Con thạo ba ngoại ngữ vì được học từ ba tuổi

‘Con gái tôi 30 tháng tuổi, cùng một vấn đề nhưng nói với mẹ bằng tiếng Anh, còn nói vơi ba lại bằng tiếng Việt’.

“Tôi sống ở Pháp. Bên châu Âu, người ta cứ để trẻ con tự nhiên học theo bản năng, và cũng có gia đình có khả năng chi trả cho còn cái vào những trường đặc biệt. Con tôi cũng nói được bốn thứ tiếng: tiếng Việt (tiếng mẹ đẻ), tiếng Pháp (vì sinh ra trên nước Pháp), tiếng Anh và tiếng Đức.

Lúc bắt đầu đi học (ba tuổi), con tôi còn được chơi đùa, nghe nhạc, xem phim với cô giáo bằng tiếng Anh vài giờ một tuần, nhưng không học viết. Đến năm sáu tuổi, con mới học viết tiếng Anh thật sự. Và năm 12 tuổi, trường con tôi cho học thêm một thứ tiếng khác, chúng tôi chọn tiếng Đức (giáo viên đều là người bản xứ).

Hiện nay, con tôi học lớp 10, nhưng chưa phải học thêm giờ nào. Vì đến 16h30 tan học, có học sinh nào chưa hiểu bài sẽ ở lại lớp, có cô giáo hay một học sinh lớp cao hơn đến để chỉ dẫn thêm một giờ đồng hồ cho các em còn kém. Học sinh nào hiểu bài cũng ở lại làm bài tập cho ngày tới. Ngoài ra, nếu muốn học thêm những môn phụ như nhạc, ca hát, đóng kịch, đánh kiếm, judo, cưỡi ngựa… thì có thể đóng tiền thêm.

Tóm lại, mục đích cuối cùng của trường và của cha mẹ là hết lớp 12 con có thể thi đậu tốt nghiệp với một số điểm cao nhất có thể, để vào một trường đại học lớn. Con tôi giờ nói hai tiếng Việt, Pháp như tiếng mẹ đẻ, tiếng Anh gần bằng tiếng Pháp vì học từ lúc ba tuổi, tiếng Đức cũng đã học được gần bốn năm”.

Đó là quan điểm của độc giả Xuan Toan Pham ủng hộ quan điểm “cho trẻ học ngoại ngữ sớm”. Việc cho trẻ học ngoại ngữ sớm được khoa học chứng minh mang lại nhiều lợi ích về kỹ năng lẫn tư duy của trẻ. Cho trẻ học tiếng Anh khi 4-10 tuổi giúp con bạn tiếp thu tự nhiên, nghe nói chuẩn, phát triển khả năng ngôn ngữ và tư duy não bộ tốt hơn.

>> Tôi dạy con tiếng Anh trước tiếng Việt

Đồng quan điểm, bạn đọc Tèo lấy dẫn chứng từ chính câu chuyện của gia đình mình: “Phần lớn những đứa trẻ xóm tôi đều có hai quốc tịch, tụi nhỏ nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh và đều học trường quốc tế. Tôi vốn nhà quê nhưng thích và ngưỡng mộ sấp nhỏ lắm nên mỗi chiều cứ ngắm nhìn tụi nhỏ chơi và nói chuyện bằng tiếng Anh.

Tôi may mắn vì có vợ kiên trì luyện tập và học rất nhiều tiếng Anh từ khi sinh con. Bây giờ ai biết tiếng Anh đều nói vợ tôi phát âm chuẩn. Con gái tôi 30 tháng tuổi, cùng một vấn đề nhưng quay qua mẹ là nói tiếng Anh hoàn toàn, còn quay qua ba lại nói tiếng Việt hoàn toàn, hoàn toàn không lẫn lộn.

Tôi cực kỳ hài lòng về điều đó và có thể khẳng định rằng tiếng Anh, Pháp, hay Trung… cũng chỉ là một ngôn ngữ để tương tác như tiếng Việt. Vì thế, các bạn đừng nghĩ nó là môn học để học, chẳng qua cũng chỉ là kỹ năng như vận động thôi. Miễn sao trẻ có hứng thú tìm hiểu là được. Tất cả những bậc làm cha mẹ có ý kiến tiêu cực về cách tương tác ngoại ngữ sớm cho trẻ chẳng qua cũng chỉ vì kỹ năng tiếng Anh của họ không tốt”.

Phụ huynh Việt Nam thường chia làm hai phe: số đông mong muốn con càng sớm biết ngoại ngữ càng tốt; phần còn lại cho rằng con nên biết đọc, biết viết sõi tiếng Việt mới bắt đầu học ngoại ngữ. Hầu hết học sinh Việt Nam học tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai. Nó khác với song ngữ (sử dụng song song hai ngôn ngữ). Một số phụ huynh thậm chí còn ngưng sử dụng tiếng mẹ đẻ ở nhà, nhưng điều này có thể dẫn đến những hệ lụy tiêu cực.

Nhấn mạnh lợi ích của việc cho trẻ học ngoại ngữ sớm như một công cụ giao tiếp, độc giả Ham dzui khẳng định: “Trẻ ba tuổi tiếp xúc tiếng Anh là rất tốt, bởi bé tiếp thu nhanh, dễ dàng phát âm giống người bản xứ hơn là nếu để đến 6-7 tuổi mới học. Tôi dạy tiếng Anh cho các bé nhỏ, các bé tiếp xúc tiếng Anh sớm từ ba tuổi thực sự phản xạ giao tiếp rất nhanh nhạy. Có bé bốn tuổi đã có thể giao tiếp bằng câu với giáo viên nước ngoài rồi.

Tôi rất thích cách nghĩ ‘tiếng Anh là ngôn ngữ, là công cụ giao tiếp’. Có rất nhiều phụ huynh nghĩ tiếng Anh là một môn học, và học để lấy điểm cao ở trường. Vậy nên họ nhồi nhét các kiểu, con thi điểm cao mà chẳng dùng được vào thực tế. Hãy cho con tiếp xúc với ngôn ngữ theo cách tự nhiên nhất. Cho bé nghe hội thoại, xem video có thời gian nhất định và dưới sự giám sát của mình cũng sẽ tạo nếp cho bé sau này không nghiện điện thoại mọi lúc mọi nơi”.

Việt Thành tổng hợp

>> Các ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *