Ai giành đường?

Ôtô hay xe máy cứ đi đúng phần đường của mình, không tạt ngang, tạt ngửa, đảo làn vô tội vạ thì sao phải bận tâm chuyện ‘ai giành đường’?

Ôtô giành đường của xe máy hay xe máy đang giành đường của ôtô? Câu hỏi này bao năm qua vẫn “châm ngòi” cho một cuộc tranh luận không có hồi kết giữa hai nhóm phương tiện tham gia giao thông lớn nhất Việt Nam. Người đi ôtô đổ thừa cánh tài xế xe máy đi ẩu, giỏi luồn lách, cứ thấy khe hở là nhao lên, sẵn sàng tạt đầu xe khác. Trong khi đó, những người đi xe máy lại cãi ngược rằng chính tài xế ôtô dàn hàng ngang, chiếm hết lòng đường khiến người đi xe máy chẳng còn lối thoát, “đường đâu mà đi”, nên họ buộc phải leo vỉa hè hoặc lấn ra làn ngoài.

Thực ra, ai cũng có cái lý riêng của mình, thật khó để phân định bên nào đúng, bên nào sai? Bởi nếu nhìn vào thực tế giao thông ở nước ta, phần lớn đường phố nội đô (kể cả các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM) đều không phân chia rõ ràng làn dành riêng cho ôtô, xe máy. Có chăng chỉ là vài tuyến đường mới mở, lòng đường rộng, người ta mới kẻ vạch phân làn. Còn không chủ yếu là giao thông hỗn hợp – nơi mà ôtô hay xe máy, về lý thuyết muốn đi làn nào cũng được, miễn là tuân thủ luật.

Và vì luật không cấm, cũng chẳng quy định rằng ôtô phải đi làn bên trái hay xe máy phải đi làn bên phải, nên người tham gia giao thông cũng chỉ biết tự vạch ra tư tưởng làn nào của xe máy, làn nào của ôtô. Để rồi từ đó, khi thấy các phương tiện đi vào làn ngược lại, người ta cho rằng sai luật và liên tục chỉ trích, chửi bới.

Thông thường, chúng ta chỉ đánh giá sự việc dựa theo góc nhìn cá nhân, chứ ít khi đặt mình vào vị trí của người khác để bao quát toàn bộ vấn đề. Chẳng hạn như người đi xe máy luôn nghĩ mình là nhóm yếu thế, ác cảm với người đi ôtô khi bị họ cản đường. Ngược lại, người lái ôtô luôn hậm hực và đổ lỗi cho dân chạy xe máy đi ẩu là nguyên nhân gây tắc đường… Gần như rất ít người chịu đặt câu hỏi ngược lại, liệu mình đã đi đúng chưa, tại sao người ta lại đi như vậy?

>> Ôtô dàn hàng năm trên đường ba làn

Có lần ngồi trên một chiếc taxi đi từ sân bay Nội Bài về trung tâm Hà Nội, tôi được trải nghiệm một cảm giác xây xẩm mặt mày khi người tài xế liên tục “đánh võng” len lỏi giữa làn xe cô đông đúc. Tôi bảo người lái xe: “Sao anh đi liều thế?”. Anh ta cười đáp rằng: “Đường Hà Nội là thế. Nếu không nhanh chân là sẽ bị xe khác tạt đầu cướp đường ngay. Đi rề rề thì có mà đến tối cũng không về tới nơi được”. Dứt lời, người tài xế ngó mặt ra ngoài cửa sổ, lớn tiếng chửi bới một thanh niên đi xe máy vừa tạt đầu xe của anh.

Tới giao lộ có đèn giao thông, khi dừng chờ đèn đỏ, tôi thấy một điều rất kỳ cục ở Việt Nam. Đó là các xe không dừng theo hàng lối mà xe sau so le xe trước, người sau phải nhô ra khỏi người trước theo kiểu không để lọt một khe hở nào. Thậm chí, nhiều người sẵn sàng len lên bất cứ khi nào có thể. Và khi đèn xanh bật sáng, tất cả ùa lên cố chiếm cho mình bằng được thế thượng phong, ganh đua nhau từng mét một. Điều này khác xa so với các đô thị trên thế giới – nơi người ta ý thức xếp hàng cả cây số thẳng tắp, chờ đợi người trước và nối đuôi theo sau.

Tôi chợt nhận ra, người Việt đang tham gia giao thông chủ yếu theo kiểu “mạnh ai nấy được”. Chẳng riêng gì ôtô, hay xe máy, bất cứ ai khi ra đường cũng mang theo tâm lý phải giành phần hơn cho mình. Lâu dần, nó tạo nên thói lái xe bon chen, ích kỷ, tùy tiện.

Vậy có nhất thiết phải phân rõ làn ôtô, xe máy cho mọi tuyến đường để ngăn chặn cảnh các phương tiện giành đường của nhau? Tôi cho là không, bởi nó thiếu khả thi ở mọi quốc gia. Chúng ta không có đủ quỹ đất để mở rộng mọi con đường nội đô ra 6-10 làn. Làn hỗn hợp là thứ ta phải chấp nhận.

Chẳng đâu xa, cứ nhìn sang người bạn hàng xóm của chúng ta là Thái Lan là thấy. Dù Bangkok vốn nổi tiếng với “đặc sản” tắc đường, nhưng khi tới đây du lịch, tôi thấy một điều rất lạ. Ôtô ở đây cũng đông chẳng kém nước ta, mỗi khi ùn tắc, các tài xế cũng dàn hàng ngang từ mép đường bên này sang mép đường bên kia, nhưng xếp hàng thẳng tắp, không có kiểu lồi ra thụt vào như ở ta. Còn xe máy của họ cứ thoải mái len lỏi giữa các hàng ôtô và lưu thông bình thường.

Nói vậy để thấy không nhất thiết cứ phải phân rõ làn phương tiện mới là hay. Thứ quyết định ở đây không phải hạ tầng đô thị mà là ý thức của mỗi người khi tham gia giao thông. Đừng đổ lỗi cho nhau xem ai chiếm làn của ai, ai mới là nguyên nhân tắc đường, bởi nếu mỗi người cứ tập trung đi đúng phần đường của mình, tuân thủ luật giao thông, không tạt ngang, tạt ngửa, đảo làn vô tội vạ để điền vào chỗ trống, thì giao thông tự khắc sẽ trật tự dù chẳng phải phân làn.

Đỗ Hùng Dũng

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *