Sống dư dả vì bố mẹ không đổ tiền mua nhà đất

Thay vì dùng tiền mua đất làm giàu như người khác, bố mẹ tôi lại mua TV, máy nghe nhạc, xe máy… để phục vụ nhu cầu của gia đình.

Đọc bài viết “Không mua xe để có bốn căn nhà Sài Gòn” của tác giả Quoc Khanh, tôi có một vài suy nghĩ về chuyện hưởng thụ hay tiết kiệm? Theo tôi, có những lúc bạn cần tích lũy cho gia đình, nhưng cũng có những lúc cần chi ra để mua sắm phục vụ cho gia đình. Bố mẹ tôi là những người như vậy khi cân đối hai việc này rất rõ ràng.

Khi gia đình chưa đủ đất canh tác, họ dùng tiền mua thêm. Sau khi tích lũy đủ số lượng đất để cho gia đình canh tác thì không mua nữa, chuyển sang tiết kiệm. Tiền tiết kiệm sau này, họ trích ra mua vật dụng để sử dụng nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống.

Như thập niên 80, bố mẹ trích ra một khoản khá khá để mua TV, máy nghe nhạc và xe máy. Thời đó, nơi tôi ở chưa có điện, nên TV và máy nghe nhạc đều sử dụng bằng bình ắc quy. Ngày chưa có xe máy, mỗi lần vào thành phố mua vật tư nông nghiệp, bố mẹ tôi đều phải đi bằng xe đạp, hết nguyên cả một ngày, những lúc mưa gió vô cùng cực (vì thời đó không có phương tiện công cộng). Sau này, khi có xe máy, việc di chuyển của bố mẹ rất thoải mái, nhẹ nhàng.

Nếu bố mẹ tôi dùng số tiền đó để mua đất làm giàu, chắc cũng sẽ được khá nhiều. Nhưng bù lại, việc không mua đất mà mua xe, sắm sửa nhà cửa lại mang lại nhiều lợi ích khác.

Đầu thập niên 90, sau khi tốt nghiệp Cao đẳng ở tỉnh, tôi lên thành phố học lên Đại học vào buổi tối. Ban ngày, tôi đi làm toàn thời gian cho một công ty chuyên kinh doanh phụ liệu giày dép. Công việc chính là đi giao hàng đến các hộ sản xuất giày dép và thu tiền về cho công ty. Để thuận tiện đi làm và về thăm nhà, bố mẹ mua cho tôi chiếc xe gắn máy, đâu đó hết tầm 1,3 cây vàng.

Mức thu nhập đầu tiên lúc đó của tôi khoảng 700 nghìn đồng, bao gồm các khoản phụ cấp. Tôi chỉ chi tiền ăn, học phí, tiền xăng. Tôi ở chung nhà của chị (được bố mẹ mua cho khi đi lấy chồng) nên không mất tiền thuê nhà. Hàng tháng, tôi tiết kiệm được khoảng 400 nghìn đồng, tất cả đều được chuyển qua mua vàng cất. Sau một năm, thu nhập của tôi tăng lên được một triệu đồng, sang năm thứ hai là 1,3 triệu đồng…

Những ngày trong tuần, buổi nào không phải đi học, tôi đều chạy thêm hàng ngoài theo yêu cầu của khách hàng. Khoản thu nhập thêm này, tháng nào ít nhất cũng bằng thu nhập chính. Nhờ đó, sau khi tốt nghiệp Đại học, tôi đã có một khoản tiết kiệm kha khá.

>> 20 năm mua nhà đất để có gấp 80 lần tài sản

Rõ ràng, nếu bố mẹ tôi không nhìn xa trông rộng, đầu tư cho con cái, mà luôn có suy nghĩ bỏ tiền vào đất, thì tôi làm gì có cơ hội kiếm được công việc thu nhập tốt ngay từ khi còn là sinh viên.

Sau khi tốt nghiệp Đại học, tôi trở về tỉnh làm việc cho một công ty nước ngoài. Sau hai năm làm việc, tôi lập gia đình. Nhà cửa tôi đã mua lúc còn đang làm ở thành phố, đó là một căn nhà cấp bốn trên diện tích đất 210 m2, giá 20 triệu đồng. Để xây dựng nền tảng cho gia đình nhỏ của mình, tôi cũng thực hiện theo cách bố mẹ đã làm trước đây.

Tôi quan niệm sống ở đâu thì phải có nhà cửa làm ăn ổn định ở nơi đó. Năm 2000, vợ chồng tôi đã có được khoản tiết kiệm đủ để mua một chiếc xe bốn bánh. Nhưng do nhu cầu chưa cần thiết nên chúng tôi chuyển qua mua căn nhà mặt đường để có kế hoạch ra làm ăn khi nghỉ việc ở công ty.

Tôi có hai con trai, nên chọn mua nhà mặt đất ở vị trí có thể làm ăn được, để dành sau này cho con ở nếu cần đến. Tôi cũng không có khái niệm mua đi bán lại để kiếm lời. Thu nhập sau này, tôi dùng để đầu tư cho con học, xây mới lại nhà, mua phương tiện đi lại phục vụ cho gia đình có cuộc sống thoải mái hơn.

Đến bây giờ, vợ chồng tôi cũng chẳng quan tâm đến việc mua bất động sản. Dù có khoản tiền tiết kiệm dư sức để mua vài miếng đất nhưng chúng tôi mang đi gửi tiết kiệm hết. Lãi hàng năm cũng dư cho chi phí sinh hoạt của gia đình và con cái học hành. Còn thu nhập từ kinh doanh, được bao nhiêu, chúng tôi lại gửi tiết kiệm lấy lãi.

Hung

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *