Trầm cảm là ‘tảng đá nghìn cân’ đè lên tâm lý

Vết thương ngoài da dù có đau đến mấy cũng sẽ lành lặn theo thời gian, nhng vết thương trong lòng thì rất khó có thể lành lại được.

Có lẽ bởi vì thế mà trên thế giới này vẫn luôn có nhiều người phải chịu dằn vặt nội tâm. Thậm chí họ đã phải gánh chịu vô số những nhát dao vô hình liên tục cứa mạnh vào trái tim họ từng ngày, từng giờ, từng phút và từng giây.

Điều đó khiến cho tâm lý của họ rơi vào trạng thái bất ổn kéo dài, họ bị đắm chìm trong sự tiêu cực và nỗi buồn dai dẳng. Dường như là họ đã mắc phải một căn bệnh hành hạ cả thể xác lẫn tâm hồn, và người ta gọi đó là căn bệnh trầm cảm.

Khi con người ta mắc phải căn bệnh trầm cảm thì đồng nghĩa với việc tâm lý của họ đã bị tác động mạnh bởi một hoặc nhiều yếu tố nào đó cực kỳ quan trọng liên quan đến cuộc sống của họ. Đó có thể là vì vấn đề tình cảm, tiền bạc, học tập hay sức khỏe, hoặc cũng có thể là một số lý do khác. Tuy nhiên, tất cả những lý do trên đều có một điểm chung đó là chúng gây ra một áp lực hết sức khủng khiếp, khủng khiếp tới nỗi mà nó đeo bám và khiến cho người ta có cảm giác như bản thân mình bị một hòn đá tảng ngàn cân đè nặng lên tâm lý và họ phải sống chung với nó mỗi ngày vậy.

>>Tôi chiến đấu chống bệnh trầm cảm ở tuổi 34

Khi bạn bị trầm cảm, cuộc sống sẽ trở nên tồi tệ trong mắt bạn, mọi thứ xung quanh dường như đều trở nên vô nghĩa, bạn không tìm thấy sự lạc quan và cảm thấy bất lực.

Bạn cũng sẽ trở nên nhạy cảm hơn, bất cứ một câu nói hay một hành động nhỏ nào đó cũng có thể tác động đến tâm lý của bạn. Bạn thường ra ngoài với chiếc mặt nạ vui tươi và trở về nhà với gương mặt sầu não, người ngoài cứ nghĩ rằng bạn ổn mà không hề biết rằng bạn đang phải gánh chịu những nỗi buồn lớn đến cỡ nào.

Bề ngoài thì tỏ ra lạc quan yêu đời thế thôi nhưng bên trong lại trần đầy sự tiêu cực. Dường như mỗi ngày trôi qua, tính cách của bạn đã thay đổi, bạn dần trở nên sống khép kín và ít giao tiếp với mọi người. Tâm trạng của bạn cũng thay đổi một cách thất thường, nhiều lúc cáu gắt, giận dữ mất kiểm soát. Có những nỗi buồn mà bạn không muốn kể cho người khác biết bởi vì bạn sợ.

Bạn sợ họ sẽ chê cười mình, không hiểu cho mình hoặc đơn giản bạn không muốn họ lo lắng cho mình. Bạn cứ thế một mình chịu đựng cơn mưa dầm thấm lâu mang tên “áp lực và nỗi buồn” chút thằng xuống bản thân bạn.

Mỗi khi màn đêm buông xuống, không gian yên tĩnh kèm theo sự cô đơn càng khiến cho tâm tư của bạn trở nên rối loạn và khó chịu hơn, nó làm tăng cảm giác đau buồn trong lòng bạn. Bạn chẳng thể nào ngủ được, đầu óc liên tục suy nghĩ về mọi thứ khó khăn mà cuộc sống hàng ngày bạn gặp phải. Những lúc như vậy, bạn lại bật một vài bản nhạc buồn lên nghe, đôi khi lại tìm tới thuốc lá, bia rượu, một vài viên thuốc ngủ hoặc thuốc an thần. Từng ngày từng ngày cứ thế qua đi, bạn sống như người mất hồn, sức khỏe thì ngày càng giảm sút, hai hàng nước mắt vẫn tuôn rơi. Bạn dần dần mất đi động lực sống, sự bế tắc hiện rõ trong đầu và bạn cảm thấy lạc lõng trong thế giới này.

>>‘Thật khó để thấu hiểu và cảm thông với người bị trầm cảm’

Nhiều người cứ nghĩ những người hay sống tiêu cực là những kẻ yếu đuối và xa lánh họ. Nhưng mọi người biết không, chỉ có những ai đã từng trải qua và đồng cảnh ngộ với những người như vậy thì mới thực sự hiểu được nỗi khổ tâm của họ là như thế nào. Áp lực cuộc sống, nỗi buồn kéo dài đâu phải là thứ dễ dàng thoát khỏi như vậy. Sự lạc quan và ý chí mạnh mẽ là chưa đủ để kéo họ ra khỏi vũng bùn tăm tối ấy được. Chẳng ai là muốn mình đắm chìm trong sự tiêu cực mãi cả, chỉ là họ chưa biết cách làm sao để thoát khỏi nó mà thôi.

Bệnh trầm cảm không khiến cho họ chết nhưng họ có thể vì bệnh trầm cảm mà tự kết liễu cuộc đời mình. Có lẽ đó là cách giải thoát mà nhiều người muốn lựa chọn, họ muốn kết thúc ngay cuộc sống không bằng chết này. Nhưng cách đó thật khiến người ta phải đau lòng và ám ảnh. Người bị trầm cảm đáng thương lắm, họ cần được mọi người quan tâm, an ủi và động viên, nhất là đối với người thân. Đó sẽ là nguồn động lực to lớn thúc đẩy để họ vươn lên trong cuộc sống, họ sẽ tìm thấy sự lạc quan và yêu đời hơn, khó khăn sẽ dần được giải quyết, nỗi buồn cũng vì thế mà vơi đi.

>>Vì sao người mắc bệnh trầm cảm thường tìm đến cái chết?

Lời cuối cùng tôi muốn nói với mọi người rằng, nếu các bạn đang bị trầm cảm thì hãy giữ vững tinh thần đối mặt với mọi khó khăn nhé, các bạn nên đến gặp bác sĩ tâm lý hoặc tâm sự với bạn bè, người thân để trải lòng, nếu có thể thì hãy cố gắng làm cho cuộc sống của mình thật bận rộn để tạm quên đi một phần áp lực to lớn trong lòng. hy vọng các bạn sẽ sớm vượt qua giai đoạn khó khăn này. Còn những ai mà có người quen đang có nguy cơ hoặc đang bị trầm cảm thì hãy luôn luôn ở bên cạnh quan tâm, chăm sóc và yêu thương họ bởi vì họ đáng được che chở như vậy.

Và còn nữa, mong sao những bạn đã từng bị trầm cảm trong quá khứ và đã vượt qua nó thì hãy truyền đạt kinh nghiệm quý báu và giúp đỡ những bạn đang mắc phải căn bệnh trầm cảm nhé. ‘Âm nhạc có nốt trầm nốt bổng, cuộc đời con người cũng vậy. Có lúc trầm lắng thì cũng sẽ có lúc bay bổng”.

Tôn Tuyền

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *