Đường ba làn, ôtô dàn hàng năm

Họ cứ ngồi trong ôtô, điều hòa mát lạnh, không phải hít thứ khói bụi từ ống xả phả ra nên họ chẳng bao giờ thấu.

Tình trạng chen lấn, giật làn khi đi ôtô đang diễn ra càng ngày càng nhiều. Nếu như trước đây, hành động này chỉ có ở mấy xe chạy dịch vụ, xe khách, thì giờ cả xe con cũng đua theo. Họ nghĩ thế là hay. Giờ đi bất kỳ chỗ nào, chỉ cần đường hơi đông một chút mà phải xếp hàng là ôtô có hiện tượng chen lấn, cướp làn xe máy ngay. Hệ quả khiến tất cả cùng chậm lại.

Trước kia, tôi thường xuyên sử dụng ôtô làm phương tiện di chuyển. Gần đây vì xe hỏng nên tôi chuyển sang đi xe máy mấy ngày. Thế nhưng chừng ấy cũng đủ khiến tôi vô cùng khó chịu mỗi khi đi trên đường. Nhiều đoạn đường chỉ ba làn nhưng ôtô nhoi lên đến tận năm làn song song. Người đi xe máy đương nhiên chẳng còn lối nào mà đi. Tôi buộc phải luồn lách giữa các hàng ôtô dàn hàng ngang nối dài, đôi khi kẹt cứng giữa bốn bề là ôtô, hít đủ khói bụi, khí thải từ dòng xe bốn bánh, choáng váng và ngột ngạt.

Những điều này, có lẽ chỉ những ai đi xe máy, xe đạp mới hiểu được. Chứ cứ ngồi trong ôtô, điều hòa mát lạnh, không phải hít thứ khói bụi từ ống xả phả ra thì có lẽ chẳng bao giờ thấu. Thế nên có vẻ như người đi ôtô không sợ cảnh tắc đường, họ cứ có chen lên, bít kín mọi khoảng trống, dẫu cho làm được kẹt cứng thì cũng cứ ung dung bật vài ba bản nhạc nghe cho đỡ buồn. Đâu như đám người chạy xe hai bánh hứng đủ mọi nỗi khổ cực ngoài kia.

Nếu ôtô có ý thức phần một làn đường cho xe máy thì chắc chắn chỉ làn đường ôtô chứ không có chuyện kẹt cứng cả đường Nhưng nhiều người Việt lại có tư tưởng đi ôtô quyền lực hơn xe máy. Lắm lúc tắc đường mình, tôi ngồi yên trong làn mà nhìn nhiều người khác nhoi nhoi bên ngoài để chen chúc, cũng chỉ biết lắc đầu ngao ngán. Tất nhiên không phải ai cũng vô ý thức như vậy, nhưng số lượng tài xế chạy ẩu rõ ràng là không hề ít, làm xấu đi bộ mặt của giao thông Việt.

Nhiều người cứ đổ cho BRT chiếm hết một làn đường, nhưng cứ ra đường vào giờ tan tầm mới thấy, làn riêng cho xe buýt nhanh cũng bị cánh tài xế ôtô chiếm dụng “không thương tiếc”. Thế mới có chuyện buýt nhanh xếp hàng chờ sau ôtô cá nhân, rồi nhanh cũng phải từ từ. Cứ nói là do đường sá hạ tầng còn kém, nhưng với ý thức của một bộ phận tài xế Việt bây giờ, đường có to đẹp đến mấy cũng vẫn tắc bởi làn nào rồi cũng bị biến thành làn ôtô mà thôi.

>> ‘Ôtô chịu xếp hàng, đường sẽ hết tắc’

Trước đây, tôi cũng từng đánh giá không cao hạ tầng đô thị của Việt Nam, coi đây là nguyên nhân chính gây tắc đường. Nhưng đến khi sang Nhật Bản, Hàn Quốc tôi mới thấy thì ra không phải vậy. Thực ra, đường phố của ta vẫn quá to đẹp so với các nước được xem là phát triển trong khu vực. Nhật và Hàn, về cơ bản, đường khá cũ, đường tỉnh cũng rất bé, đôi khi đường liên tỉnh cũng chỉ 1-2 làn xe. Ấy thế nhưng tôi đi cả tuần bên đó cũng không bao giờ thấy chiếc ôtô nào vượt xe của tôi bao giờ. Họ cứ tuần tự xếp hàng nối đuôi nhau mà đi. Người đằng trước dừng thì người sau cũng cũng dừng, họ đi thì cùng đi. Vậy mà cũng có ai chậm tí nào đâu? Nguyên tắc đơn giản là vậy, nhưng lại trở thành thứ quá xa xỉ ở nước ta.

Người Việt đi đâu cũng cứ hốt hoảng sợ đi sau người khác, không chen được thì bấm còi inh ỏi để vượt lên. Thế nên tắc đường là do ý thức tham gia giao thông của chúng ta còn quá kém. Ai cũng khôn lỏi, cũng coi thời gian của mình là vàng, là bạc nên cứ mạnh nay nấy chen lấn, mặc kệ người khác muốn ra sao thì ra. Giờ nếu ôtô cứ đi đúng làn, để xe máy tự chạy một hàng riêng là bên nào tắc biết ngay. Tôi tin số lượng tài xế ôtô dám khẳng định chưa bao giờ lấn làn xe máy ở Việt Nam thấp hơn nhiều số còn lại.

Trong đô thị thì không gian cũng là một dạng tài nguyên. Nhưng cứ thử quan sát xem, ôtô hay xe máy đang chiếm nhiều tài nguyên chung đó hơn? Nhiều khi tôi nghĩ vui, sao cùng là phương tiện cá nhân, chúng ta không chia đôi phần đường, một nửa cho ôtô, một nửa cho xe máy? Vậy là hai bên đường ai nấy đi, chẳng phải tranh giành của nhau rồi đổ lỗi qua lại.

Cái xe không làm cho con người lên đẳng cấp hay địa vị trên đường, mà ý thức con người mới quyết định giá trị đó. Trước khi đổ lỗi cho chính quyền, các cơ quan quản lý, thì mỗi người chúng ta nên tự nhìn lại mình xem bản thân đã đi đúng luật hay chưa?

Tôi cho rằng, nếu không bị trừng trị nghiêm khắc, cái xấu sẽ lan nhanh hơn cái tốt. Ý thức và hành vi có trước, luật ra sau để điều chỉnh ý thức và hành vi đó cho đúng, vậy hãy phân làn rõ ràng cấm ôtô vào làn xe máy và ngược lại, chứ để làn đường hỗn hợp như hiện nay vào giao phó hết cho ý thức người đi đường thì sẽ không bao giờ hết tắc.

Minh Hải

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *