Xe đạp gặp khó nếu xe máy vẫn được ‘nuông chiều’

Anh bạn tôi vẫn ổn khi bán xe máy đi làm bằng xe buýt nhưng phải thanh lý chiếc xe đạp mới mua sau một tháng.

Tôi có anh bạn nhà ở Bình Thạnh (TP HCM), đi làm ở quận 9 (nay là TP Thủ Đức) bằng xe buýt mỗi ngày. Trước kia, khi chia sẻ ý định bán xe máy để đi xe buýt, nhiều người cười cợt, cho là anh bị rồ khi “cả thành phố ai cũng chạy xe máy, mình anh đi xe buýt để sống xanh, sống sạch à?”.

Nhưng bạn tôi vẫn bán xe máy để thể hiện quyết tâm. Từ đó đến nay đã được 3 năm, kể từ ngày thoát ly khỏi chiếc xe máy, anh nói mỗi ngày cố dậy sớm bắt chuyến buýt đầu tiên đi làm, thấy thoải mái hơn. Vậy là anh vẫn ổn, dù không có chiếc xe máy.

Tuy nhiên, vấn đề xảy ra khi anh mua xe đạp. Một lần nữa, ai cũng nói anh rồ khi bỏ hơn chục triệu mua chiếc xe đạp thể thao để dành luyện tập, chạy vòng vòng thành phố dịp cuối tuần. Vấn đề đó là “đi xe đạp ở Sài Gòn thì thà đi bộ, đi buýt cho khỏe”, bởi xe máy, ôtô liên tục giành đường. Sức người đâu thể đạp 10 mét rồi dừng, rồi lại lấy sức đạp tiếp, rồi lại dừng tiếp. Một tháng sau kể từ ngày mua, anh bạn tôi giã từ chiếc xe đạp khi lên mạng rao bán lại cho người cần.

Khi thông tin xe đạp công cộng sẽ được thí điểm ở TP HCM từ tháng 8 năm nay đã nhen nhóm lên tia lửa nhỏ về phương tiện công cộng ở Sài Gòn. Nhiều người, trong đó có anh bạn tôi và kể cả tôi hy vọng đây không là một dịch vụ phục vụ xe đạp cho khách du lịch một cách thuần túy. Mà hy vọng đi xe đạp sẽ dần dà trở thành thói quen của người Sài Gòn khi di chuyển với cự ly ngắn.

Thật ra, đây không phải lần đầu xe đạp công cộng xuất hiện ở TP HCM. Một số lần trước cũng đã được triển khai và nhanh chóng rơi vào quên lãng. Khu ĐHQG TP HCM, xe đạp được tạo điều kiện tối ưu. Vỉa hè có làn đường được đánh dấu riêng cho xe đạp nhưng cũng nhanh chóng bị dẹp bỏ.

Vậy, cần phải làm gì để giúp xe đạp nói riêng và phương tiện công cộng nói chung phát triển? Một bộ phận người dân thành phố nhận thức và tự ý thức dùng xe buýt, xe đạp, đi bộ. Nhưng đều thất vọng khi họ bị vô vàn các phương tiện cá nhân khác “ức hiếp” trên đường. Xe đạp công cộng thật khó phát triển khi xe máy được nuông chiều.

Thời bao cấp, cả thành phố có rất ít xe máy và nhiều xe đạp. Bỏ qua mặt kinh tế khi đa số người dân không đủ tiền mua xe máy, thì vấn đề còn lại là đường sá thông thoáng, có nhiều không gian hơn. Người dân sẽ đi xe đạp nhiều hơn khi có không gian an toàn, làn dành riêng cho xe đạp thông suốt. Nhưng họ đang lực bất tòng tâm khi bị xe máy bao vây, chèn ép trên đường. Còn nếu muốn có làn đường riêng trên vỉa hè như ở nước ngoài thì cũng gặp xe máy lấn chiếm của những quán ăn, cửa hàng.

Bởi thế, xe đạp hay các phương tiện công cộng không thể nào có đất dụng võ, một khi xe máy vẫn còn được “nuông chiều” từ cách chạy xô bồ, leo vỉa hè vô kỷ luật cũng như dựng tràn lan trên vỉa hè.

Trần Cường

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *