Sai lầm rút bảo hiểm xã hội một lần kiếm lãi

Nhiều người sai lầm khi coi bảo hiểm xã hội là một kênh đầu tư, đem so sánh với lãi gửi ngân hàng để cho rằng không được hưởng lợi.

“Tôi thấy rất buồn cười ở chỗ nhiều người vẫn cố tình nhầm lẫn, coi bảo hiểm xã hội là một kênh đầu tư có lãi. Nên nhớ rằng bảo hiểm xã hội là an sinh xã hội, là quyền và nghĩa vụ của người lao động, chứ không phải là tự nguyện. Nó cũng giống như nộp thuế vậy.

Có một thực tế là các doanh nghiệp tư nhân, người lao động thu nhập thấp thường không thích nộp bảo hiểm xã hội. Còn các công ty lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (các nước có dân trí cao) lại rất chú trọng đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, mà lại toàn đóng bằng lương thực lĩnh, chứ không đóng bằng mức lương tối thiểu như nhiều doanh nghiệp trong nước. Và người lao động ở các công ty này cũng nắm rất chắc quyền lợi của bảo hiểm xã hội nên hầu như không bao giờ phản đối, ca thán.

Thực ra, nước nào cũng vậy cả thôi. Về quyền lợi có thể khác nhau, nhưng bảo hiểm thì đương nhiên sẽ có người lợi, có người thiệt, chứ không phải ai cũng lãi và hưởng lợi. Bản thân cái tên “bảo hiểm xã hội” đã nói lên tất cả. Đó là an sinh cho xã hội nói chung, chứ không phải kênh đầu tư lấy lãi cho cá nhân. Nếu bạn chẳng may tử vong sớm thì đương nhiên sẽ thấy mình thiệt vì chưa được hưởng lương hưu. Nhưng nhìn ở khía cạnh khác, những ai sống thọ, hoàn cảnh khó khăn sẽ lại được hưởng lợi từ khoản tiền mà bạn đóng. Đó cũng là một cách san sẻ trong xã hội.

Nhìn ngay ở thời điểm hiện tại, những hộ nghèo, người già neo đơn, người tàn tật, những đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội là đang trích từ tiền bảo hiểm xã hội do người lao động đóng mỗi tháng. An sinh xã hội chính là ở chỗ đó. Giả sử tất cả chúng ta đều không đóng, vậy lấy đâu ra số tiền đó, xã hội sẽ đi đâu về đâu?”.

Đó là quan điểm của độc giả Anh vu trước nhiều ý kiến cho rằng Bảo hiểm xã hội (BHXH) không đem lại lợi ích cho cá nhân người lao động. Trung bình mỗi năm gần 750.000 người rời khỏi hệ thống an sinh, chọn BHXH một lần thay vì chờ hưu trí, tính từ 2016 đến 2020. Năm 2015 khi sửa đổi Luật BHXH, ban soạn thảo từng đề xuất hạn chế nhận BHXH một lần tại Điều 60, nhưng chưa thực hiện được vì công nhân phản ứng. Chính phủ sau đó phải kiến nghị Quốc hội sửa đổi quy định theo hướng để người lao động tự chọn hưởng BHXH một lần, hoặc bảo lưu để đóng tiếp nếu có điều kiện.

>> Đánh cược tuổi già bằng lương hưu

Khẳng định sai lầm của nhiều người khi so sánh lương hưu với lãi gửi tiết kiệm (sau khi rút BHXH một lần), bạn đọc Thi Hang Nguyen cho rằng: “Tôi đã có lương hưu, xin làm một phép so sánh thế này, với lương hưu hiện tại khoảng sáu triêu/ tháng, cũng chỉ bằng gửi tiết kiệm 1-2 tỷ đồng lấy lãi hàng tháng tích luỹ.

Nếu không có biến cố gì, khoản tiền đó sẽ được giữ nguyên trong ngân hàng, điều này hơi khó với người cao tuổi mang trong mình đầy bệnh tật, luôn cần tiền khám chữa bệnh thường xuyên. Vậy lương hưu và khoản Bảo hiểm y tế miễn phí trọn đời cũng không phải là lựa chọn tồi cho người lao động để yên tâm phần nào với tuổi già .

Tuy nhiên, các hình thức đóng và nhiều quy định không linh hoạt trong việc đóng và hưởng BHXH chưa được linh hoạt đang là nguyên nhân khiến người lao đông chưa yên tâm, cụ thể:

1. Quy định về thời gian đóng: Nếu đủ 20 năm đối với nữ và 25 năm đối với nam. Thay vì để người lao động lo lắng làm sao để đóng đủ số năm trên, tôi cho rằng có thể nâng năm công tác lên cho bất kỳ độ tuổi nào (đóng đủ sớm có thể nghỉ sớm).

2. Về số tiền: Quy định mức lương tối thiểu và tối đa chỉ áp dụng cho doanh nghiệp, còn ai thích đóng cao hay thấp là lựa chọn của người lao động và doanh nghiệp chi trả.

3. Mức hưởng 75 % tổng lương khi về hưu: Liệu có thấp quá không, khi người lao động đã cống hiến hết đời mình, tàn tạ về sức khoẻ và phải nghỉ ngơi, nay bỗng dưng bị cắt còn 75 %? Nhiều người vì thế không nhận ra đâu là phúc lợi xã hội nữa.

Đó là những lý do khiến nhiều người lao động e ngại BHXH. Vấn đề là các cơ quan ban ngành cần giải quyết triệt để những thắc mắc đó của để lấy lại niềm tin từ người dân”.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cảnh báo rút BHXH một lần trở thành “Thực trạng đáng lo ngại ảnh hưởng trực tiếp quyền lợi người lao động và tác động đến an sinh của Nhà nước”. Giai đoạn 2016-2020 “cứ hai người tham gia vào hệ thống BHXH thì một người lại rời đi. Xu hướng này tiếp tục gia tăng. Nhấn mạnh những rủi ro khó lường khi rút BHXH một lần để đem đi đầu tư hoặc gửi tiết kiệm, độc giả Hung Nguyen chỉ rõ: “Tôi đảm bảo rằng chẳng ai trên cõi đời này cứ hàng tháng bỏ vào ngân hàng một số tiền cố định, đều đặn suốt 20 năm mà không rút ra được cả. Giả sử lương tháng bạn nhận là 13,2 triệu đồng. Liệu ai có thể đảm bảo tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc trích ra 3,2 triệu để gửi tiết kiệm liên tục mỗi tháng? Tôi tin không nhiều người làm nổi việc đó.

Chưa kể khi đem tiền đi đầu tư, lãi cao sẽ kéo theo rủi ro cao. Liệu bạn có dám chắc mình không mất tiền? Nếu mất thì sao? Quanh tôi có rất nhiều người già không lương hưu. Có người thì có nhà cho thuê hay có đất bán thì cuộc sống không vấn đề; nhưng người không có nhà, đất thì sống rất chật vật, họ chỉ cần vài triệu lương hưu mỗi tháng là sống đủ vậy, mà không có”.

Việt Thành tổng hợp

>> Các ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bà itại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *