Tôi để con sáu tuổi chưa biết đọc

‘Con tôi bốn tuổi có thể nói bốn thứ tiếng nhưng sáu tuổi vẫn chưa biết đọc vì tôi không bắt học nhồi nhét’.

“Ba con của tôi sáu tuổi vẫn chưa biết đọc. Gia đình tôi ở nước ngoài nên việc dạy học không nhồi nhét vô đầu. Mấy bé nhà tôi bốn tuổi đã biết nói bốn thứ tiếng: tiếng Hoa của bố, tiếng Việt của mẹ, tiếng bản địa và tiếng Anh. Khi nói chuyện với bố, con nhất định nói theo tiếng của bố; ngược lại với mẹ cũng vậy. Khi ở trường các bé học bằng tiếng bản địa. Cuối tuần xem phim, con lại chỉ nghe tiếng Anh.

Thế nhưng, sau bảy tuổi, các bé đều biết viết và đọc tiếng Việt dù vợ chồng tôi không dạy con kiểu nhồi nhét. Quan trọng các bé phải rèn luyện đạo đức, lễ nghĩa từ nhỏ, chuyện học chỉ nên phù hợp theo từng độ tuổi của bé”.

Đó là chia sẻ của độc giả Long xung quanh câu chuyện “Con 3 tuổi vợ đã bắt học mỗi ngày 30 phút“. Ở nước ngoài, giai đoạn 4-5 tuổi trẻ con được tự do vui chơi và phát triển trí thông minh cùng sức sáng tạo một cách tự nhiên cùng với ý thức rõ ràng. Trong khi xu hướng ngày nay ở Việt Nam là nhiều em bé chỉ mới 2-3 tuổi, thậm chí nhỏ hơn đã “được” bố mẹ cho đi học đủ các thể loại với mong muốn con mình trở thành thiên tài, từ lớp học thần đồng, học Toán, tiếng Anh, múa, piano… Và phổ biến nhất với các phụ huynh là cho con học chữ từ bé.

Không đồng tình với quan điểm dạy con học từ sớm, bạn đọc Dangnhapthietbididong nhấn mạnh: “Tôi không biết các phụ huynh ở ta dạy con ra sao? Nhưng tôi thuộc thế hệ 8x, có hai con (chín và bảy tuổi), hai bé học bán trú ở trường tới 17h mới về nhà. Tối đến, tôi chỉ cho hai bé chơi xếp giấy, vẽ… Đến 21h30 là các con lên giường đi ngủ, đêm nào cũng vậy. Ngày nghỉ, tôi cho hai bé đi bơi, đạp xe hay ăn uống bên ngoài cùng bố mẹ.

Còn cách tôi kiểm tra bài bé rất đơn giản: ví dụ khi bé đang chơi, tôi hỏi con ‘nếu con xếp một đêm được năm con hạc giấy thì sau chín đêm có tổng bao nhiêu con?’. Hoặc khi bé cầm tờ giấy xếp, tôi hỏi con ‘tờ giấy hình gì?’ rồi liên hệ cách tính diện tích hình chữ nhật. Xong xuôi, tôi lại để bé chơi tiếp…

Thật ra, việc học cả đời. Tuổi thơ của tôi thì một buổi đi học, một buổi còn lại rong ruổi trên các đồi, ao, ruộng bắt cá, cua, chim, hái sim, ổi… Thế nên tôi cũng muốn tuổi thơ của con mình cũng được thoải mái như vậy. Tôi thấy rằng chương trình giáo dục chúng ta đang khá nặng, lại thử nghiệm sách giáo khoa. Nên việc dạy con đúng hay sai là tùy vào mỗi gia đình cảm nhận”.

Chỉ ra sai lầm trong tư tưởng của nhiều cha mẹ Việt khi bắt con học sớm, độc giả Hương Maik cho rằng: “Nhiều người cứ nhìn thấy con người khác giỏi giang, rồi muốn con mình cũng phải được như vậy. Thế nhưng, họ không nghĩ được rằng bố mẹ chúng cũng đâu có gì nổi trội hơn người mà muốn con phải giỏi?

Trẻ con ba tuổi cứ ăn, chơi ngoan và tự đi ngủ được là một sự may mắn rồi. Sao lại cứ bắt chúng phải học, trong khi chuyện học là cả đời, để sang năm tuổi học cũng đâu có muộn? Cuối cùng rồi cũng chỉ vào đại học chứ có gì to tát đâu mà làm khổ trẻ nhỏ?”.

>> ‘Trẻ 4 tuổi chưa biết chữ bị cho là chậm phát triển’

Ai cũng mong muốn con giỏi, con thông minh, vậy nhưng có nhiều bố mẹ vì quá chạy đua theo “phương pháp giáo dục sớm” cùng với “phát triển trí tuệ từ sơ sinh” một cách mù quáng và đã làm mất đi ước mơ và cơ hội phát triển đầy đủ với nhiều giá trị khác của trẻ. Bố mẹ nào cũng chạy theo trào lưu cho trẻ đi học trước khi vào lớp 1 hiện nay mà không cân nhắc những tác hại, là giỏi đâu chưa thấy mà chỉ làm trẻ gặp phải những nguy cơ khôn lường”.

Bạn đọc Bluesea106 nêu quan điểm về cách dạy con: “Con tôi mới 1,5 tuổi nhưng tôi đọc sách với con hằng ngày, không nhất thiết phải buổi tối. Bất cứ khi nào rảnh là tôi lại đọc những cuốn sách tranh, bé rất thích vì được chỉ chỏ, bi ba bi bô. Nhà tôi cũng có nhiều sách cho bé tự chọn, bởi tôi không muốn bé coi TV hay dùng smartphone quá nhiều.

Về chuyện học, tôi để con học qua những món đồ chơi mình mua, khuyến khích con sáng tạo. Tôi có thể dạy con qua những công việc bình thường hằng ngày, chẳng hạn khi trồng cây làm vườn sau nhà, tôi sẽ nói chuyện và giải thích cho con tại sao mẹ làm vậy? Tuy bây giờ con tôi còn nhỏ, chưa hiểu nhiều, nhưng tôi tập thói quen để sau này con sẽ thích thú tìm hiểu và biết hỏi tại sao thế này, thế kia?”.

Đồng quan điểm, độc giả Na Còi nhấn mạnh tác dụng của việc không bắt trẻ học sớm: “Nhìn từ hoàn cảnh của tôi, mẹ cũng cho tôi tiếp xúc với mặt chữ ngay từ khi còn rất bé. Năm bốn tuổi, tôi có thể đọc vanh vách tất cả các bài trong quyển tiếng Việt lớp 1, chỉ bài nào là đọc hết bài đó. Nhưng đến khi vào lớp 1, tôi quên hết con chữ. Vậy nên, quan điểm của tôi là đừng bắt trẻ con học sớm, thời gian này, hãy rèn luyện, hình thành nhân cách tốt cho con và quan sát xem chúng có năng khiếu gì để có hướng phát triển”.

Nhiều bậc cha mẹ luôn lo sợ con mình kém hiểu biết so với bạn bè, thua các bạn ở lớp đã biết đọc biết viết và cố dạy con bảng chữ cái ngay từ khi lên bốn, lên năm. Họ đem khoe với nhau con mình đã biết đọc chữ này chữ kia và tự hào vui mừng về việc con mình biết chữ từ nhỏ nhưng không biết rằng chính điều đó lại đang giết chết tính sáng tạo và thông minh đang rất phát triển ở trẻ độ tuổi này.

Việt Thành tổng hợp

>>Các ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *