Chất đàn ông biến mất trên màn ảnh Việt 20 năm

Đàn ông Việt lên phim, không là giám đốc giàu có mê gái cũng là dân chơi nửa mùa, hoặc là người chồng bội bạc, vũ phu.

Theo dõi điện ảnh Việt xấp xỉ 20 năm, lấy dấu mốc là cuộc hồi sinh từ Gái nhảy của đạo diễn Lê Hoàng, bộ phim đánh dấu sự quay trở lại rạp chiếu của khán giả. Và cũng kể từ đó đến nay, tôi thấy đa số phim Việt toàn chỉ nhắc đến phái đẹp làm trọng, chủ yếu khắc hoạ số phận của cô gái hay người phụ nữ qua các thời kỳ trong lịch sử Việt Nam từ thời chiến đến thời hiện đại.

Đấng mày râu nam chính, đúng nghĩa hào hoa phong nhã, đàn ông tính toàn diện, khí chất ngời ngời, tài năng, giỏi giang, văn minh, hiểu biết… biệt tăm trên màn ảnh.

Là một người được đào tạo và có đam mê về việc sản xuất phim ảnh, băn khoăn đó cứ đeo đuổi trong tôi mãi.

>> Cùng tác giả: Sự phân cực của phim truyền hình Việt

Hai mươi năm điện ảnh Việt tái khởi sắc, hình ảnh mà các nhân vật nam được các biên kịch và nhà làm phim khắc hoạ quanh quẩn chỉ là những kiểu hài nhạt nhẽo, những màn doạ ma nhát gừng, những nhân vật nam quái dị phảng phất chút gian tà, hay các cậu trai trẻ con, tay ăn chơi nửa mùa, các nỗi lòng giấu kín của anh chàng giới tính thứ ba, hoặc là gã giang hồ miệng nói tình nghĩa nhưng vô tri chỉ biết đấm đá và chĩa súng loạn xạ.

Hoặc là các giám đốc, chủ tịch tập đoàn đẹp mã nhưng diễn xuất vô hồn thiếu hẳn sự đầu tư nghiên cứu để có được cái thần thái, kiến thức mọi mặt như những hình tượng ấy ngoài đời thật.

Tất cả đều thiếu cái gì đó gọi là khí chất đàn ông trên màn ảnh.

Điện ảnh Việt Nam từng không thiếu những vai nam chính hút hồn giới mộ điệu dù những nhân vật ấy là nông dân, du kích, tướng cướp, sinh viên hay quân nhân.

Đến hôm nay, nhân vật Ba Đô trong Cánh đồng hoang của cố Nghệ sĩ nhân dân Lâm Tới vẫn ngời ngời là một tượng đài trong việc xây dựng nhân vật và hoá thân. Người xem không thể nào quên nét diễn tự nhiên như không của ông khi hoá thân thành người du kích nông dân miền sông nước lúc chân chất, bộc trực, lúc yêu thương vợ con nồng nàn, lúc cương nghị chiến đấu dũng cảm. Hình ảnh nhân vật dù lúc này lúc khác nhưng vẫn toát lên được chất nam tính khẳng khái, mạnh mẽ của đàn ông trong giai đoạn lịch sử lúc ấy.

>> Điện ảnh Việt èo uột vì văn học không phát triển’

Đến giai đoạn thập niên 90, người xem say mê như điếu đổ hai diễn viên cùng tên Tuấn Anh, một là Lê Công Tuấn Anh hai là Lê Tuấn Anh. Một thư sinh nhã nhặn, hiền hoà, đôn hậu một “trai xấu” nhưng siêu ngầu. Đến giờ tôi vẫn ấn tượng nụ cười nhếch môi và cách ngậm điếu thuốc lá đặc trưng của diễn viên Lê Tuấn Anh. So với dàn nam diễn viên đương thời dù có tái hiện những nét diễn ấy vẫn sao không “ngầu” bằng. Họ thiếu cái gì đó từ bên trong.

Đỉnh cao của nhân vật nam chính mà tôi vô cùng yêu mến mà tôi chắc là hàng triệu khán giả đứng tuổi cũng si mê là nhân vật Nguyễn Thành Luân do cố diễn viên Nguyễn Chánh Tín thủ vai trong 8 tập phim kinh điển Ván bài lật ngửa.

Phải nói đó là một vai nam chính điển hình trên màn ảnh nước nhà, tài hoa, mực thước, văn minh, điềm đạm… Siêu ngầu và cũng vô cùng nam tính quyến rũ. Nét đàn ông bao trùm từng cử chỉ hành động của nhân vật. Từ những hành động đời thường như ngồi ăn sáng với vợ hay đang tranh luận bàn thảo thời cuộc với các chính trị gia, hoặc cân não chiến đấu chống lại các âm mưu phương hại mình. Từng hành động, từng ánh mắt phải nói là không có chút nào để chê.

Bao lâu nữa mới có một hình tượng nữa như Nguyễn Thành Luân tái xuất màn ảnh. Không lẽ các biên kịch và nhà làm phim đương thời không còn bị hấp dẫn bởi những nhân vật nam tính chỉn chu nữa hay sao?

Lâm Long

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *