hàng”.

Đồng quan điểm, độc giả Tnm2020 chỉ ra những bất cập trong việc bán hàng cho du khách nội địa: “Tôi nghĩ rằng, sau khi mở cửa hàng, người chủ đã phải xác định rõ mình muốn nhắm tới đối tượng khách hàng nào. Việc trọng khách Tây hơn khách Việt là có nhưng đó là vì sở thích và mối quan tâm của hai đối tượng này là khác nhau.

Khách Việt có mức độ quan tâm sản phẩm rất thấp, đa phần họ sẽ cho là sản phẩm bán mắc so với thị trường, nên chủ yếu chỉ vào để ngắm, chụp ảnh, hỏi cho có chứ ít khi thực sự muốn mua. Còn khách Tây thì ngược lại, khi tham quan ở một địa danh mới, họ sẽ có xu hướng mua quà lưu niệm, ít ra là chỗ có cửa tiệm lớn, mua bán có uy tín, thương hiệu. Tất nhiên, cũng có chỗ “chặt chém” du khách, nhưng vẫn còn đó nhiều địa chỉ bán giá bình ổn. Chỉ cần người mua chấp nhận với giá cả sau khi thỏa thuận đã là hài hòa lợi ích rồi”.

>> ‘Hàng quán Hội An ế khách vì sính ngoại’

“Bình thường, nhiều cửa hàng cũng không bán cho khách Việt. Lý do là bởi đối tượng khách hàng này vào hỏi han thì nhiều, rồi chỉ buông câu chê đắt, không mua. Những người kinh doanh gặp cả ngàn trường hợp như vậy, hiếm lắm mới có một vài khách Việt chịu bỏ tiền ra mua, thế nên lâu dần hình thành thói quen để khách tự xem, tự chọn, cần hỏi mua thì mới báo giá.

Khách hàng mục tiêu của họ cả mấy chục năm nay đã là người nước ngoài, giá bán cao hơn nhiều so với khách Việt, nên cũng không thể bảo họ phải thay đổi cung cách phục vụ. Làm thế thì chuyển nghề còn dễ hơn. Ở Hội An, vẫn có nhiều chỗ bán hàng cho số đông khách du lịch Việt, các bạn có thể tìm hiểu trước khi tới”, độc giả MA nói thêm.

Nhấn mạnh việc thay đổi văn hóa du lịch của khách Việt cũng quan trong không kém trong việc cải thiện chất lượng du lịch nội địa, bạn đọc Mai Quan Hoang cho rằng: “Tôi đi du lịch cũng nhiều. Nếu trách người bán thì bản thân khách Việt cũng cần nhìn lại mình. Văn hóa du lịch của chúng ta nhìn chung vẫn còn yếu. Nhiều người có thói quen vào ‘ăn chùa’ thì rất nhiệt tình nhưng tỷ lệ bỏ tiền túi ra mua sắm lại rất ít. Trong khi đó, dân làm du lịch lại sống bằng kinh doanh, buôn bán dịch vụ, sản vật địa phương. Vậy nên việc họ thờ ơ với khách Việt cũng là điều dễ hiểu.

Tôi từng chứng kiến nhiều khách Việt khi tham quan Đà Lạt, trải nghiệm sản vật địa phương, họ ăn thử rất nhiệt tình, từ kẹo, mứt, trái cây, mật ong… nhưng đến khi hỏi mua thì chẳng ai chịu bỏ tiền, ngoảnh mặt đi hết. Đi miền Tây cũng thế, khách Việt toàn chỉ ăn miễn phí. Tôi thương người bán chẳng biết làm thế nào. Nếu không có ý định mua thì tốt nhất cũng đừng ăn của họ. Người mua quá ít nên lâu dần người kinh doanh cũng không muốn mất công mời chào.

Tôi đi nước ngoài, cũng ăn mặc bình thường, quần jean, áo thun, đi dép kẹp (do phải đi bộ nhiều). Thế nhưng khi được chào hàng, tôi vẫn mua đồ của họ. Hướng dẫn viên du lịch sau đó tâm sự với tôi rằng: “Em làm 10 năm, dẫn rất nhiều đoàn khách, nhưng chỉ có ba, bốn người mua đồ giống chị. Còn lại toàn vào siêu thị mua móc khóa, đồng hồ đồ chơi là cùng”. Tôi cho rằng, đã đi du lịch thì phải chuẩn bị tiền để du lịch đúng nghĩa. Nhiều người du lịch về mà không mất đồng nào, vậy làm sao kích cầu du lịch?

Ngay cả chuyện ăn uống cũng vậy. Nhiều người đi du lịch nhưng đoàn cho ăn gì là ăn vậy, nhất quyết không gọi thêm ngoài, mặc dù có những món đặc sản, chỉ vùng này mới có. Thèm không dám mua, vậy ai muốn đón tiếp?”.

Thành Lê tổng hợp

>> Bạn có đồng tình với quan điểm này? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *