Vòng luẩn quẩn ‘bê tông hóa

Bộ mặt quê tôi thay đổi với hàng loạt công trình trường học, bệnh viện được xây mới, nhìn rất đẹp nhưng thực chất chỉ là khối bê tông lớn.

Nói về câu chuyện đầu tư công, do quê tôi có nguồn thu ngân sách lớn nên tỉnh đã có chủ trương đầu tư xây dựng mới các công trình như trường học, bệnh viện, nhà văn hóa ở các địa phương trong tỉnh. Trường mầm non vừa mới đi vào hoạt động của quê tôi, nhìn thì có vẻ rất đẹp, rất khang trang, nhưng tiếc là “cả làng là một cục bê tông“. Khối bê tông lớn mà lèo tèo vài cái cây như vậy thì mùa hè sẽ nóng đến mức nào? Khối nhà hướng Tây, nơi các cháu ngồi học, liệu có chịu được không mỗi khi mùa hè đến?

Khu nhà mới của bệnh viện huyện quê tôi rất đẹp, nhưng như ngôi trường mẫu giáo mới này, cũng toàn là bê tông. Tại sao nhiều người lại thích bê tông, máy điều hòa nhiệt độ như vây? Phải chăng vì rất khổ sở khi từng phải sống trong những ngôi nhà lụp xụp hay đã khổ sở khi phải đi trên những con đường lầy lội nên bây giờ nhiều người nghĩ rằng cứ mái bằng, điều hòa mới là đẳng cấp?

Điều này có vẻ không đúng lắm khi nhiệt độ trong phòng 25–26 độ C mà đi ra ngoài trời tới 40 độ thì cơ thể nào chịu được, không sinh bệnh mới là lạ. Có tiền lắp điều hòa đâu phải đã là tốt, là đẳng cấp, sống hài hòa với thiên nhiên mới là cuộc sống con người ta hướng đến. Các biệt thự cổ thời Pháp thuộc ở Hà Nội hay Đà Lạt vẫn còn mãi với thời gian bởi vì được thiết kế hài hòa với thiên nhiên, luôn có khuôn viên xanh mát chứ không phải mái bằng.

Cũng có thể vì mọi người nghe nói đến một vài vụ cây gãy đổ trong trường học nên đã hạn chế trồng cây, nhưng điều này cũng có phần rất cực đoan. Trường học ba cấp ở quê tôi luôn rợp bóng mát trong sân vì tán những cây báng súng cổ thụ. Chính những cây này đã tạo bóng mát và đã góp phần ghi dấu cho tuổi học trò bởi những “khoảng trời xanh”. Nếu trồng những cây tạo bóng mát từ khi còn con, không bứng những cây to rồi mới đến trồng thì không lo bị gãy đổ.

Chúng ta có nhiều trường đại học, viện lâm nghiệp mà chẳng thấy đưa ra tên những cây nên được trồng trong nhà trường, để các trường cứ loay hoay. Vậy, có những giải pháp nào để tăng những mảng xanh ở những công trình công cộng như trường học, bệnh viện?

>> ‘Xin đừng kết tội và trút giận lên cây phượng vĩ’

Theo tôi, với những trường học, bệnh viện… đang chuẩn bị xây dựng, chủ đầu tư là các cơ quan nhà nước nên yêu cầu thiết kế tạo các mảng xanh, hay hồ nước trong khuôn viên nhiều nhất có thể; hạn chế đến mức thấp nhất việc xây các tòa nhà hướng Tây. Hè vừa rồi, do thời tiết quá nóng, các phụ huynh có con học ở tòa nhà hướng Tây trường tiểu học quê tôi đã phải góp tiền để lắp điều hòa cho lớp học của con em mình.

Thay vào đó, các địa phương cần cố gắng chọn xây dựng công trình theo hướng Nam để ấm vào mùa đông và mát vào mùa hè, “vợ hiền hòa không bằng nhà hướng Nam” – các cụ đã dạy như vậy. Với những nơi đã xây dựng xong mà không có nhiều mảng xanh như ngôi trường mầm non nói trên, nên trồng thêm những hàng cây ở lối vào đưa đón học sinh và ở sân trường. Với những tòa nhà hướng Tây, nên trồng những hàng cây như giáng hương, sao đen… chẳng hạn để vừa che bóng mát ở mặt tiền vừa tạo nên những mảng xanh hài hòa.

Việc đào những hố để trồng cây ở những nơi có lớp bê tông dày tới 20 cm kia sẽ rất khó khăn. Để giải quyết vấn đề này, trước hết chúng ta phải thật quyết tâm làm, mọi việc đều có thể làm được nếu chúng ta thực sự muốn tạo thêm nhiều mảng xanh cho ngôi trường của con em mình.

Việc đầu tư xây dựng các trường học, bệnh viện… này không phải chỉ xây cho 5, 10 năm… Do đó, cần thiết kế hợp lý để các cơ sở này có thể được sử dụng thời gian dài, vừa đỡ tốn tiền ngân sách, vừa ghi dấu những kỷ niệm đời người của bao thế hệ, như những ngôi trường Chu Văn An ở Hà Nội; trường Quốc học Huế, hay trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, THPT Marie Curie, THPT Lê Quý Đôn ở Sài Gòn.

Phạm Xuân Anh

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *