Vợ chồng hàng xóm thừa kế sáu lô đất

Hàng xóm trẻ của tôi vừa cưới nhau đã có nhà, xe và tài sản là sáu lô đất.

Hai vợ chồng tôi từ quê lên Bình Dương lập nghiệp, làm việc và chắt chiu cả chục năm trời mới mua được miếng đất và cất nhà ở khu dân cư mới mở. Hàng xóm trong khu dân cư này đa số là dân lao động, hoà đồng và dành thời gian để trò chuyện chứ không phải kiểu nhà nay nấy ở.

Cách đây hai năm rưỡi, trên lô đất trống kế bên nhà tôi mọc lên căn nhà hai tầng. Nội thất ở trong rất tiện nghi, không thiếu món gì. Chủ nhân của căn nhà là một cặp vợ chồng mới cưới, thời điểm đó chỉ mới 24 tuổi. Gia đình hai bên rất giàu, ngoài tiền cưới hỏi hồi môn, tiền mua đất cất nhà cho thì mỗi bên cho ba lô đất ở quê.

Như vậy tính sương sương, chưa tới 30 mà cặp vợ chồng này đã có trong tay mấy chục tỷ bạc. Hàng xóm hay chuyện ai cũng trầm trồ khen. Sau khen là những lời xì xầm bàn tán kiểu như: “Thủ khoa đầu thai”, “Số ngồi mát ăn bát vàng” rồi tệ hơn kiểu như: “Ra khỏi đống tài sản ấy là hụt hơi ngay, xem có vật vã lên xuống với đời không là biết liền”.

Cũng phải thôi, trong khi mình thì làm việc điên người, lo kiếm tiền nuôi con, hàng trăm chi phí, tiền điện nước, tiền học của con, ghét lão sếp ở công ty mà không dám nghỉ việc…thì đập trước mắt mỗi ngày là sự hạnh phúc và sung túc một cặp đôi thìa vàng thì ai mà chẳng…săm soi, kiếm chuyện để tán hươu, tán vượn.

Tôi thì có cách quan sát khác, tôi thấy hai vợ chồng họ lúc nào cũng rất thong dong, thư thả. Mỗi lần gặp mặt là thấy cười tươi như hoa. Không bao giờ bắt gặp họ nhăn nhó hay co cáu bao giờ. Mà cũng đúng thôi, vừa ra đời mà chẳng phải lo nghĩ gì thì có nỗi buồn, nỗi lo nào khiến họ phải buồn?

Mà thực sự tôi thấy, cặp vợ chồng con nhà giàu này sống rất chan hoà với xóm giềng chứ không như phần đông hình dung. Nếu có nhậu hoặc tiệc nhà nào thì hai vợ chồng lăn xả phụ giúp và chơi rất hết mình, không có khoảng cách. Trên hết là sự khiêm tốn và không tỏ ra “nguy hiểm” hay trịch thượng như những bộ phim truyền hình mô tả. Tôi thực sự khâm phục gia đình hai bên, chắc có lẽ thế hệ ông bà, cha mẹ họ lao động chăm chỉ và cật lực lắm mới có tài sản đáng kể để lại cho con cháu và hơn hết là cách giáo dục rất tốt.

Tôi thấy một số người từ lâu đã hình thành một lối suy nghĩ, một lối nhìn có phần bất công với người giàu và con cái họ. Những cái mác “cậu ấm, cô chiêu”, “con nhà giàu ỷ lại”, “phá gia chi tử”… sẵn sàng được dán lên con cái người giàu. Mà họ rất mâu thuẫn vì chính họ lại luôn ao ước được thừa kế tài sản từ ông bà, cha mẹ để…không phải cực nhọc kiếm tiền. Xem ra đó chỉ là những lý do để họ tự AQ chính bản thân để che đậy, lấp liếm cho cái thói “gato” của mình mà thôi.

Gần đây, tôi thấy một số ý kiến cho rằng sẽ không cố tích luỹ tài sản, nhà cửa để lại cho con mà sẽ để chúng tự bơi. Tôi cho đó là điều chưa ổn lắm. Sự tự lập có thể song hành cùng sự giàu có nếu cha mẹ biết cách giáo dục con đúng đắn. Tài sản, nhà cửa của cha mẹ để lại là bệ phóng cực kỳ quan trọng để con cái vào đời.

Con cái có thảnh thơi, không bỏ hàng chục năm kiếm tiền mua nhà, mua đất thì chúng mới có thời gian dạy dỗ, nuôi con (là cháu chúng ta) bài bản. Như vậy, những thế hệ sau sẽ không phải tốn thời gian để làm lại từ đầu và xã hội như vậy mới ngày càng tân tiến hơn. Điều đó là đúng với tinh thần hy sinh đời bố để củng cố đời con vậy.

Hoàng Lê

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *