Ác mộng ‘làm giàu nhanh’

Cần cù, siêng năng, nhẫn nại, chăm lao động… là đức tính chung của người Việt, mà chúng ta có dịp học ở trường. Tuy nhiên, đời sống thực tại cũng cho ta thấy không ít người nuôi mộng làm giàu nhanh, một bước lên tiên, làm ít mà vẫn có của nhiều để ăn. Họ chính là những nạn nhân của các trò lừa đảo mà ta thường thấy.

Với việc đổ vỡ gần 200 tỷ của ứng dụng Coolcat và hàng loạt các ứng dụng kiếm tiền online đa cấp có dấu hiệu lừa đảo mà nhiều người đang kêu cứu, tôi có cái nhìn khác về những “nạn nhân” này.

Thoạt tiên, các các ứng dụng làm giàu nhanh dạng này luôn đưa ra những lời hứa hẹn đầy hấp dẫn. Người chơi chỉ cần nạp tiền và tham gia các nhiệm vụ vô cùng tào lao là có thể căng mắt nhìn tiền nhảy số trong tài khoản từng ngày, thậm chí từng giờ.

>> Tôi không chơi vì Bitcoin quá vô lý

Nhưng trên đời này làm gì có việc kiếm tiền dễ dàng đến thế? Chúng ta có thể nhìn lại, các vụ lừa đảo tương tự như trên xuất phát ban đầu từ bán hàng đa cấp. Người tham gia phải đóng tiền rồi dụ dỗ bạn bè, người thân, đồng nghiệp mua hàng để nhận “hoa hồng”, “phí giới thiệu” nhiều tiền. Chiêu trò cũ rích này đã bị vạch trần cách đây khá lâu rồi. Chỉ cần tìm kiếm trên mạng và bỏ thời gian ra đọc là có thể nắm được hành vi, thủ đoạn của chúng để phòng tránh. Bán hàng đa cấp và nạp tiền tham gia các ứng dụng làm giàu nhanh có cùng cung cách lừa đảo, không khó để nhận ra.

Bởi câu hỏi mấu chốt là: Ứng dụng sẽ lấy tiền từ đâu để trả lãi khủng nếu mình tham gia? Nếu họ kinh doanh có hiệu quả như vậy thì tại sao lại đi huy động vốn lẻ tẻ, lung tung từ nhiều người như thế? Trên đời này có việc không làm mà vẫn có ăn không? Hàng tá câu hỏi có thể đặt ra để ngờ vực và kiểm chứng.

Dĩ nhiên, với một người hiểu các giá trị và thành quả của lao động, họ sẽ không tham gia và không bao giờ bị mắc bẫy. Thế nhưng, vì sao hàng trăm, hàng nghìn người vẫn tình nguyện đổ tiền vào các ứng dụng đấy rồi lại kêu cứu?

Tôi nghĩ rằng, chỉ một số ít người thực sự là nạn nhân vì họ thiếu thông tin hoặc tin tưởng người thân, bạn bè. Số đông còn lại biết chắc là lừa những vẫn tham gia vì tâm lý “tranh thủ hốt hàng” hoặc “chắc nó chừa mình ra, mình sẽ rút chân thu hồi vốn lẫn lãi trước khi ứng dụng sập”. Và điều quan trọng là họ muốn làm giàu nhanh mà không phải làm việc nhiều. Trong chớp mắt là có hàng đống tiền mà không cần phải trải qua quá trình lao động, tích luỹ và đầu tư.

>> Sốt tiền ảo Bitcoin giống bong bóng dotcom năm xưa

Họ kêu gọi, giới thiệu bạn bè tham gia vì hiểu rõ các ứng dụng lừa đảo này cần càng nhiều người tham gia càng tốt, bởi thế mới có tiền của người sau để trả cho người trước được. Ai xui xẻo là nạn nhân bị chốt hạ cuối cùng thì đành kệ vậy.

Chính những thành phần này góp phần cho các trò lừa đảo có đất sống mãi. Cứ một thời gian là xã hội lại một phen nháo nhào vì một trò lừa nào đó bị đổ vỡ. Đây là một bài học học mãi đã hết bài nhưng nhiều người vẫn không chịu kết thúc môn học.

Tất cả cũng từ tâm lý lười lao động và ham làm giàu nhanh. Trước khi pháp luật có các chế tài, tôi nghĩ mỗi người cần tỉnh táo. Ai cũng có 24 tiếng trong ngày để học tập, lao động. Sự giàu có chỉ đến với những người lao động nghiêm túc, chăm chỉ và sự tính toán chi ly. Còn ai muốn làm giàu nhanh mà không phải lao động thì chẳng chóng thì chầy, sẽ học được những bài học nhớ đời mà thôi.

Lê Lê

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *