Nhiều phụ nữ đơn độc nuôi con sau ly dị

Sau khi ly dị, nhiều đàn ông không chu cấp đầy đủ cho con cái đến khi chúng 18 tuổi.

Tiền trợ cấp nuôi con dưới 18 tuổi là quyền lợi tối thiểu của đứa trẻ mà cha, mẹ bắt buộc phải đóng góp sau khi ly hôn. Và người đang nuôi dưỡng trẻ không được từ chối quyền được thăm hỏi trẻ – là quyền hợp pháp của người cha, mẹ.

Người cha phải thực hiện chu cấp cho trẻ (thông qua người nuôi dưỡng trẻ) tới khi trẻ đủ 18 tuổi mới hết nghĩa vụ. Kinh tế kém chỉ là một lý do để “ăn quịt”. Rất nhiều người cha có kinh tế khá vẫn không trợ cấp, hoặc chỉ đóng góp nuôi con cho vợ cũ theo kiểu “nắng mưa”.

Nhiều người có tư tưởng ban ơn cho vợ cũ, cho rằng tiền nuôi dưỡng con là một thứ ơn huệ cho vợ cũ nên sẵn sàng “cắt” nếu “thấy ghét”. Chúng ta chưa có đủ chế tài để bảo vệ quyền lợi trẻ em và phụ nữ nên những người cha này ngang nhiên “ăn chặn” miếng cơm manh áo của những đứa trẻ.

Tôi thấy cần bổ sung các hình thức xử lý mạnh hơn với những người cha, mẹ không trợ cấp nuôi con sau ly hôn. Về mặt xã hội, tôi thực sự bức xúc khi hiều người, thậm chí cũng là phụ nữ, ngay lập tức đổ lỗi cho người mẹ, trách họ “đẻ bừa”, chì chiết họ không chuẩn bị kinh tế mà “đẻ theo phong trào”. Người nghèo thì không nên đẻ ư?

Sinh con là một nghĩa vụ xã hội cao cả của phụ nữ. Đó là nghĩa vụ tạo ra lực lượng sản xuất ở thế hệ tiếp theo, để thay thế và chăm sóc thế hệ hiện tại khi về già (kể cả bạn chọn nhà dưỡng lão làm nơi an cư thì người chăm sóc bạn ở đó cũng là thế hệ sau).

Khoa học đã chứng minh là độ tuổi sinh con tốt nhất là khoảng 25 tuổi, và người phụ nữ càng lớn tuổi thì xác suất sinh trẻ bị dị tật càng lớn. Sinh con là một công việc vô cùng nặng nề, phải hy sinh máu thịt, trí tuệ của người phụ nữ. Nhưng so với việc nuôi con một mình thì… người đàn bà đó phải có nghị lực và quyết tâm vô cùng lớn lao.

Sao mọi người không nhìn thấy sự cố gắng, vất vả bươn chải mỗi ngày của mẹ đơn thân? Chồng cũ có chu cấp cho con hay không thì hàng ngày người mẹ vẫn phải đáp ứng nhu cầu và quyền con người của đứa trẻ là có cơm ăn, áo mặc, có chốn nương thân, có người bảo vệ và chăm sóc sức khỏe. Người cha từ chối chu cấp cho con là đang xâm phạm vào quyền và lợi ích hợp pháp của đứa trẻ.

Hoang Son

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *