Giao thông Việt khó ‘kẹt xe ngăn nắp’ giống Đài Loan, vì sao?

Văn minh giao thông không thể trông cậy vào sự tự giác của đám đông mà nó đến từ việc xử phạt nghiêm khắc.

“Nhiều người Việt Nam mình lạ lắm, cách đây vài hôm khi tôi thấy ngã tư (không có đèn giao thông) đang bị kẹt xe, tôi dừng lại để nhường cho những xe đang mắc kẹt giữa ngã tư đi qua thì một xe con bảy chỗ đậu phía sau bấp kèn inh ỏi. Sau đó tài xế cho xe vượt lên phía bên phải của tôi và mở cửa mắng tôi um xùm”.

Độc giả bedieu đồng tình với quan điểm của các tác giả sau hai bài viết Kẹt xe trong ngăn nắp ở nước ngoài và ‘sự vô can’ của người Việt Kẹt xe ngăn nắp ở Đài Loan và ngụy biện của người Việt. Nhiều ý kiến cho rằng, việc chen lấn đã trở thành hiển nhiên với rất nhiều người tham gia giao thông. Vì thế, họ không chịu cầu thị nét văn minh của nước ngoài đểchỉnh sửa hành động của mình dễ dàng.

Độc giả Nguyễn Vĩnh Phong: Ngay cầu số 2 kênh Nhiêu Lộc (TP HCM), giờ đi làm buổi sáng hay chiều tan làm là kẹt (dù có bảng cấm chạy ngược chiều chình ình mà tôi thấy ai cũng cố chạy cho được). Họ, áo quần bảnh bao, đi xe sang cố đi vào đường cấm mới tức chứ. Nhiều lúc thấy vậy suy nghĩ học thức chẳng mua được ý thức.

Độc giả tmt.trang305: Đồng cảm với tác giả, thật sự tôi thấy không ít người Việt không hề có thái độ cầu thị, biết tiếp nhận cái sai để chỉnh sửa. Họ đều viện lý do để nguy biện cho cái ý thức kém như tác giả đã nói.

Khi không có ý để phản bác thì họ sẽ cho là: “sính Âu sính ngoại”, “tự nhục”, “người mình sống vậy quen rồi”. Với suy nghĩ như vậy tôi nghĩ có đến 50 năm nữa tình hình cũng chẳng khá hơn.

Nhiều trường hợp người lớn làm gương xấu cho trẻ con ngay trên đường, độc giả Liên Hà kể: Đúng là cái gì hay thì nên học hỏi. Tôi cũng rất ghét cái kiểu ngụy biện của nhiều người, hay cho rằng lại “sính ngoại, sinh Tây/Tàu”, nên khen, chứ không chịu nhìn thấy mặt tích cực để học tập.

Tôi đi đường nhiều lần vừa đến ngã tư thì đèn chuyển đỏ, dừng xe thì bị xe sau (có lần là những bác già chở cháu nhỏ) húc vào đuôi bảo “sao không vượt đi, ngu thế”.

Tôi không hiểu các bác ấy lớn tuổi rồi thì vội vàng gì, hơn nữa đã lớn tuổi sao không làm gương cho đứa cháu nhỏ ở đằng sau nữa. Cứ người lớn dạy trẻ con kiểu thế này, thì muôn thuở ý thức giao thông ở ta không khá lên được.

Vội vội vàng vàng trên đường, tìm mọi cách luồn lách, chen lấn, leo vỉa hè thậm chí vượt đèn đỏ trong khi lại rất rảnh rỗi, bình thản trong những việc cần kíp, phải chăng đang là đặc tính của nhiều người? Độc giả Bui Hien nêu:

Thực sự rất khó giải thích cho tính bồn chồn, hay như trẻ con nhà tôi gọi là tính “nhoi”, của người mình. Rất khó để họ chờ đợi, mặc dù nhoi xong thì cũng chỉ chơi game hay nặn mụn thôi, nhưng cứ phải nhoi.

Khó kiếm được ai bấm thang máy một lần rồi chờ, đa số sẽ hối hả bấm lia lịa, vào cây xăng, tính tiền siêu thị, chạy xe… lúc nào cũng như không thể chậm một giây. Không thể hiểu đó là tính cách hay ý thức nữa.

Tôi đã từng chứng kiến kẹt xe kinh khủng ở Thái Lan giai đoạn những năm 1990, rồi ở Mexico nữa. Bên đó kẹt xe hơn ta nhiều nhưng họ đều bình thản chờ đến lượt, không ai nhoi cả.

Một số độc giả cho rằng, muốn thấy cảnh “kẹt xe ngăn nắp” ở Việt Nam thì không thể trông cậy vào ý thức, mà phải đến từ sự chế tài của pháp luật:

Ý thức cũng phải được dạy dỗ mà nên. Nếu ở ta, CSGT nghiêm khắc phạt các hành vi vi phạm giao thông thì từ từ mọi chuyện cũng đi vào nề nếp, thói quen như vậy mà thôi.

Còn ngồi đó mà hy vọng, trông chờ vào sự tự ý thức của người dân thì quên đi. Nên nhớ một điều rằng, mặt bằng dân trí trong xã hội luôn có sự phân hóa cao thấp.

Những người có ý thức chấp hành đúng luật, nhưng họ phải chứng kiến những bất công do những người không có ý thức tạo ra ngày này qua ngày khác mà không bị ai xử phạt thì làm sao họ chấp nhận được.

Long Nam

Tôi rất tâm đắc với câu “Chế tài tạo ra ý thức”. Có học hay không đều như nhau trong phạm vi giao thông. Khi bị phạt liên tục, ảnh hưởng nặng nề tài chính lại có thêm hình thức “chế tài” của vợ, chồng, con cái.

Nếu ai cũng chấp hành nghiêm chỉnh, sau một thời gian sẽ thành ý thức, tạo số đông áp đảo những thành phần ý thức kém. Hy vọng cơ quan chức năng tăng phạt tối đa, phạt nóng kèm phạt nguội, phạt qua hình ảnh cung cấp từ camera hành trình, camera an ninh.

Như vậy mọi người dân sẽ chấp hành luật, giao thông được cải thiện và ngân quỹ thêm dồi dào. Quan trọng hơn hết chúng ta sẽ văn minh tiến bộ hơn bây giờ.

Thanh Nguyen

Hữu Nghị tổng hợp

>> Các ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *