Mất cả tình lẫn tiền vì chung tiền mua cổ phiếu

‘Nếu bạn sẵn sàng chấp nhận khoản đầu tư này có thể mất trắng mà không hề oán trách thì hãy chung tiền mua cổ phiếu với người khác’.

Nên góp 200 triệu đồng mua cổ phiếu với bạn thân?“, độc giả Tocnau cho rằng cần cẩn trọng với các lời mời góp vốn đầu tư: “Tôi đang làm ở trong công ty chứng khoán, tuy nhiên vẫn khuyên các bạn không nên đầu tư theo kiểu này. Nếu muốn đầu tư chứng khoán, có rất nhiều cách an toàn để bạn giữ được đồng tiền của mình:

1. Mở tài khoản chứng khoán đứng tên mình, tự tìm hiểu. Đầu tư ban đầu ít để lấy kinh nghiệm trước, sau khi tự tin hơn thì giải ngân nhiều hơn.

2. Vẫn mở tài khoản chứng khoán đứng tên mình, tìm một công ty chứng khoán uy tín và một môi giới có uy tín, nhờ họ tư vấn giao dịch. Tùy và mức độ tư vấn mà họ sẽ lấy phí hoặc không, phần lớn nhà đầu tư nhỏ lẻ (tài khoản vài trăm triệu đồng trở xuống) sẽ không bị tính phí tư vấn đâu, chỉ phải chịu phí giao dịch.

3. Vẫn mở một tài khoản chứng khoán đứng tên mình, chỉ giải ngân tiền vào các chứng chỉ quỹ, nhờ các công ty quản lý các quỹ này đầu tư giúp bạn…

Nói chung, tiền của mình thì lúc nào bạn cũng vẫn phải là người chính chủ đứng tên, có toàn quyền định đoạt. Hãy tự chịu trách nhiệm đối với các quyết định của mình, lời ăn lỗ chịu. Đầu tư chứng khoán có thể mang tới lợi nhuận cao, nhưng rủi ro rất lớn. Trong trường hợp bạn gửi tiền của mình cho người khác quản lý, rủi ro còn tăng lên gấp bội, vì ngoài rủi ro lỗ mất vốn, bạn còn có thể mất luôn bạn bè. Vì vậy, nên cẩn trọng với các lời mời góp vốn đầu tư”.

Đồng quan điểm, bạn đọc Luyen Tran Macias khẳng định nói “không” với quyết định chung tiền đầu tư chứng khoán: “Tôi đầu tư chứng khoán được tám năm. Dù không phải chuyên ngành, nhưng tôi có bằng thạc sĩ kinh tế. Một số bạn và anh chị trong gia đình cũng kêu hùn vốn hay đưa tiền cho tôi đầu tư. Tôi đã mở tài khoản cho họ mua quỹ tương hỗ (mutual funds), SP 500 và tư vấn một số index khác cho họ, chứ chưa bao giờ hùn tiền chung.

Đầu tư chứng khoán cũng là một dạng kinh doanh, phải có chủ quyền, pháp lý rõ ràng. Bạn nên tìm môi giới, họ sẽ tư vấn bạn đầu tư nếu không có kinh nghiệm, giúp bạn chọn những index phí thấp… Thực sự, tôi không tìm được nguyên nhân gì để hùn vốn đầu tư chứng khoán”.

>> Bốn năm chơi chứng khoán chưa gỡ nổi vốn

Nhấn mạnh những rủi ro khi chung tiền đầu tư chứng khoán, độc giả Trung Gu nhận định: “Khi đưa tiền cho một ai đó đầu tư, bạn phải hiểu rõ hai yếu tố sau đây:

1. Người được giao tiền có đủ tin tưởng không?

2. Người được giao tiền có đủ khả năng để sinh lời cho đồng tiền của bạn không?

Nếu như đáp ứng được cả hai yếu tố đó thì bạn phải xét thêm vào hai vấn đề sau:

– Nếu như rủi ro, bạn có chấp nhận mất tiền không?

– Nếu như có lãi thì bạn sẽ chia thế nào? Bao giờ chia? Vì khi bạn đầu tư, sẽ đến thời điểm chốt lời, bạn muốn rút tiền ra nhưng có thể người bạn kia không muốn.

Bạn nên nhớ là tình bạn và tiền bạc rất phức tạp và rắc rối. Trừ khi bạn tin tưởng người bạn kia 100% và sẵn sàng chấp nhận khoản đầu tư này có thể mất trắng mà không oán trách thì bạn hãy đầu tư. Còn nếu như mất một chút tiền mà mất luôn cả bạn thì hoàn toàn không đáng. Bạn cũng hoàn toàn không nên có suy nghĩ đầu tư cổ phiếu sinh lời nhanh. Đầu tư cổ phiếu là lâu dài, mất nhiều năm, nên bạn cũng phải suy nghĩ kỹ xem liệu tiền của mình đứng tên người khác trong một thời gian dài thì có ổn không?”.

Trong khi đó, không hoàn toàn phản đối việc chung tiền đầu tư chứng khoán, bạn đọc Minh Đ đưa ra lời khuyên để giảm thiểu rủi ro: “Tôi có một số lời khuyên dành cho các bạn đang có ý định chung tiền đầu tư chứng khoán:

– Đầu tư bất cứ thứ gì cũng cần kiến thức. Trước khi hùn tiền vào cho người khác, bạn có thể tự mình tạo một tài khoản chứng khoán với số tiền nhỏ (thấp hơn 20 triệu) để tự mình thử đầu tư và có thêm kiến thức.

– Sau giai đoạn tự đầu tư, nếu bạn tin tưởng ai đó, có thể chung tiền cho họ đầu tư với số tiền nhỏ trước từng bước. Giả sử đầu tư cho họ 20 hoặc 50 triệu trước và sau một thời gian, nếu có lãi, hãy nhờ họ rút lãi ra giúp. Từng bước, từng bước nâng mức đầu tư nếu đủ tin tưởng.

Lưu ý, đầu tư luôn luôn có lãi và lỗ, bạn nên làm rõ mức lãi – lỗ rõ ràng, lỗ thì chia mỗi người chịu bao nhiêu…? Tôi biết nhiều người làm ngành khác và không thực sự có kiến thức chuyên sâu về đầu tư chứng khoán, nên cần phải làm từng bước một. Hãy chắc chắn để số tiền đầu tư của mình không những sinh lời mà còn phải an toàn, có thể rút ra sử dụng được”.

Lê Phạm tổng hợp

>> Theo bạn, có nên chung tiền đầu tư chứng khoán?Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *