Tôi không dám lái xe ra đường dù có bằng lái

Là nữ giới, có bằng lái hẳn hoi, nhưng tôi rất ít khi tự mình cầm lái vì nhận thấy bản thân dễ mất bình tĩnh khi gặp bất ngờ.

Chứng kiến vụ việc nữ tài xế điều khiển ôtô bảy chỗ mất lái, tông nhiều xe máy, rồi lao lên vỉa hè khiến ba người bị thương ở Vũng Tàu, tôi thực sự cảm thấy đáng ngại cho kỹ năng lái xe của một bộ phận tài xế Việt, đặc biệt là các chị em.

Sự việc xảy ra vào khoảng 17h ngày 5/5, trên đường Nguyễn An Ninh, thành phố Vũng Tàu được camera an ninh ghi lại. Cụ thể, ôtô bảy chỗ do một người phụ nữ điều khiển lưu thông trên đường Nguyễn An Ninh hướng từ Siêu thị Co-op Mart Vũng Tàu về Ngã tư Giếng Nước (TP Vũng Tàu) bất ngờ tông vào hai xe máy phía trước, rồi lao lên vỉa hè tông vào xe máy và hai người trên đó. Chiếc xe chỉ dừng lại khi tông trúng một cột điện và gốc cây gần đó.

Ôtô 7 chỗ lao lên vỉa hè TP Vũng Tàu.

Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên những vụ tai nạn xe điên xảy ra trên đường phố. Không ít trong số đó được ghi nhận người ngồi sau vô lăng là nữ giới. Trước đó, vào ngày 26/12/2020, một nữ tài xế cố đánh chiếc Hyundai Grand i10 ra khỏi chỗ đỗ thì bất ngờ đạp nhầm chân ga khiến chiếc xe mất lái, tông hàng loạt xe máy, ôtô đỗ bên đường. Hay như vụ việc xảy ra vào hồi tháng tám, khi nữ tài xế 23 tuổi, quê Lâm Đồng điều khiển ôtô bốn chỗ hiệu Camry chạy trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh, TP HCM bất ngờ lao vào đoàn người đang dừng chờ đèn đỏ và gây ra vụ tai nạn liên hoàn.

Tôi cho rằng, vấn đề không chỉ nằm ở khả năng lái xe, vì cả nam và nữ đều có thể lái được ôtô sau một thời gian học và thi bằng lái theo đúng quy định. Pháp luật của chúng ta cũng không hề cấm phụ nữ lái ôtô, đó là một sự công nhận bình đẳng giới khi tham gia giao thông. Thế nên chúng ta không có lý gì lại đi lên án các nữ tài xế.

Mấu chốt của vấn đề ở đây, theo tôi nằm ở kỹ năng xử lý tình huống khi lái xe trên đường. Xét về khía cạnh này, đương nhiên phụ nữ không thể làm tốt bằng đàn ông. Người phụ nữ thường có thần kinh yếu, dễ mất bình tĩnh và hoảng loạn khi gặp sự cố bất ngờ trên đường, dẫn tới việc thao tác sai, khiến tình hình càng thêm trầm trọng hơn. Đây chính là nguyên nhân khiến không ít nữ tài xế gặp họa trên đường.

Những kết quả nghiên cứu chuyên sâu trên các tạp chí khoa học có uy tín về an toàn giao thông trên thế giới cho thấy nam giới có tỷ lệ gây tai nạn giao thông cao hơn nữ giới. Tuy nhiên, nếu tính riêng nữ giới lái xe và tỷ lệ trên sẽ thấy số vụ tai nạn do nữ gây ra trên tổng số lái xe là khá lớn. Nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra, phụ nữ có những đặc điểm sinh học hạn chế khả năng lái xe của họ so với nam giới như: dễ nổi cáu khi cầm lái; khả năng tập trung, xử lý thông tin, ra quyết định tức thì không tốt; khả năng cảm nhận không gian ba chiều kém…

Bản thân tôi cũng là một người phụ nữ có bằng lái xe (tôi học và thi nghiêm túc, thực chất, chứ không phải mua bằng hay chạy điểm). Ấy thế nhưng tôi rất ít khi tự cầm lái khi có chồng đi cùng. Ngay cả người nhà cũng không để tôi tự ý lái xe khi không ở trong những hoàn cảnh bắt buộc. Nguyên nhân là tôi hay mất bình tĩnh, dễ luống cuống khi gặp những tình huống bất ngờ trên đường.

Nếu đường thông, hè thoáng (giống như khi thi sát hạch lái xe) tôi có thể lái xe không thua kém chồng. Nhưng khi sự cố bất ngờ xảy ra không báo trước, tôi thường mất kiểm soát và hay gây hậu quả. Tôi từng lao thẳng xe vào bờ tường trong khi đang cố đánh xe ra khỏi chỗ hẹp và bất ngờ gặp một con chó băng ngang mũi xe, rất may không gây thiệt hại cho người khác. Sau lần ấy, tôi tự ý thức được rằng bản thân xử lý tình huống thực tế không tốt và hạn chế trực tiếp lái xe khi đường đông.

>> Ôtô gắn cảnh báo ‘phụ nữ lái xe’

Tôi cho rằng, bất kể ai cũng không nên điều khiển ôtô nếu thấy không có đủ khả năng hoặc tự tin có thể bình tĩnh với đám đông xe máy. Không phải cứ có bằng lái là có thể lái xe được, quan trọng nhất là bạn phải khống chế được chiếc xe, làm chủ được tay lái trong mọi tình huống thực tế. Điển hình là gần đây, rất nhiều chị em có bằng lái hẳn hoi nhưng khi điều khiển xe ra đường lại luống cuống, mất kiểm soát, mất lái, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Nếu cảm thấy mình không đủ hoặc chưa đủ kỹ năng này thì tốt nhất bạn đừng nên ngồi vào ghế lái.

Bên cạnh đó, trong quá trình học và thi sát hạch lái xe, tôi tùng gặp nhiều trường hợp phụ nữ trung niên, khá giả dùng tiền để thuê người học hộ, thi hộ, mua điểm, mua bằng để có giấy phép lái xe. Việc học và thi với họ chỉ là cho có, cho đủ, chứ khả năng lái xe thực tế rất tệ. Chính những trường hợp như thế là mầm họa cho giao thông Việt. Chẳng ai dám chắc những người thiếu kỹ năng kia khi lái xe trên đường, với vô vàn tình huống bất ngờ, sẽ gây nên những hậu quả khủng khiếp đến mức nào?

Với những gì trực tiếp trải nghiệm và cảm nhận, tôi cho rằng đường phố Việt, nhất là tại các đô thị lớn, không thật phù hợp cho nữ giới lái xe: đường nhỏ, hẹp, mật độ giao thông lớn, nhiều ngõ ngách hai bên, nhiều người lái xe thiếu ý thức, vi phạm luật giao thông, không nhường nhịn người khác… Tất cả những yếu tố đó khiến người tài xế phải đối mặt với hàng tá tình huống bất ngờ trên đường – điều mà không phải chị em nào cũng có thể vượt qua được.

Vậy nên, chốt lại, dù không kỳ thị phụ nữ lái xe, tuy nhiên, tôi cho rằng, các chị em nên thật bình tĩnh, cân nhắc thấu đáo về khả năng của bản thân trước khi cầm lái ra đường. Đừng đánh liều tính mạng của mình và người khác khi chưa chắc có thể làm chủ được tay lái của mình. Cũng đừng làm xấu thêm hình ảnh những người phụ nữ ngồi sau vô lăng. Để đảm bảo an toàn, phụ nữ trước khi tự lái xe một mình cần được bổ túc tay lái trên đường nhiều hơn.

Thu Nguyệt

>> Bài viếtkhông nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *